“Bạn hàng lớn” của Việt Nam
Theo Bộ NN&PTNT, năm 2022, ngành nông nghiệp lập kỷ lục khi mang về kim ngạch xuất khẩu 53,2 tỷ USD. Trong đó, các nhà nhập khẩu đến từ Hoa Kỳ đã mua từ Việt Nam gần 14 tỷ USD nông lâm sản và thủy sản các loại, chiếm 25% trong tổng giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Con số này đưa Hoa Kỳ trở thành thị trường nhập khẩu nông sản số 1 của Việt Nam.
Từ đầu năm 2023 đến nay, tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam đạt khoảng 33,21 tỷ USD. Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục duy trì là 3 thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam; trong đó, giá trị xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm 20,6% tổng giá trị.
Một số chuyên gia nhận định, nhu cầu thưởng thức những loại nông sản, trái cây chất lượng cao từ vùng nhiệt đới của người dân Hoa Kỳ đang tăng lên, nhất là trái vải tươi, thanh long, xoài. Gần đây nhất, trái bưởi đã được Hoa Kỳ cho phép nhập khẩu chính thức, đưa Việt Nam có 7 loại quả tươi được xuất đi quốc gia này.
Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, trong số các nhóm mặt hàng nông sản, Hoa Kỳ đang mua nhiều nhất hạt điều, thủy sản, gỗ, trái cây của Việt Nam. Từ năm 2020, Hoa Kỳ đã trở thành bạn hàng lớn nhất trong thương mại nông, lâm, thủy sản với Việt Nam. Ngay cả trong giai đoạn dịch Covid-19 hoành hành, suy thoái kinh tế, đứt gãy chuỗi cung ứng, nhưng cả xuất khẩu và nhập khẩu nông sản giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đều tăng ở mức 2 con số.
Báo cáo thị trường nông sản của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho thấy, nhập khẩu nông sản của Mỹ năm 2023 được dự báo ở mức 199 tỷ USD, cao hơn 5 tỷ USD so với mức thực hiện của năm ngoái. Đây là cơ hội cho các nhà xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam tăng tốc xuất khẩu vào thị trường này.
Tăng cường hợp tác đa lĩnh vực
Bộ NN&PTNT đánh giá, Hoa Kỳ là thị trường rộng mở đối với hàng nông sản nhập khẩu, nhưng cũng chính vì đặc điểm này mà Hoa Kỳ cũng trở thành thị trường khó khăn và cạnh tranh bậc nhất. Việt Nam không chỉ phải cạnh trạnh với các nước có cùng chủng loại sản phẩm mà còn phải cạnh tranh ngay chính với các nhà sản xuất nội địa.
Doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ hiện cũng phải đối mặt với các rào cản thương mại, rào cản kỹ thuật, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Cũng bởi điều này, các doanh nghiệp Việt Nam được khuyến cáo nên chú trọng thêm các yếu tố xung quanh chất lượng sản phẩm như quy trình sản xuất xanh, nguyên liệu xanh gần gũi thân thiện môi trường.
“Việt Nam luôn coi trọng mối quan hệ hợp tác với Hoa Kỳ trong lĩnh vực nông nghiệp và mong chờ hai bên nâng cấp chuỗi hợp tác công - tư, mở ra không gian mới để thu hút nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ đếnViệt Nam hơn..”
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan
Tại buổi tiếp và làm việc với đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam luôn coi Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu, mong muốn thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện với Hoa Kỳ và ủng hộ việc tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác trong các lĩnh vực; trong đó, nông nghiệp là lĩnh vực rất quan trọng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị phía Hoa Kỳ tăng cường hợp tác, hỗ trợ trong quá trình Việt Nam thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiện đại, hội nhập, phù hợp với điều kiện Việt Nam; xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; thương mại hóa, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp; mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và nền kinh tế hai nước, đóng góp vào quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ tăng cường hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong chuyển đổi xanh, thích ứng biến đổi khí hậu, chuyển giao công nghệ và chuyển đổi số nông nghiệp; kiểm soát dịch bệnh, nghiên cứu, sản xuất vaccine, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi; tăng học bổng, đào tạo nhân lực cho ngành nông nghiệp.
Chia sẻ tại cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ Thomas Vilsack khẳng định phía Hoa Kỳ mong muốn tăng cường quan hệ song phương với Việt Nam, nhất là quan hệ thương mại hai nước; hai bên tiếp tục hợp tác, tham khảo kinh nghiệm lẫn nhau trong phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp thông minh, ứng phó biến đổi khí hậu.
Bộ trưởng Thomas Vilsack cho biết sẽ trao đổi, làm việc với các cơ quan chức năng hai bên để thúc đẩy các lĩnh vực, nội dung hợp tác như Thủ tướng cho ý kiến; trong đó có việc thiết lập cơ sở chiếu xạ ở miền Bắc của Việt Nam, góp phần hỗ trợ nông sản Việt Nam đáp ứng tốt nhất nhu cầu của thị trường Hoa Kỳ và các thị trường khác, mở rộng thị trường cho nông sản hai bên.