Theo báo cáo của tỉnh Lâm Đồng, đến nay các địa phương đã hoàn thiện khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư của dự án; bổ sung, hoàn chỉnh báo cáo đánh giá tác động môi trường; sơ bộ thống kê, tính toán khối lượng, phạm vi, diện tích bồi thường, giải phóng mặt bằng, dự kiến quỹ đất tái định canh, định cư… Tuy nhiên, hiện nay 02 dự án này đang có một số vướng mắc, chưa phê duyệt được Dự án, ảnh hưởng đến tiến độ khởi công của các dự án, trong khi dự án đoạn Dầu Giây - Tân Phú do Bộ Giao thông vận tải là cơ quan có thẩm quyền đã hoàn thành phê duyệt dự án cuối tháng 7 năm 2024.
Để sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ các Dự án do Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng là cơ quan có thẩm quyền, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện một số nội dung sau:
Đối với đoạn Tân Phú - Bảo Lộc
Hội đồng thẩm định liên ngành (Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực) đã có ý kiến về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án. Tỉnh Lâm Đồng sớm thống nhất và có ý kiến bằng văn bản khẳng định đối với nội dung như phương án đề xuất tại cuộc họp (không điều chỉnh tăng vốn Nhà nước tham gia Dự án, không đề xuất bổ sung áp dụng cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu) và việc điều chỉnh các nội dung khác của Báo cáo nghiên cứu khả thi không dẫn đến việc phải điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án theo quy định của Luật PPP); khẩn trương gửi văn bản giải trình, hoàn thiện Hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án gửi Hội đồng thẩm định liên ngành trước ngày 23 tháng 9 năm 2024 để tổ chức thẩm định;
Hội đồng thẩm định liên ngành khẩn trương hoàn thành thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án theo quy định của Luật PPP trước ngày 30 tháng 9 năm 2024.
Về huy động nguồn đầu tư: Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng thì với phương án không điều chỉnh tăng vốn nhà nước tham gia dự án và không áp dụng cơ chế chia sẻ phần doanh thu giảm nên tính khả thi của Dự án không cao và giảm sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và các tổ chức tín dụng.
Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những khó khăn, vướng mắc đối với quy định về vốn chủ sở hữu tối thiểu của nhà đầu tư theo quy định tại Nghị định số 78/2023/NĐ-CP ngày 07 tháng 11 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 2017 về tín dụng đầu tư của Nhà nước, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ xem xét sửa đổi, điều chỉnh tỷ lệ vốn chủ sở hữu tham gia trong quá trình thực hiện dự án thống nhất với quy định pháp luật về PPP (đồng thời gửi Bộ Tài chính) trước ngày 20 tháng 9 năm 2024.
Bộ Tài chính nghiên cứu kiến nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng để đề xuất phương án giải quyết kịp thời, khả thi đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ (theo nguyên tắc thẩm quyền của Chính phủ đến đâu, xử lý ngay đến đó), bao gồm cả việc sửa đổi, bổ sung các Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 2017, số 78/2023/NĐ-CP ngày 07 tháng 11 năm 2023 và số 28/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2021 đảm bảo phù hợp với Luật PPP để sớm tháo gỡ khó khăn cho các Dự án theo phương thức đối tác công tư, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ trước ngày 30 tháng 9 năm 2024.
Đối với tuyến đường cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương
Dự án này thuộc thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư của Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng. Việc điều chỉnh tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án bảo đảm không quá 50% theo quy định của Luật PPP.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng và các Nhà đầu tư đề xuất tích cực, nỗ lực triển khai các nhiệm vụ để sớm khởi công dự án theo quy định pháp luật.
Trong quá trình triển khai thi công các công trình, cần có giải pháp, tính toán để cân đối tỷ lệ đào - đắp hoặc có phương án dự trữ đất đào, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí nguồn vật liệu.
Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông được ưu tiên làm trước
Về vướng mắc liên quan đến phần diện tích của 02 dự án cao tốc chồng lấn với Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050: Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để được hướng dẫn cụ thể theo hướng lấy quy hoạch đất đai làm gốc, trong đó đã có đất dành cho công trình giao thông nên dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông được ưu tiên làm trước; khoáng sản được đưa vào quy hoạch dự trữ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả xử lý.
Về kiến nghị của các Nhà đầu tư áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM): Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký ban hành Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 17 tháng 3 năm 2023 phê duyệt lộ trình áp dụng mô hình BIM trong hoạt động xây dựng. Đây là mô hình quản lý tiên tiến nhất, quản lý chất lượng, công nghệ, số hóa quản lý thực tế tại hiện trường cần được áp dụng đối với các dự án đường theo đúng lộ trình. Đối với 02 dự án do Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng là cơ quan có thẩm quyền, Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm rà soát tổ chức hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng để thực hiện theo quy định.
Về trạm dừng nghỉ đường bộ cao tốc: Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, xem xét trên cơ sở Luật Đường bộ và nội dung dự thảo văn bản hướng dẫn Luật Đường bộ để có văn bản hướng dẫn 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc triển khai thực hiện thiết kế, đầu tư trạm dừng nghỉ, trạm sạc điện, các dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng, cung cấp nhiên liệu, bảo đảm đồng bộ; khi tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thì đảm bảo phạm vi cả gói công việc bao gồm đầu tư xây dựng công trình giao thông và các công trình tiện ích kèm theo.