Wednesday, 17:23 08/07/2015
Thúc đẩy việc làm bền vững bắt đầu từ đẩy mạnh phát triển đoàn viên
Kinhtedothi - Công tác phát triển đoàn viên (PTĐV) trong tổ chức công đoàn (CĐ) hiện nay tại Việt Nam đang gặp nhiều thách thức, gây trở ngại không nhỏ đối với quá trình tạo ra việc làm ổn định cho người lao động (NLĐ).
Điều này đang đặt ra yêu cầu đối với các cấp CĐ trong nước cần học tập kinh nghiệm nhiều hơn từ các tổ chức quốc tế, tổ chức CĐ từ các nước trên thế giới.
Nhiều rào cản phát triển đoàn viên
Tại Hội thảo “PTĐV nhằm thúc đẩy việc làm bền vững”, do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐ) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) phối hợp tổ chức trong hai ngày 8-9/7 tại Hà Nội, đại diện Ban tổ chức TLĐLĐ cho biết: Đại hội XI CĐ Việt Nam đã đặt mục tiêu đến năm 2018, cả nước có 10 triệu đoàn viên, với tối thiểu 90% số DN sử dụng 30 LĐ trở lên thành lập được CĐ cơ sở (CĐCS). Tuy nhiên đến thời điểm này, Việt Nam với có tổng số 8.747.000 đoàn viên, với 120.150 CĐCS, là một kết quả vẫn khiêm tốn.
Đề cập đến những khó khăn trở ngại trong PTĐV CĐ hiện nay, đại diện Ban tổ chức TLĐLĐ Việt Nam phản ánh: Từ phía DN, một bộ phận người sử dụng LĐ chưa sẵn sàng hợp tác với CĐ, còn tìm cách trì hoãn, không muốn CĐ tiếp cận NLĐ để tuyên truyền PTĐV, thành lập CĐCS. DN vi phạm pháp luật còn nhiều, nhất là DN ngoài nhà nước, DN FDI, mà chủ yếu DN đang hoạt động là vừa và nhỏ có số lượng dưới 30 LĐ. Hàng năm số DN hoạt động cầm chừng, ngừng SXKD và phá sản luôn ở mức cao, làm gia tăng số LĐ thiếu và mất việc làm.
Trong khi đó, một trở ngại từ phía NLĐ chính là LĐ từ nông thôn vào DN, thiếu hiểu biết về pháp luật, tổ chức CĐ, vì “bát cơm manh áo” nên NLĐ chưa gia nhập CĐ. Tính chung trong tổng số DN cho thấy: DN ngoài nhà nước có khoảng 6,75 triệu LĐ nhưng chỉ có hơn 30% là đoàn viên; DN FDI có 2,56 triệu LĐ nhưng chỉ 66% là đoàn viên; còn tại KCN có 1,7 người trong số 2,2 triệu LĐ là đoàn viên CĐ.
Ông Pong-Sul Ahn - Chuyên gia lĩnh vực họat động công nhân của ILO cho biết: Tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương trong đó có Việt Nam hiện nay, tỷ lệ đoàn viên trong các tổ chức CĐ rất thấp, và đây là mối quan tâm lớn của ILO. Việc làm bền vững (hay còn gọi “việc làm đàng hoàng”) là mục tiêu chung của cả ILO và tổ chức CĐ. “Câu hỏi đặt ra là tại sao chúng ta luôn phải nỗ lực để kết nạp NLĐ vào một tổ chức để có “cái ô” che chở? Cán bộ CĐ phải là người trực tiếp tiếp xúc với NLĐ, và NLĐ cũng cần nhận thức được rằng tại sao họ phải tham gia CĐ. Những người phụ trách tổ chức CĐ cần coi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu”, ông Pong nhấn mạnh.
Về vấn đề này, đại diện LĐLĐ tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng: Ở Việt Nam, trình độ hiểu biết pháp luật của NLĐ rất hạn chế, nhất là những quy định liên quan đến việc ký kết hợp đồng, nên khi giới chủ tiến hành ký kết hợp đồng, NLĐ chịu rất nhiều sự áp đặt, chịu nhiều thiệt thòi. Do đó, tổ chức CĐ khi đã kết nạp đoàn viên, cần tăng cường hỗ trợ tuyên truyền để NLĐ có hiểu biết về chính sách pháp luật, từ đó họ biết đòi hỏi quyền lợi một cách hợp pháp, chính đáng.
Chú trọng khâu “tổ chức” để gia tăng đoàn viên
Theo ông Pong, tất nhiên có những động cơ để NLĐ tham gia CĐ, và CĐ cần chú trọng tuyên truyền để NLĐ thấy được động cơ này. ILO rất quan tâm vấn đề kết nạp công nhân vào CĐ, do mục tiêu của ILO là việc làm bền vững, cũng như luôn quan tâm làm thế nào để mọi NLĐ được bảo vệ theo pháp luật. Tuy nhiên, ILO chỉ có thể làm việc với người sử dụng LĐ hay các tổ chức như CĐ chứ không thể làm việc với từng NLĐ. Tổ chức CĐ là tổ chức mang tính thể chế nên mới làm được công tác đào tạo, tiến hành các đối thoại xã hội... NLĐ được hưởng những lợi ích hay không thì phải thông qua việc tổ chức, chứ CĐ cũng không thể làm việc với từng NLĐ.
Liên quan đến vấn đề “tổ chức”, ông Pong cho rằng đây là một sự đầu tư dài hạn nhằm gia tăng số lượng đoàn viên. PTĐV là một trong những nhiệm vụ của CĐ, và CĐ cũng cần coi việc kết nạp đoàn viên CĐ là một đầu tư lâu dài. Đặc biệt, CĐ cần quan tâm hơn với những NLĐ tự do ở khu vực phi chính quy (còn gọi là khu vực phi kết cấu), giống như đối với NLĐ ở các khu vực chính quy, và phải đưa các điều khoản về LĐ phi chính quy vào các thỏa ước LĐ tập thể. Việc kết nạp nhiều đoàn viên cũng mang ý nghĩa giúp CĐ ngày càng mạnh thêm. Tổng LĐLĐ là cơ quan có thể thương thuyết thảo luận với Chính phủ về nhiều vấn đề, nên việc PTĐV sẽ giúp ngày càng nâng cao vị thế, vai trò cho tổ chức CĐ. CĐ khi đã kết nạp được đoàn viên, với chức năng của mình có thể mang tới cho NLĐ những lợi ích về đào tạo, thông tin, bảo vệ NLĐ... Vấn đề “tổ chức” chính là xuất phát điểm để tiến hành các chức năng của CĐ, từ đó hỗ trợ tuyên truyền, tư vấn pháp lý cho NLĐ...
Chuyên gia của ILO khuyến cáo: CĐ tại Việt Nam cũng cần quan tâm tiến tới kết nạp những NLĐ phi kết cấu, trong khi số LĐ này ngày càng tăng, kể cả những công nhân di cư. “Những NLĐ này không có thu nhập đàng hoàng, chưa được trả theo tiền lương tối thiểu, rất thấp, nên tiền lương tối thiểu cũng cần được áp dụng trong khu vực này. NLĐ thường bị bóc lột, phân biệt đối xử, chưa có cơ quan pháp chế bảo vệ, họ cũng chưa biết đến những cơ chế về luật pháp để có thể bảo vệ họ. Những người này không tham gia CĐ nên họ không biết kiến nghị với ai về những bức xúc của mình; không có hợp đồng LĐ nên khi bị xâm phạm quyền, không biết dựa vào đâu để kêu cứu”, ông Pong nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị An - Phó trưởng ban Tổ chức LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh phản ánh: Đối với NLĐ Việt Nam nhất là khu vực phi kết cấu, đang chịu nhiều áp lực từ chủ sử dụng LĐ. Có nơi bắt NLĐ làm thêm giờ quá quy định, trong khi thanh toán trả làm thêm giờ không đủ theo quy định. Hay về chế độ BHXH, có những trường hợp ngay khi có giấy xin nghỉ sinh con thì lập tức bị thu lại BH và không được chi trả BH nữa, cũng đồng nghĩa NLĐ phải nghỉ việc luôn. Hay về an toàn vệ sinh LĐ, nhiều DN chưa đảm bảo bảo hộ LĐ, môi trường làm việc rất nóng nực. Hay thời gian nghỉ ngơi du lịch, nhiều DN hiện chỉ quan tâm đối tượng tổ trưởng, tổ phó trở lên, còn công nhân rất ít được hưởng.
Theo ông Pong, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra chính sách BHXH cho cả NLĐ khu vực kết cấu và phi kết cấu, nhưng NLĐ phi kết cấu chưa được hưởng, nên CĐ cần tuyên truyền đề NLĐ phi kết cấu biết được những quyền lợi đó, cũng là động cơ để họ tham gia CĐ. Hoặc lương tối thiểu cũng là vấn đề cần được CĐ tuyên truyền cho NLĐ. Ở nước Nepal, các cấp CĐ lấy vệ sinh an toàn LĐ là vấn đề khởi đầu để CĐ tuyên truyền cho NLĐ giúp họ biết được quyền lợi khi tham gia CĐ. Ở Việt Nam, vấn đề về thời gian nghỉ ngơi, đi du lịch cũng có thể là xuất phát điểm để tuyên truyền cho NLĐ, và cách thức tuyên truyền thế nào cần được lưu ý.
![]() Tham gia tổ chức CĐ, NLĐ được bảo đảm các quyền lợi chính đáng (trong ảnh: Lãnh đạo LĐLĐ TP Hà Nội tặng quà cho các con CNLĐ khó khăn)
|