Vài người Hà Nội đã từng nghe quảng cáo trên mạng mà vứt bỏ hết những việc đang làm dở để chạy ra nhà hàng ăn một bữa buffet miễn phí. Hay chen chúc nhau để nhận một chiếc áo mưa tặng ngày khai trương cửa hàng dù đang lúc trời nắng chang chang. Đây là một phong cách sống mới ở các đô thị Việt kể cả những TP nổi tiếng chậm rãi như Hà Nội và Huế.
Thành ngữ vỉa hè vài năm gần đây rộ lên câu cảm thán “Hà Nội không vội được đâu!” chẳng phải là vô tình. Nó phản ánh rất xác đáng lối sống ồn ào vội vã mới du nhập vào thành phố những năm vừa rồi.
Một lối sống có phần hình thành bởi nền kinh tế thị trường bắt đầu manh nha định hình. Mọi việc đều cần phải giải quyết nhanh, gọn và hiệu quả. Đến mức thực dụng. “Hà Nội không vội được đâu!” như một lời nhắc nhở với cư dân cả mới lẫn cũ và cũng có phần bùi ngùi than vãn vì tốc độ công việc quá chậm rãi kém hiệu quả.
Nếu không có đợt phòng, chống dịch Covid-19 với chỉ thị giãn cách xã hội như vừa rồi, dân phố hầu như đã quên mất nếp sống bình lặng, chậm rãi còn hiện diện ở TP này chưa lâu lắm. Lúc ấy còn chưa có khái niệm sống chậm. Nếp sống của mọi người trong thành phố là như thế.
Những năm 60, 70 thế kỷ trước người Hà Nội không có nhu cầu sinh hoạt tốc độ. Đường phố vắng vẻ cứ thanh thản mà đi. Chỉ khoảng 7 giờ tối là những con phố Bùi Thị Xuân, Triệu Việt Vương, Mai Hắc Đế, Hòa Mã, Lò Đúc phía khu phố Hai Bà Trưng đã vắng tanh. Trẻ con tụ tập dưới những gốc cây già bày trò chơi trốn tìm trên những đoạn phố tối. Phụ huynh ra tìm con cũng chịu chết nếu không có lũ bạn nó chỉ điểm. Trai gái có thể vô tư khoác vai nhau chậm rãi dạo phố ngay cả dưới lòng đường.
Nhiều nụ hôn đắm say bên những gốc cây lòa xòa bóng tối như tan lẫn vào màn đêm. Dù nghèo khó nhưng dân phố ngoài giờ công sở chợ búa ra tất cả đều nghỉ ngơi thư giãn. Không có ai nghĩ đến việc làm thêm một cái gì đó ngoài những sửa chữa điện nước lặt vặt trong gia đình. Trẻ con cũng rất ít đứa học bài vào các buổi tối trừ những khi sắp bước vào kì thi. Có lẽ lũ trẻ là hạnh phúc nhất lúc bấy giờ.
Các môn học ở trường khá ít, chúng chỉ mất độ 2 giờ đồng hồ ở nhà là giải quyết xong tất cả các bài tập. Thời gian còn lại là chạy nhảy nô đùa, bơi lội, thả diều, đánh khăng… Chính vì những tiếp xúc vỉa hè như vậy chúng học được khá nhiều kĩ năng sống. Và hơn hết, chúng được sống như mong muốn.
Những ngôi chợ trong thành phố như: Đồng Xuân, Hàng Bè, Hàng Da, Chợ Hôm, Chợ Bưởi, Chợ Mơ… cũng thưa thớt bóng người. Đơn giản vì lúc ấy hệ thống cửa hàng mậu dịch bán phân phối theo tem phiếu mở ra rất nhiều. Những thứ phải mua ở thị trường tự do rất ít và không phải ai cũng có tiền để mua sắm ngoài tiêu chuẩn.
Mãi đến tận đầu những năm 70 Hà Nội mới đông đúc lên thêm do đã hết chiến tranh phá hoại. Dân chúng kéo về phố đông nhưng vẫn trật tự nền nếp. Ở các cửa hàng mậu dịch khách hàng buộc phải xếp hàng thứ tự. Cả TP chỉ có một điểm ùn tắc giao thông duy nhất ở chỗ chắn tàu Khâm Thiên mà thôi. Ai cũng biết mà tìm đường tránh.
Độ mươi năm nay với tốc độ tăng trưởng dân số phi mã, Hà Nội không còn giữ được dáng dấp từ tốn, thong thả như xưa nữa. Thời gian biểu được tính sít sao từng phút. Và thật ngạc nhiên, cái thời gian biểu ấy hiếm khi có mục vui chơi bè bạn hoặc phim ảnh, ca nhạc, hội họa… Đó là một thứ thời gian biểu để tồn tại chứ không hẳn là sống. Đại khái sáng dậy nháo nhào cho con cái ăn uống và đưa bọn chúng đến trường. Những đứa trẻ dậy sớm còn được theo bố mẹ đi ăn sáng ngoài đường, phần lớn là trên đường đến trường được phụ huynh mua cho nắm xôi hoặc chiếc bánh mì vừa ngồi sau xe vừa gặm.
Phụ huynh nam thường phải cấp tốc uống tách cà phê ở quán trong vòng mươi phút để còn đến cơ quan. Phụ huynh nữ ghé vào chợ cóc mua thịt cá làm sẵn mang đến công sở cho vào tủ lạnh để chiều về có cái nấu nướng. Ngày nghỉ dành cho việc mua bán ở siêu thị và các shop lẻ trong phố. Thế là hết một tuần. Những điểm vui chơi quanh TP phù hợp với thời gian được nghỉ nếu có xe cũng chỉ đi được vài tuần là hết.
Chúng ta đã đánh mất kĩ năng sống chậm từ lúc nào chẳng biết. Tất nhiên sẽ có người phản biện lại rằng cuộc sống luôn phải theo đúng với tốc độ của thời đại mà chúng ta đang sống. Điều đó không sai nhưng cũng chẳng đúng. Không có kẻ dở người nào thời nay còn thong thả ngồi chờ chiếc máy tính chạy hệ điều hành cũ ì ạch khởi động. Điều người ta nghĩ đến ngay lập tức là một chiếc máy mới.
Thế nhưng cũng không ai muốn uống một viên thuốc trong vòng vài giây dù rằng nó mang đầy đủ dinh dưỡng và mùi vị của một bát phở. Chúng ta cần thú vui thưởng thức bát phở chứ không chỉ vì dinh dưỡng.