Bởi thế, việc Quốc hội tiến hành giám sát tối cao về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận.
Thực tế cho thấy, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là vấn đề đã được đề cập đến nhiều, được các cấp, các ngành rất quan tâm. Sau mỗi năm, lại tạo thêm những kết quả tích cực, được cân đo bằng chính những con số cụ thể ở từng lĩnh vực. Tuy nhiên, qua những con số dù mới chỉ là bước đầu vừa được đoàn giám sát thông báo sơ bộ tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua cũng cho thấy phần nào mức độ lãng phí, thất thoát nguồn lực trên nhiều lĩnh vực, với con số cũng không hề nhỏ.
Ví dụ như về quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước, giai đoạn 2016 - 2021 phát hiện và xử lý 12.640 vụ vi phạm các quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ với tổng giá trị được kiến nghị thu hồi và bồi thường là 894,1 tỷ đồng. Còn về tài sản Nhà nước có đến gần 7.000 phương tiện đi lại, 33.608 tài sản khác được trang bị, hàng trăm nghìn mét vuông diện tích trụ sở, nhà công vụ sử dụng sai mục đích, sai tiêu chuẩn, chế độ. Đặc biệt, giai đoạn 2016 - 2021 vẫn còn 650.624.498 m2 đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, có vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, số tiền xử phạt vi phạm thu được lại rất nhỏ là 242.082 triệu đồng. Như nhiều ý kiến đã nhận định, đó là sự lãng phí nguồn lực rất lớn, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội. Và đây chỉ là một trong những biểu hiện của sự lãng phí xảy ra trong thời gian qua.
Trên diễn đàn Quốc hội nhiều đại biểu đã lên tiếng về vấn đề này và cảm thấy xót xa trước sự lãng phí, đặc biệt là lãng phí tài nguyên đất đai. Như có ý kiến đã chỉ ra, chống lãng phí không phải là đợi để bắt, xét xử rồi cho vào tù, vì khi xảy ra rồi thì việc xử lý không còn nhiều hiệu quả. Chống là để chủ động không gây lãng phí, muốn vậy phải đẩy mạnh giáo dục, truyền thông. Phải coi tiết kiệm là lẽ sống, là đạo đức để sống, thực hành và quản lý xã hội.
Tuy nhiên, không dễ phân định ranh giới giữa tham nhũng và lãng phí một cách rõ ràng để điểm tên những tổ chức, cá nhân gây ra lãng phí. Trong việc đánh giá lãng phí chưa sâu, chưa sát, nhiều nơi còn chung chung. Đồng thời, có những cái lãng phí không thể đong đếm như thời gian, cơ hội, đặc biệt là sức lực, trí tuệ, hay cách thức tổ chức làm việc, chủ trương, chính sách. Chính vì vậy, lãng phí là nghiêm trọng, đáng lên án, đáng phê phán vì lãng phí là mất, khó thu hồi được. Và hành vi làm thất thoát lãng phí bị xử lý vẫn chưa nhiều.
Việc giám sát của Quốc hội vẫn tiếp tục, những con số cụ thể, những địa chỉ sẽ được tiếp tục chỉ ra để có sự đánh giá kỹ về thực trạng. Cơ quan, đơn vị, địa phương nào thực hiện chính sách thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tốt phải được nhân rộng. Như Chủ tịch Quốc hội đã chỉ rõ, nơi nào làm chưa tốt phải rõ được địa chỉ và phải minh chứng bởi những “số liệu biết nói” về sự lãng phí, từ đó chỉ rõ trách nhiệm đối với từng chủ thể.
Nếu thực hành tiết kiệm được đồng nào thì sẽ mang lại ích lợi cho quốc gia từng ấy. Trên quan điểm ấy, việc nêu rõ trách nhiệm và xử lý trách nhiệm với những tổ chức, cá nhân gây lãng phí càng phải coi trọng. Qua đó mới tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong thực tiễn, tránh tình trạng lãng phí tràn lan nhưng không ai bị xử lý.