Đăng ký cầu an, vái vọng tại nhà
Bước vào năm mới, nhiều người thường có nhu cầu đến các cơ sở thờ tự để làm lễ cầu an và dâng sao giải hạn. Năm nay, do dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các cơ sở thờ tự đóng cửa từ 0 giờ ngày 16/2 . Ngày mùng 6 Tết (17/2 dương lịch), các chùa trên địa bàn Hà Nội như Phúc Khánh, Quán Sứ, Chùa Bộc… đều đóng cửa và dán thông báo tạm dừng đón tiếp phật tử, người dân đến làm lễ. Tại cổng các ngôi chùa, phật tử và người dân tập trung khá đông, nhiều người buồn bã, lo lắng vì không thể cầu an, giải hạn trong năm mới, phải vái vọng từ bên ngoài.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên Kinh tế & Đô thị, tại chùa Quán Sứ (Hà Nội), nhà chùa vẫn nhận cầu an, giải hạn cho người dân trong tháng Giêng năm Tân Sửu 2021. Phía trước cửa chùa, 2 bà sãi (người cao tuổi, giúp việc nhà chùa) khi thấy người dân bày tỏ mong muốn được cầu an, dâng sao giải hạn sẽ hướng dẫn đăng ký, viết đầy đủ họ tên, ngày tháng năm sinh, tuổi, địa chỉ thường trú vào một tờ giấy để gửi cho các sư trong chùa viết sớ. Sau khi đăng ký và đóng tiền, người dân sẽ được đưa cho một tờ “Phiếu đăng ký” nội dung ghi rõ: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam chùa Quán Sứ Hà Nội, Phiếu đăng ký cầu an – giải hạn” và có ghi đầy đủ ngày giờ, số thứ tự để vái vọng, nhận lộc. Để thực hành nghi lễ, một vị sãi nhận tiền và xếp lịch cho người dân cầu an, giải hạn cho biết: “Đúng ngày giờ trong phiếu, thầy sẽ làm lễ bên trong chùa. Anh có thể vái vọng ở nhà”.Ngày 17/2, phóng viên ghi nhận nhiều người dân đã đăng ký cầu an, giải hạn từ năm 2020 đến vái vọng, nhận lộc từ chùa; đồng thời, đăng ký, đưa đồ lễ nhờ các vị sãi trong chùa dâng lên ban thờ.Khuyến khích làm lễ trực tuyếnNgay trong kỳ nghỉ Tết Tân Sửu, Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo (GHPGVN) Việt Nam đã ban hành văn bản hướng dẫn việc tổ chức các lễ cầu nguyện quốc thái dân an (mà nhiều chùa còn gọi lễ cầu an giải hạn) trong dịp Tết cổ truyền. Ban Thường trực Hội đồng trị sự GHPG Việt Nam đề nghị toàn thể tăng ni, phật tử các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước thực hiện Tết 5K để cầu nguyện quốc thái dân an, dịch bệnh sớm tiêu trừ, đem lại sự bình an, may mắn cho mọi người, mọi nhà.GHPG Việt Nam yêu cầu các chùa, cơ sở tự viện và tăng ni thực hiện chia nhỏ các khóa lễ cầu an làm nhiều buổi, không tập trung đông người cũng như không tổ chức đông tín đồ hành hương tới nhiều địa phương, nhất là các địa điểm nằm trong vùng dịch. Đặc biệt, GHPG Việt Nam yêu cầu các khóa lễ cầu an phải đảm bảo trang nghiêm, tiết kiệm, tránh mê tín dị đoan, không đốt vàng mã, tránh những nội dung nghi lễ không đúng chính pháp của Phật giáo. Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký GHPG Việt Nam cho biết: “GHPG Việt Nam khuyến khích tăng ni, phật tử ứng dụng các hình thức trực tuyến phục vụ nhu cầu tâm linh của Nhân dân thông qua các nền tảng mạng xã hội của Giáo hội như giác ngộ online, Phật giáo.org, Phật sự Online, mạng xã hội Butta”.Có thể thấy, việc đóng cửa các cơ sở thờ tự, tổ chức các buổi lễ bằng hình thức trực tuyến đã hạn chế tình trạng tập trung đông người ở các đình, chùa. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân đến cổng chùa vái vọng, nhận lộc có thể tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện các điểm tập trung đông người, gây khó khăn trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.