Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thực hiện Các dự án BOT: Cần công khai để giám sát

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các dự án đầu tư phát triển hạ tầng giao thông theo hình thức BOT mọc lên như “nấm sau mưa” đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân.

Thế nhưng, các điều khoản trong hợp đồng do Bộ GTVT ký với các nhà đầu tư (NĐT) sau nhiều năm vẫn là “chuyện của hai người”.

Doanh nghiệp vận tải lao đao vì phí

Tại buổi tọa đàm "Minh bạch thu phí dự án BOT giao thông" mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, trong những năm qua, để hoàn thành 746km đường cao tốc, ngành GTVT đã sử dụng rất nhiều nguồn vốn, trong đó vốn ngân sách Nhà nước là 110.000 tỷ đồng, vốn ngoài ngân sách là 60.000 tỷ đồng. Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 cả nước có trên 2.000km đường cao tốc, ngoài việc sử dụng các nguồn vốn ngân sách Nhà nước, ngành GTVT sẽ tiếp tục huy động các nguồn vốn xã hội hóa (XHH).
Dự án BOT quốc lộ 2 đoạn Nội Bài - Vĩnh Yên. Ảnh: Huy Hùng
Dự án BOT quốc lộ 2 đoạn Nội Bài - Vĩnh Yên. Ảnh: Huy Hùng
Không thể phủ nhận hiệu quả của các dự án XHH phát triển hạ tầng giao thông thời gian qua. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, sự thay đổi này không đồng nghĩa với việc cuộc sống của người dân, đặc biệt là các DN vận tải sẽ tốt hơn. Ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, khi đầu tư đường cao tốc phải tính toán đến hiệu quả, dựa vào khả năng thực tế và đầu tư phải có lộ trình, chứ không nên cố phải hoàn thành mục tiêu đề ra bằng mọi cách. Bởi, "nếu cơ quan quản lý Nhà nước cứ cố quá thì DN vận tải sẽ trở thành những người… quá cố". Dẫn chứng về gánh nặng của các dự án BOT đối với các DN vận tải, ông Liên nêu ví dụ, một xe khách giường nằm 42 chỗ chạy tuyến bến xe Nước Ngầm (Hà Nội) – Bến Thủy (Nghệ An) một tháng hết 24,5 triệu đồng phí (cả lượt đi và về), chưa kể phí vận tải, phí xuất bến... Trong khi xe xuất bến chỉ 5 - 7 hành khách, đến bao giờ các DN vận tải làm đủ tiền để… đóng phí BOT?

Liên quan đến phản ánh quãng đường từ Hà Nội về Thái Bình dù chỉ 100km nhưng có tới 4 trạm thu phí, ông Trường cho rằng, nếu không muốn mất tiền phí, các phương tiện có thể di chuyển trên QL1 cũ. Tuy nhiên, lời giải thích này đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ các DN vận tải, thậm chí nhiều lái xe cho rằng Thứ trưởng Bộ GTVT chưa… thuộc luật. “Xe khách phải chạy theo luồng tuyến đã quy định, không thể có chuyện muốn chạy đường nào thì chạy. Nếu được như lời Thứ trưởng Bộ GTVT nói thì chúng tôi đã chuyển sang QL1 cũ chạy từ lâu rồi” – một lái xe chia sẻ.

Đã tính toán mức phí khoa học?

Theo ông Trường, căn cứ để đưa ra mức phí BOT là dựa vào mức thu nhập của người dân và  tình hình kinh tế của khu vực. Các dự án thu phí hoàn vốn trước đây thường thu đồng loạt 10.000 đồng/lượt xe con. Từ năm 2000 về trước, giá vé đó là cố định, về sau, toàn bộ chi phí được tính theo thị trường. “Mức giá tối thiểu từ 20.000 – 30.000 đồng/lượt/xe được điều chỉnh theo tốc độ tăng trưởng kinh tế và tương đương với giá 10.000 đồng/xe như trước đây. Ngoài ra, khi làm việc với Bộ Tài chính, Bộ GTVT cũng tính rất kỹ và khoa học về mức thu nhập của người dân và mức lãi suất ngân hàng để đưa ra phương án hoàn vốn” – ông Trường cho biết.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, cách tính toán trên chưa thực sự thỏa đáng và chỉ có lợi cho các NĐT. Bởi, phải đến năm 2013 khi Quỹ bảo trì đường bộ đi vào hoạt động, Bộ GTVT mới có quyết định dừng thu phí các dự án sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước. Tại thời điểm đó, mức lương cơ bản là 1.150.000 đồng (vùng 1), đến nay mức lương vẫn như vậy nhưng mức phí đã tăng gần 3 lần (từ 10.000 đồng lên từ 20.000 – 30.000 đồng/lượt - PV).

Ông Liên nhận định, để chủ trương đầu tư phát triển hạ tầng giao thông không bị “mang tiếng oan”, các cơ quan Nhà nước cần phải minh bạch hợp đồng, tổng mức thu, chi… của các dự án BOT. Cụ thể, hợp đồng BOT một bên là Bộ trưởng Bộ GTVT ký, một bên là DN ký, đây không phải là tài liệu mật, tại sao lại không cung cấp công khai cho người dân, những người hàng ngày phải còng lưng trả phí, trả tiền lãi ngân hàng cho các NĐT biết và giám sát...
Bộ GTVT sẽ làm việc với Bộ Tài chính để rà soát, điều chỉnh các trạm thu phí chưa đảm bảo khoảng cách. Đối với các trạm đang thu, tạm thời chưa tăng phí theo hợp đồng 3 năm/lần. Đối với dự án chuẩn bị thu phí, sẽ xem xét kéo dài tối đa thời gian hoàn vốn để ít nhất bằng hoặc không cao hơn các trạm đã có.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường