Thực hiện chế định Thừa phát lại: Thành công bước đầu từ sự đồng thuận

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội là một trong 13 địa phương được chọn thí điểm chế định Thừa phát lại (TPL), và từ tháng 1/2016 chính thức thực hiện trong phạm vi cả nước.

Đến nay, các văn phòng TPL trên địa bàn Hà Nội cơ bản hoạt động ổn định.

Có sự quan tâm kịp thời

Để đưa chế định TPL vào thí điểm trên địa bàn Hà Nội, từ đầu năm 2014, UBND TP đã tổ chức hội nghị quán triệt chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội và các quy định của Chính phủ về việc triển khai thực hiện thí điểm chế định TPL tại Hà Nội với sự tham gia của lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND, TAND, Viện KSND, Công an và Cơ quan thi hành án các quận, huyện, thị xã. Bên cạnh đó, UBND TP ban hành quyết định kèm theo kế hoạch triển khai thực hiện thí điểm chế định TPL; đồng thời ban hành kế hoạch truyền thông, phổ biến về chế định TPL trên địa bàn TP.
Lãnh đạo Bộ Tư pháp thăm và làm việc với Văn phòng thừa phát lại Ba Đình.
Người dân đến thực hiện dịch vụ tại Văn phòng thừa phát lại Ba Đình.
Tháng 6/2014, Thành ủy ban hành Văn bản số 799-CV/TU về việc thực hiện thí điểm chế định TPL tại Hà Nội. Trong đó, yêu cầu các cấp, các ngành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện những nhiệm vụ liên quan đến thí điểm chế định này. Thực hiện văn bản chỉ đạo của Thành ủy, các kế hoạch của TP, các sở, ban, ngành đã vào cuộc với những nội dung được phân công cụ thể. Trong đó, tập trung cho công tác truyền thông, phổ biến về chế định TPL trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp Nhân dân.

Để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc do các sở, ngành liên quan và các văn phòng TPL phản ánh, Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm chế định TPL đã họp giao ban định kỳ, kịp thời chỉ đạo tháo gỡ trong quá trình thực hiện thí điểm. Đồng thời, chỉ rõ những nội dung cấp thiết trong việc thực hiện thí điểm và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch công tác tư pháp. Ngoài ra, UBND TP đã chỉ đạo Sở Tư pháp - cơ quan thường trực triển khai thực hiện Đề án tăng cường tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao năng lực hoạt động cho TPL. Sở Tư pháp đã phối hợp tổ chức các đợt tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ cho TPL và Thư ký nghiệp vụ.

Cùng với việc quán triệt triển khai thực hiện các chủ trương, quy định về TPL, UBND TP đã mở nhiều đợt tuyên truyền về TPL với nhiều hình thức khác nhau. Nhờ các hoạt động quán triệt sâu trong các cơ quan Nhà nước và tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong xã hội nên đã tạo được sự đồng thuận, quyết tâm cao của các cơ quan có trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện thí điểm, cũng như nâng cao nhận thức của người dân, của xã hội đối với chế định TPL.

Tăng hiệu quả hoạt động

Mặc dù thời gian thí điểm và chính thức triển khai chưa dài, nhưng qua tổng kết cho thấy, các văn phòng TPL trên địa bàn Hà Nội đã hoạt động ổn định, thu được kết quả khả quan, được xã hội, người dân đón nhận tích cực. Công tác triển khai thí điểm chế định TPL đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Thành ủy, UBND TP thể hiện qua việc ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, giao nhiệm vụ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Các văn phòng TPL đã chủ động hơn trong công tác tuyên tuyền, tích cực đề xuất bổ sung thêm địa hạt tống đạt để đáp ứng nhu cầu công việc của các văn phòng, góp phần nâng cao hiệu quả, thành công của việc thí điểm chế định TPL trên địa bàn TP.

Bà Hồ Xuân Hương - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội đánh giá, việc thực hiện chế định TPL trên địa bàn TP đạt được những kết quả quan trọng, có thể khẳng định mô hình TPL cần thiết cho xã hội, cho hoạt động tư pháp. Trong thời gian tới, tập trung nâng cao nhận thức của cán bộ và Nhân dân về TPL; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan với TPL trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, nhằm đẩy mạnh toàn diện kết quả hoạt động của các văn phòng TPL.