Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thực hiện chính sách dân tộc tại Hà Nội: Nảy sinh bất cập cần tháo gỡ

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm qua, với sự quan tâm lớn của TP Hà Nội, đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô không ngừng được nâng cao. Dù vậy, việc thực thi một số chính sách dân tộc bắt đầu bộc lộ những bất cập cần được tháo gỡ.

 Một hộ đồng bào dân tộc sản xuất nghề mộc tại xã An Phú, huyện Mỹ Đức. Ảnh Trọng Tùng
Trách nhiệm thực thi chưa cao 
Trong sự phát triển của vùng đồng bào dân tộc, người có uy tín đóng vai trò hết sức quan trọng, nhất là đối với nhiệm vụ thông tin tuyên truyền, kết nối cộng đồng dân cư. Chính vì vậy, việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhóm đối tượng này nhiều năm qua luôn được TP triển khai đầy đủ.
Tuy nhiên, trong cộng đồng người có uy tín vẫn còn có những phản ánh về tình trạng bình xét không công bằng. Đây cũng là vấn đề được Ban Dân tộc TP đưa vào danh mục nhiệm vụ thanh tra cần thực hiện trong quý II/2018.

Liên quan tới chế độ cử tuyển, báo cáo của 5 địa phương vùng đồng bào dân tộc cho thấy, trong tổng số 80 em học sinh dân tộc của Hà Nội được cử đi học tại Đại học Y Hải Phòng, có tới 5 em bị… đuổi học. Con số đáng buồn trên đặt ra câu hỏi về trách nhiệm tuyển chọn con em đi đào tạo theo diện cử tuyển của các địa phương.

Cũng trong quý I/2018, Ban Dân tộc TP đã triển khai việc rà soát, bình chọn cá nhân đồng bào có đóng góp lớn để xét tặng kỷ niệm chương trong lễ kỷ niệm 72 năm Ngày truyền thống cơ quan công tác dân tộc vào tháng 5 tới. Tuy nhiên, theo đánh giá, nhiều địa phương không thông tin, hướng dẫn đầy đủ và gửi báo cáo đề xuất lên cấp có thẩm quyền tổng hợp, trình xét.

Ngoài những vấn đề nêu trên, việc thực hiện Kế hoạch số 138 của UBND TP về “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2016 - 2020” cũng cho thấy những vấn đề đáng quan ngại. Trong số nhiều dự án thuộc kế hoạch trên đã hoàn thành, không ít công trình chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng và sự phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương, gây lãng phí về nguồn lực đầu tư.

Chú trọng bài toán kinh tế

Thực tế, TP Hà Nội được Ủy ban Dân tộc đánh giá là một trong những địa phương có những giải pháp cụ thể nhất trong nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc. Nghị quyết số 06-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội, sau đó được cụ thể hóa bằng Kế hoạch số 166, và tiếp tục đến nay là Kế hoạch số 138 của UBND TP đã cho thấy sự quan tâm rất lớn của Hà Nội đối với công tác dân tộc. Dù vậy, việc thực thi chính sách vẫn được coi là nhiệm vụ dài lâu, đòi hỏi trách nhiệm lớn từ phía các sở, ngành, địa phương.

Cùng với nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ, Phó Trưởng ban Dân tộc TP Nguyễn Ánh Dương cho rằng, cần thúc đẩy hơn nữa các chính sách dân tộc, trọng tâm là giải bài toán kinh tế. Theo ông Dương, triển khai chương trình hỗ trợ sản xuất theo Kế hoạch số 101/KH-UBND ngày 9/5/2017, TP đã có hai Văn bản số 7358 và 6686 giao Sở NN&PTNT xây dựng kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2017 - 2020.
Tuy nhiên đến nay, kế hoạch này vẫn chưa được định hình. Theo đó, đề nghị Sở NN&PTNT sớm hoàn thành kế hoạch trình TP phê duyệt, triển khai trong năm 2018.

Riêng đối với huyện Ba Vì, ông Dương kiến nghị TP tiếp tục cho thực hiện Đề án xây dựng mô hình phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho đồng bào dân tộc Dao tại xã Ba Vì giai đoạn 2015 - 2020 và những năm tiếp theo (theo Quyết định số 5532 ngày 21/10/2015). Thực tế, dù xã Ba Vì hiện nay đủ điều kiện ra khỏi Chương trình 135 (xã đặc biệt khó khăn), nhưng vẫn là xã nghèo với tỷ lệ hộ nghèo cao nhất toàn TP. Ông Dương cũng cho rằng, chỉ khi các chính sách dân tộc được triển khai đồng bộ, với tinh thần trách nhiệm cao nhất, đời sống của đồng bào vùng dân tộc mới thực sự đổi thay bền vững.