Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thực hiện Chương trình số 01-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội: Chuẩn hóa quy trình, hình thành chính quyền số

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội đang đặc biệt chú trọng thúc đẩy việc xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, hiện thực hóa mục tiêu đặt ra trong Chương trình số 01-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII. Qua đó, nâng cao hơn nữa chất lượng phục người dân, DN.

Cán bộ bộ phận một cửa UBND quận Cầu Giấy hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính online. Ảnh: Phạm Hùng
Tăng tính kết nối
Chương trình số 01-CTr/TU về “Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị TP trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2025”, đặt ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính. Trong đó, cùng với cải cách thể chế, thủ tục hành chính (TTHC), tổ chức bộ máy, chế độ công vụ, TP xác định cải cách tài chính công và xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số. Qua đó, nâng cao mức độ hài lòng của người dân, tổ chức và DN về giải quyết TTHC của TP đạt tối thiểu 85%; tối thiểu 99% số hồ sơ TTHC được trả kết quả đúng hạn, trước hạn; phấn đấu cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với 100% dịch vụ công đủ điều kiện.

Để triển khai các mục tiêu, các đơn vị của TP đã và đang đẩy mạnh xây dựng, phát triển được chính quyền điện tử hướng tới TP thông minh. Việc hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin được chú trọng, tăng kết nối trong xử lý công việc nội bộ và giải quyết TTHC, hình thành những “công dân điện tử”. Tại một số địa bàn, đã xây dựng các nhóm Zalo để chỉ đạo điều hành rất hiệu quả, mỗi thông tin đưa lên nhóm lập tức có người xử lý. Các hoạt động nội bộ được chỉ đạo qua hệ thống quản lý văn bản - điều hành tác nghiệp có tích hợp chữ ký số; việc họp hầu hết trực tuyến từ TP đến tận phường...

Điển hình như tại quận Hà Đông, không cần bấm máy lấy số, hơn một năm nay, tại Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHT của quận đã ứng dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt đối với người dân khi đến giao dịch. Với công nghệ mới này, người dân được máy tự động nhận diện khuôn mặt, lưu trữ thông tin và dữ liệu liên quan, kết nối với hệ thống phần mềm quản lý của đơn vị. Nhờ vậy, cả người dân và công chức bộ phận ‘‘một cửa’’ đều nắm được thứ tự, số lượng khách, thời gian chờ, thời gian giao dịch. Đồng thời, từng bước xây dựng chính quyền phục vụ, trong đó người dân và DN là trọng tâm.

Phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp

Theo mục tiêu đã được UBND TP Hà Nội đặt ra, từ nay đến năm 2025, TP sẽ tiếp tục hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ…; cung cấp dữ liệu mở của chính quyền TP phục vụ người dân, DN. Cơ bản hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử của TP trước năm 2025, hướng tới hình thành chính quyền số TP Hà Nội. Trong đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm TP đặt ra là đẩy mạnh thực hiện TTHC trên môi trường điện tử. Đồng thời, đơn giản hóa TTHC, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, DN.

Lãnh đạo UBND TP cho biết, chỉ trong chín tháng năm 2021, TP đã công bố 533 danh mục TTHC, thay thế 14 thủ tục, bãi bỏ 429 thủ tục. Số lượng hồ sơ tiếp nhận trên Cổng dịch vụ công TP Hà Nội đạt hơn 1,4 triệu hồ sơ; tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 90%.

TP cũng đã tích hợp ứng dụng biên lai điện tử, dịch vụ bưu chính công ích trên hệ thống. Đồng thời, bảo đảm tất cả các TTHC của TP đều được thực hiện tại bộ phận một cửa; toàn bộ các quyết định công bố TTHC sau khi ban hành đã được công khai. Hiện, Hà Nội đang tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác cải cách hành chính. Trong đó, TP vừa giao các sở, ngành liên quan tập trung rà soát, tổng hợp kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực; chuẩn bị điều kiện thực hiện số hóa; rà soát, mở rộng hệ thống "một cửa" điện tử của TP, đáp ứng yêu cầu lưu trữ, tra cứu, khai thác kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực đã được số hóa.

Đồng thời, tiếp tục số hóa trong quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC. Ðặc biệt, để thực hiện chủ trương "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", TP chú trọng nâng cao hơn nữa hiệu quả giải quyết các TTHC ở các lĩnh vực ‘‘nóng’’ như đất đai, xây dựng, quy hoạch, tài nguyên môi trường, nhằm phục vụ tốt nhất cho người dân và DN.

Trong Kế hoạch số 259/KH-UBND về số hóa kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực thuộc thẩm quyền vừa được TP ban hành, Hà Nội giải quyết của các cơ quan nhà nước TP Hà Nội, năm 2022, hoàn thành số hóa kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực đạt ít nhất tương ứng 30%, 30% và 25% đối với kết quả thuộc thẩm quyền giải quyết của TP, cấp huyện và cấp xã.