Ảnh minh họa |
Theo đó, chế độ đối với phạm nhân, chế độ đối với người bị tạm giữ, tạm giam được quy định như sau: Đối với phạm nhân thì chế độ ăn, ở, mặc, cấp phát tư trang được quy định cụ thể gồm: 17 kg gạo tẻ thường; 0,7 kg thịt, 0,8 kg cá; 0,5 kg đường loại trung bình; 1 kg muối; 15 kg rau xanh; 0,75 lít nước mắm… Chỗ nằm tối thiểu của mỗi phạm nhân là 2m2, có bệ gạch men, ván sàn hoặc giường… Mỗi năm phạm nhân được phát 2 bộ quần áo dài bằng vải thường theo mẫu thống nhất, 2 bộ quần áo lót, 2 khăn mặt, 2 chiếc chiếu, 2 đôi dép… Đối với chế độ chăm sóc y tế: chế độ ăn, cấp phát thuốc, bồi dưỡng do cơ sở chữa bệnh chỉ định theo bệnh lý và theo mức độ nặng, nhẹ của bệnh tật. Tiền thuốc chữa bệnh thông thường hàng ngày cho phạm nhân được cấp tương đương 2 kg gạo/1 người/1 tháng…
Trong chế độ lao động, phạm nhân được tổ chức lao động phù hợp với độ tuổi, sức khỏe; thời gian phạm nhân lao động và học tập, học nghề không quá 8 giờ trong 1 ngày, được nghỉ lao động các ngày thứ bảy, ngày chủ nhật, lễ, Tết theo quy định của pháp luật… Các chế độ hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ thực hiện tại mỗi phân trại của trại giam được thành lập thư viện, khu vui chơi, sân thể thao, được trang bị một hệ thống truyền thanh, mỗi buồng giam tập thể được trang bị một máy vô tuyến truyền hình màu...
Về chế độ gặp thân nhân, nhận quà, liên lạc: Phạm nhân được gặp thân nhân một lần trong 1 tháng, mỗi lần gặp không quá 1g, trường hợp đặc biệt thì được kéo dài thời gian nhưng không quá 3g. Phạm nhân chấp hành nghiêm chỉnh nội quy, quy chế trại giam hoặc lập công thì được gặp vợ hoặc chồng ở phòng riêng không quá 24g... Ngoài ra, còn có các chế độ khác như: Phạm nhân và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan có quyền khiếu nại đối với quyết định, hành vi của cơ quan, người có thẩm quyền thi hành án hình sự nếu có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Người khiếu nại có quyền được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp đã bị xâm phạm, được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật; được yêu cầu cơ quan có thẩm quyền bảo vệ khi bị đe dọa, trả thù... Đối với người đồng tính, người lưỡng tính, người chuyển giới, pháp luật Việt Nam chưa có quy định về việc giam, giữ riêng.
Ngoài ra, chế độ ăn, mặc, sinh hoạt, chăm sóc y tế đối với phạm nhân là người nước ngoài cũng được quan tâm như: Phạm nhân là người nước ngoài được quản lý giam giữ riêng trong trại giam. Các chế độ về ăn, mặc, ở, sinh hoạt, chăm sóc y tế đối với phạm nhân là người nước ngoài được thực hiện như quy định đối với phạm nhân là người Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.
Đối với người bị tạm giữ, tạm giam các chế độ quy định cũng được thực hiện hết sức đầy đủ, như: Về chế độ ăn, ở, đồ dùng cá nhân, người bị tạm giữ, tạm giam được hưởng 17 kg gạo thường, 0,7 kg thịt và 0,8 kg cá, 1 kg muối, 0,5 kg đường loại trung bình, 0,75 lít nước mắm, 0,1 kg bột ngọt, 15 kg rau xanh và 15 kg củi hoặc 17 kg than… Bình quân diện tích tối thiểu nơi giam, giữ đối với người bị tạm giữ, tạm giam là 2m2/1 người, có bệ nằm bằng xi măng hoặc gạch men và có chiếu trải để nằm… Người bị tạm giữ, tạm giam được sử dụng quần áo, chăn, chiếu, màn của cá nhân, nếu thiếu thì nhà tạm giữ, trại tạm giam cho mượn theo tiêu chuẩn mỗi người gồm: 1 chiếu, 1 màn (loại cá nhân), 1 chăn, 1 đôi dép và 2 bộ quần áo dài...
Đối với người bị tạm giữ theo thủ tục hành chính cũng được thực hiện theo các quy định pháp luật, thể hiện ở chế độ ăn của người bị tạm giữ, như trường hợp người bị tạm giữ hoặc gia đình họ không thể tự đảm bảo được, thì cơ quan, đơn vị của người có thẩm quyền quyết định tạm giữ có trách nhiệm bảo đảm chế độ ăn uống cho người bị tạm giữ theo tiêu chuẩn định lượng mỗi người một ngày là 0,6 kg gạo tẻ thường, 0,1 kg thịt lợn loại thường, 0,5 kg rau xanh, 1 lít nước uống được đun sôi để nguội, nước mắm, muối, chất đốt phù hợp... Cơ quan nơi tạm giữ có thể quyết định hoán đổi định lượng ăn nêu trên cho phù hợp với thực tế và khẩu vị của người bị tạm giữ để bảo đảm họ được ăn hết tiêu chuẩn.
Ngoài ra, còn có các chế độ khác như: Người đang bị tạm giữ mà bị bệnh, được điều trị tại chỗ; trường hợp bệnh nặng hoặc phải cấp cứu thì cơ quan, đơn vị nơi tạm giữ có trách nhiệm đưa họ đến cơ sở y tế và báo ngay cho gia đình, thân nhân của họ biết để chăm sóc; trường hợp thân nhân, gia đình của họ có đơn đề nghị xin đưa về nhà để chăm sóc và xét thấy không cần thiết phải tiếp tục tạm giữ thì người có thẩm quyền tạm giữ có thể quyết định chấm dứt việc tạm giữ trước thời hạn và cho họ về gia đình để chữa bệnh; trường hợp người bị tạm giữ không có nơi cư trú nhất định hoặc gia đình, thân nhân của họ ở xa không kịp đến để chăm sóc, thì cơ quan, đơn vị nơi tạm giữ họ trực tiếp đảm nhiệm việc chăm sóc…