Vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo về yêu cầu khẩn trương thực hiện cuộc cách mạng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”.
Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, TS. Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, đây là cuộc cách mạng rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi làm một cách quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, dù động chạm đến quyền lợi của các cá nhân, tổ chức.
Thực hiện đồng bộ từ trên xuống dưới, không chờ đợi
Theo ông, vì sao Tổng Bí thư đưa ra yêu cầu về cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy trong thời điểm này?
- Tổng Bí thư Tô Lâm vừa có bài viết về yêu cầu phải sắp xếp, tinh gọn bộ máy trong hệ thống chính trị, bảo đảm "tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả". Ban chấp hành T.Ư vừa chính thức có chủ trương phải có một cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị của Việt Nam.
Chúng ta đã xác định đất nước đang bước vào thời kỳ mới, thời kỳ phát triển và thời kỳ vươn mình của dân tộc, đòi hỏi có tăng tốc, bứt phá để đáp ứng được nhu cầu phát triển và vượt qua thách thức, nhất là khi Việt Nam còn ở mức thu nhập trung bình thấp và chuẩn bị bước qua cơ cấu "dân số vàng", nên chúng ta phải tranh thủ được thời gian này.
Dù Việt Nam đã thực hiện cải cách tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả, góp phần vào phát triển KT-XH của đất nước, các nghị quyết của T.Ư đã nhận định, “đất nước ta chưa bao giờ có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay”. Tuy nhiên, so với nhu cầu phát triển của đất nước và mục tiêu của Đảng “đến năm 2030 là một nước công nghiệp phát triển, đến 2045 là nước phát triển thu nhập cao” vẫn còn nhiều khó khăn.
Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định đất nước có 3 đột phá cũng là 3 điểm nghẽn hiện nay, đó là về hạ tầng, thể chế và con người. Thể chế được Đảng xác định là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, mà trong đó điểm nghẽn về “thể chế tổ chức bộ máy” là một điểm nghẽn rất lớn, khiến Việt Nam rất khó phát triển bứt phá, tăng tốc trong thời gian tới.
Đất nước muốn phát triển rõ ràng phải tập trung vào những đột phá và giải quyết những điểm nghẽn như Nghị quyết Đại hội Đảng đã nêu, trong đó tập trung vào điểm nghẽn về tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị.
Chúng ta đã trải qua nhiều lần thực hiện sắp xếp tinh gọn bộ máy, ông đánh giá lần tinh gọn này có gì khác biệt so với những lần trước?
- Việt Nam đã nhiều lần thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đặc biệt từ khi đổi mới đã thực hiện cải cách hành chính Nhà nước, đổi mới sự lãnh đạo của Đảng, đổi mới tư pháp…, đạt kết quả như Tổng Bí thư đánh giá: hiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn chia làm 3 khối (Đảng, Nhà nước, MTTQ và các tổ chức đoàn thể CT-XH) đã tương đối ổn định, đáp ứng được theo chiến lược và Hiến pháp.
Tuy nhiên, trong tổ chức bộ máy của từng khối cũng có những vấn đề đang đặt ra, đó là tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian; đặc biệt phân định chức năng nhiệm vụ giữa các cơ quan tổ chức và trong hệ thống với nhau, từ T.Ư tới địa phương và cơ sở…, dẫn đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động bộ máy trong hệ thống chính trị còn hạn chế.
Chi phí hành chính cho bộ máy cũng rất lớn (trước kia chiếm 70%, giờ đã giảm cũng vẫn còn 64-65% ngân sách Nhà nước chi thường xuyên, trong đó phần lớn là chi cho bộ máy hành chính), còn lại là chi cho đầu tư phát triển và trả nợ rất hạn chế, phải đi vay, nên làm hạn chế hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy.
Vì vậy, với yêu cầu của việc chuyển sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, để đạt được mục tiêu tốc độ tăng trưởng bình quân từ nay đến năm 2045 đạt 7%/năm và nâng cao năng suất lao động, rõ ràng đòi hỏi Việt Nam phải thực hiện “cuộc cách mạng” chứ không chỉ còn là “đổi mới” hay “cải cách” nữa. Tức là ở mức độ cao hơn, làm một cách quyết liệt, triệt để, quyết tâm làm bằng được.
Như vậy dẫn đến rất nhiều vấn đề đặt ra, từ quyết tâm chính trị của toàn Đảng cho tới các giải pháp của cả hệ thống, nhận thức của toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Đây là công cuộc cách mạng rất khó khăn, phức tạp, phải làm một cách quyết liệt, đồng bộ, toàn diện từ trên xuống dưới, dù động chạm đến từng cá nhân, cán bộ, đảng viên, Nhân dân; động chạm đến quyền lợi của các cá nhân và tổ chức - nói như Tổng Bí thư “phải biết hy sinh vì lợi ích chung”, chứ không vì lợi ích cá nhân (lợi ích về chính trị hoặc kinh tế).
Nhìn lại giai đoạn sau đổi mới, quá trình sắp xếp bộ máy trước kia có lúc còn lúng túng, nể nang né tránh, nên mới dẫn đến tình trạng ở trên một Bộ quản lý đa ngành nhưng ở dưới lại cho tách các sở. Hoặc có Bộ làm tinh gọn được trong nội bộ (bỏ Tổng cục, bỏ Cục, bỏ Phòng trong Vụ) nhưng nhiều Bộ chưa triệt để, vẫn còn "Bộ trong Bộ" (Tổng cục trong Bộ); có những ngành tương đối chồng chéo về chức năng nhiệm vụ cũng chưa được giải quyết triệt để; có những nhiệm vụ đáng lẽ phải giao cho địa phương thì ở T.Ư vẫn giữ làm- thể hiện phân cấp, phân quyền chưa hiệu quả.
Vì vậy đợt này, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy phải triệt để trong hệ thống chính trị từ Đảng, Nhà nước, MTTQ và các tổ chức CT-XH. Đặc biệt, thực hiện từ trên xuống dưới như Tổng Bí thư nói “T.Ư phải gương mẫu”, gương mẫu ngay từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành T.Ư; tỉnh phải gương mẫu cho huyện, huyện gương mẫu cho xã và đơn vị cơ sở. Tỉnh không chờ T.Ư, huyện không chờ tỉnh, và xã cũng không chờ huyện, mà làm luôn đồng bộ, đồng loạt, quyết liệt, triệt để.
Mục tiêu là từ nay đến quý I/2025 cơ bản thực hiện sắp xếp, tinh gọn xong bộ máy của hệ thống chính trị để chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV. Thời gian rất ít nhưng khối lượng công việc rất lớn, nên chúng ta phải thực hiện đồng bộ cho cả 3 khối từ trên xuống dưới trên cả nước và không chờ đợi, khi lịch Đại hội Đảng các cấp đã được xác định theo Chỉ thị 35- CT/TW của Bộ Chính trị.
Điều đó đòi hỏi quyết tâm chính trị, sự đoàn kết rất cao cũng như thống nhất nhận thức trong toàn Đảng, toàn dân, để có thể thực hiện tốt cuộc cách mạng này.
Thời cơ, vận hội của đất nước
Quá trình thực hiện cuộc cách mạng về sắp xếp, tinh gọn bộ máy, sẽ có những người sợ bị động chạm đến “nồi cơm” của mình mà tìm lý do để không làm. Vậy theo ông, chúng ta cần có giải pháp ra sao để vượt qua những trở ngại đó?
- Chúng ta đã có bài học từ việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy kể cả trong Đảng, Nhà nước và MTTQ, các tổ chức CT-XH, tuy không đồng bộ và toàn diện như lần thực hiện này. Lần này, việc sắp xếp đòi hỏi được nghiên cứu kỹ các đề án, phương án và khi thực hiện phải kèm theo những giải pháp hiệu quả.
Trong quá trình sắp xếp, đương nhiên sẽ có những tổ chức, cá nhân dôi dư hoặc không còn thực hiện nhiệm vụ như trước, nên rõ ràng phải có chính sách phù hợp. Trước kia, quá trình cải cách hành chính đã thực hiện tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế, đã có những nghị định, quy định để thực hiện, chúng ta cũng phải tốn khá nhiều tài chính để thực hiện những chính sách đó.
Rút ra bài học đã có, chúng ta sẽ phải tiếp tục thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy đồng bộ. Vấn đề quan trọng đặt ra là phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, cán bộ, đảng viên, vì đây là sự nghiệp chung và là thời cơ, vận hội của đất nước - nếu không làm, rất khó phát triển, khó đạt được mục tiêu đề ra.
Vì vậy, đã là cách mạng thì phải làm triệt để, quyết liệt, nên cần nâng cao nhận thức song song với các giải pháp, chính sách của Đảng, Nhà nước trong thời điểm hiện nay. Khi sắp xếp kể cả con người và cơ sở vật chất đều phải có chính sách; đồng thời khi triển khai được phân cấp, phân quyền mạnh thì cũng phải tạo điều kiện cho các địa phương, cấp, ngành thực hiện được sự phân cấp, phân quyền đó.
Đối với riêng TP Hà Nội, ông cho rằng yêu cầu đặt ra trong thực hiện cuộc cách mạng này thế nào, nhất là gắn với thực hiện Luật Thủ đô vừa được ban hành?
-Hà Nội là Thủ đô, là trung tâm chính trị, mà “trên là T.Ư, Bộ Chính trị phải làm trước”, “dưới các địa phương thì thành phố phải làm trước, đồng thời là Thủ đô của cả nước thì càng phải gương mẫu”. Rõ ràng, theo các nghị quyết, phương án của T.Ư thì Hà Nội không thể không thực hiện.
Vừa qua TP đã sắp xếp lại các đơn vị hành chính từ trong thôn, tổ dân phố rồi đến xã, phường; xu hướng tất yếu là sẽ phải tiếp tục sắp xếp. Cùng đó là sắp xếp lại bộ máy trong tổ chức Đảng, Nhà nước, MTTQ, chính quyền địa phương theo phương án của chính quyền đô thị. Hà Nội dứt khoát phải làm, hơn nữa còn phải đi đầu.
Tuy nhiên, Hà Nội có số cơ quan đơn vị hành chính, tổ chức Đảng, MTTQ cũng như lực lượng cán bộ công chức đều lớn, nên khối lượng công việc phải làm rất lớn, trong khi thời gian thực hiện cũng như các địa phương khác, rõ ràng đòi hỏi quyết tâm chính trị cao hơn.
Đặc biệt, tôi đánh giá cái khó riêng của Hà Nội là có tính chất phức tạp hơn rất nhiều, khi đội ngũ có một thời kỳ dôi dư quá lớn do được số lượng cao hơn các địa phương khác; đồng thời theo Luật Thủ đô vừa ban hành, Hà Nội được tăng thêm thu nhập lương không quá 0,8 lần cho cán bộ công chức (thực hiện từ 1/1/2025). Đó là thuận lợi nhưng cũng là thách thức cho TP, vì số lượng cán bộ công chức lớn, cấu trúc rất phức tạp; TP có đặc thù cả về chính sách vì có động chạm đến quyền lợi khi thực hiện tinh gọn bộ máy.
Hơn nữa, thực hiện Luật Thủ đô, Hà Nội được phân quyền mạnh, do đó trong tinh gọn bộ máy, TP cần chọn lọc xây dựng được đội ngũ thực sự gọn nhưng phải tinh, để đáp ứng yêu cầu cao hơn trong giai đoạn phát triển mới.
Bên cạnh quyết tâm từ cấp uỷ, chính quyền, tôi cho rằng TP nên có phương án được tính toán kỹ trên cơ sở phương án của T.Ư; nhất là phải hết sức khách quan, dân chủ, tăng cường tuyên truyền tạo sự đồng thuận. Tinh gọn bộ máy thì theo bên trên, nhưng tinh gọn với từng con người trong bộ máy lại là một câu chuyện phải tính toán kỹ.
Phải khách quan, dân chủ, phải vì việc chung trong từng cơ quan, mới chọn được con người làm được việc. Cần xây dựng được đội ngũ thực sự tinh; gọn nhưng phải mạnh, bởi nếu đội ngũ gọn rồi nhưng không tinh, không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đã được phân cấp, giao quyền nhiều hơn với vị thế của Thủ đô, thì không đạt được mục tiêu của cuộc cách mạng này.
Từ trước đến nay, trong thực hiện các nhiệm vụ, vẫn nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu, và trong cuộc cách mạng này hơn lúc nào hết càng phải thể hiện rõ vai trò trách nhiệm của người đứng đầu. Nếu người đứng đầu không thực hiện tốt, rõ ràng cuộc cách mạng của chúng ta rất khó khăn.
Xin trân trọng cảm ơn ông!