Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thực hiện đúng quy định của pháp luật

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Những ngày gần đây, người lao động tại các cơ sở sản xuất gỗ ép tại xã Đình Xuyên, huyện Gia Lâm liên tục kiến nghị tới các cơ quan chức năng, đề nghị xem xét lại việc đình chỉ hoạt động của các cơ sở sản xuất gỗ và giải quyết công ăn việc làm cho họ.

Việc này đã làm ảnh hưởng đến tình hình ổn định ở địa phương. Phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị đã tìm hiểu, làm rõ thực chất vấn đề này.

Hụt hẫng vì mất thu nhập

Thực hiện chỉ đạo của UBND xã Đình Xuyên và huyện Gia Lâm, ngày 31/5/2012, 10 cơ sở sản xuất gỗ ép tại cánh đồng Trường Thi, xã Đình Xuyên đã tự dừng hoạt động. Lý do là các cơ sở này đã sử dụng đất sai mục đích và không đảm bảo vệ sinh môi trường.

Sau khi bị đóng cửa, mất việc, các chủ cơ sở sản xuất và người lao động đã tỏ ra bức xúc. Bà Nguyễn Thị Đình, ở thôn 6 cho biết, gia đình bà có 4 người làm tại các cơ sở sản xuất này. Đây là nguồn thu nhập chính để trang trải mọi sinh hoạt trong nhà. Nhưng từ hai tháng nay, cơ sở sản xuất bị đóng cửa, thu nhập của gia đình bà không biết trông vào đâu. Theo những người dân ở đây, 10 cơ sở sản xuất gỗ ép tại cánh đồng Trường Thi, xã Đình Xuyên giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 1.000 lao động. Do hầu hết lao động là lớn tuổi, không có trình độ nên sau khi mất việc, họ không tìm được việc làm, đời sống gặp nhiều khó khăn.

Về phía các chủ cơ sở, anh Nguyễn Hữu Hồi, chủ cơ sở sản xuất Giang Nam cho biết: "Một số cơ sở vay vốn rất lớn, thế chấp toàn bộ nhà xưởng cho ngân hàng. Do vậy nếu không có phương án để tiếp tục sản xuất, những hộ này có thể rơi vào tình trạng không có khả năng trả nợ, dẫn đến phá sản". Tương tự, chị Nguyễn Thị Tiếp, chủ cơ sở Kim Tiếp cho biết, việc đóng cửa các xưởng sản xuất đã khiến một số  bị mất mối hàng, thậm chí bị vỡ hợp đồng, phải bồi thường cho khách hàng.

Biết sai, vẫn… kiến nghị

Trên thực tế, hầu hết người lao động ở đây đều là nông dân đi làm thuê với các công việc đơn giản, không cần tay nghề và không được ký hợp đồng lao động. Bên cạnh đó, 10 cơ sở sản xuất gỗ ép cũng đều là những cơ sở mới hoạt động khoảng năm 2008, thậm chí có cơ sở mới hoạt động được 2 - 3 năm. Do vậy, những đòi hỏi của người lao động về việc giải quyết việc làm là hoàn toàn vô lý. Đó là chưa kể, 10 cơ sở sản xuất này đều sử dụng đất sai mục đích và vi phạm Luật Bảo vệ môi trường, đã từng bị người dân tại chính xã Đình Xuyên khiếu kiện lâu ngày.

Ông Nguyễn Đức Hồng, Trưởng Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Gia Lâm cho biết: "Khu đất 10 cơ sở sản xuất gỗ ép đang sử dụng đều có nguồn gốc là đất nông nghiệp với diện tích 39.203m2, trong đó 3.270m2 là đất do UBND xã Đình Xuyên quản lý, 35.933m2 là đất nông nghiệp giao cho hộ gia đình cá nhân theo Nghị định 64/CP để trồng lúa. Song, từ gần chục năm nay, các cơ sở sản xuất gỗ ép đã thuê đất và tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng, không đúng quy định của Luật Đất đai năm 2003. Bên cạnh đó, do sản xuất tự phát nên tất cả các cơ sở đều không có quyết định phê duyệt đánh giá tác động môi trường hoặc giấy xác nhận cam kết bảo vệ môi trường, như vậy là vi phạm các quy định tại Luật Bảo vệ môi trường".

Thực hiện đúng quy định của pháp luật - Ảnh 1

Xung quanh xưởng sản xuất của các cơ sở gỗ ép vẫn là diện tích đất nông nghiệp. Ảnh: Hoàng Quyết

Tháng 6/2011, do có đơn thư khiếu kiện kéo dài của người dân địa phương về việc 10 cơ sở sản xuất gỗ ép sử dụng đất sai mục đích và gây ô nhiễm môi trường, các cơ quan chức năng của thành phố cũng như UBND huyện Gia Lâm đã vào cuộc kiểm tra, giải quyết. Kết quả là, 3 cơ sở sản xuất đã bị Phòng Cảnh sát PCTP về Môi trường (Công an TP Hà Nội) xử phạt hành chính vì không đảm bảo yếu tố môi trường, 7 cơ sở còn lại bị Thanh tra Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội xử phạt cùng lý do này. Đồng thời, cả 10 cơ sở còn bị Sở Tài nguyên Môi trường đề nghị UBND huyện Gia Lâm tạm đình chỉ các hoạt động sản xuất kinh doanh và xử lý các vi phạm trong quản lý và sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Từ đề nghị trên, tháng 11/2011, UBND huyện Gia Lâm đã giao UBND xã Đình Xuyên làm việc và yêu cầu các chủ cơ sở sản xuất gỗ ép phải đình chỉ mọi hoạt động sản xuất kể từ ngày 31/5/2012 (Thời gian từ khi thông báo đến khi thực hiện là 6 tháng để các chủ cơ sở sản xuất kinh doanh có điều kiện thu dọn nhà xưởng, tiêu thụ các sản phẩm còn tồn đọng và tìm địa điểm sản xuất mới).

Tiếp xúc với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, người dân và các chủ cơ sở sản xuất đều thừa nhận, việc sử dụng đất là sai mục đích và sản xuất chưa bảo đảm yếu tố môi trường. Tuy nhiên, vì không có công ăn việc làm nên họ vẫn kiến nghị được tiếp tục sản xuất.

Phải tuân thủ các quy định của pháp luật

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Huy Việt, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cho biết, những chủ cơ sở này đều không muốn di chuyển vì họ đang thuê và làm cơ sở sản xuất trên đất nông nghiệp với giá rẻ. Việc sử dụng đất nông nghiệp làm nhà xưởng sản xuất chế biến gỗ là vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai. Chủ các cơ sở sản xuất biết rõ điều đó nhưng vẫn thực hiện, vì nếu di chuyển ra chỗ khác, họ phải thuê với giá cao hơn. Trong quá trình giải quyết kiến nghị, UBND xã Đình Xuyên và huyện Gia Lâm đều hướng dẫn các chủ cơ sở sản xuất liên hệ với khu công nghiệp Ninh Hiệp (cạnh đó), có vị trí giao thông và mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật rất thuận lợi để thuê địa điểm sản xuất nhưng họ không thuê vì giá hạ tầng kỹ thuật ở đó cao hơn rất nhiều so với giá thuê đất nông nghiệp.

Với trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền huyện Gia Lâm, ông Việt cũng cho biết: "Mới đây, thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, UBND huyện Gia Lâm đã chủ động giao các phòng, ban chuyên môn, trung tâm phát triển quỹ đất huyện tham mưu cho UBND huyện làm các thủ tục trình Thành phố xem xét sớm cho triển khai thực hiện dự án cụm sản xuất làng nghề Đình Xuyên để bố trí các cơ sở tới sản xuất kinh doanh ổn định, lâu dài. Tuy nhiên, việc thực hiện dự án cũng không thể một sớm một chiều mà phải cần có thời gian".

Chính quyền địa phương cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi và giúp đỡ cho các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất và người lao động có địa điểm sản xuất, việc làm nhưng phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật hiện hành. Còn đối với người lao động, hàng năm, UBND huyện vẫn tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau; tổ chức các sàn giao dịch việc làm, đưa doanh nghiệp về với nông dân… Do vậy, muốn có được nghề nghiệp ổn định, đảm bảo đời sống và nâng cao thu nhập, người dân phải tự chủ động bồi dưỡng kiến thức, tìm kiếm việc làm theo nhu cầu và khả năng của mình, trên cơ sở sự hỗ trợ, tạo điều kiện của chính quyền địa phương.