Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thực hiện hiệu quả quy chế dân chủ, nâng cao chất lượng quản lý trật tự xây dựng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 11/3, Ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) TP đã tổ chức hội nghị triển khai quy chế thực hiện dân chủ trong công tác quản lý trật tự xây dựng ở xã, phường, thị trấn. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đã đến dự.

Thực hiện Chỉ thị số 10 của Ban Bí thư và Chỉ thị 21 của Thành ủy Hà Nội về “Tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở” trong các loại hình mới, năm 2012, Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở TP đã chọn một trong những vấn đề nhạy cảm, phức tạp có liên quan trực tiếp đến các tầng lớp nhân dân để xây dựng Quy chế “mẫu” thực hiện dân chủ trong công tác quản lý trật tự xây dựng ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP. Sau gần 02 năm thực hiện việc xây dựng QCDC “mẫu” và thực hiện chỉ đạo “điểm” trong công tác quản lý trật tự xây dựng ở xã, phường, thị trấn tại các quận Long Biên, Hà Đông và huyện Thanh Trì đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Các quận, huyện đi đôi với việc cấp phép xây dựng đã thực hiện nghiêm túc việc công khai giấy phép xây dựng, công khai các trường hợp vi phạm, phải xử lý.

 
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Nổi bật, trong năm 2013, quận Hà Đông đã cấp phép xây dựng cho 1327/1338 tổng số công trình xây dựng trên địa bàn, đạt tỷ lệ 99,2%. Số công trình không có giấy phép đã được kiểm tra, đình chỉ hoàn thiện thủ tục xin giấy phép, khi được cấp giấy phép mới được tiếp tục xây dựng. Số cán bộ bị kỷ luật, chấm dứt hợp đồng lao động và chuyển công tác là 29 người. Tại quận Long Biên, đối với các công trình xây dựng của hộ dân, đã có 1.643/1.661 công trình được cấp phép xây dựng. Còn huyện Thanh Trì đã cấp phép cho 160/168 công trình xây dựng, đạt tỷ lệ 95,52%, trong đó 8/8 công trình xây dựng của các tổ chức, đơn vị được cấp phép. Đối với các công trình không phép, đều được lập hồ sơ xử lý nghiêm minh và công khai để nhân dân được biết, giám sát việc xử lý vi phạm.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái nhấn mạnh những kết quả đạt được chỉ là bước đầu, song đó là cơ sở để triển khai ra diện rộng trên toàn TP. Trong thời gian tới, để thực hiện có hiệu quả công tác này, đồng chí Nguyễn Công Soái đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền cần tiếp tục tăng cường chỉ đạo tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và tinh thần trách nhiệm cho mỗi cán bộ, đảng viên và từng người dân hiểu rõ ý nghĩa sâu sắc và chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Nhà nước về quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn TP. Tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của cấp ủy, quản lý của chính quyền các cấp và sự tham gia giám sát của nhân dân về trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn. Căn cứ vào quy chế “mẫu” của TP và vào tình hình cụ thể của đơn vị mình tiến hành xây dựng quy chế thực hiện dân chủ cho sát thực và phù hợp với địa phương, đơn vị. Xây dựng quy chế phải đúng quy trình, làm từng bước vững chắc, thực hiện QCDC đi đôi với kỷ cương, kỷ luật, tránh lợi dụng dân chủ vi phạm pháp luật của Nhà nước. 

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu Ban chỉ đạo thực hiện QCDC các cấp từ TP đến cơ sở cần xây dựng kế hoạch kiểm tra, định kỳ giao ban rút kinh nghiệm việc chỉ đạo và thực hiện QCDC trong công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn; thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ, đánh giá hàng năm về kết quả thực hiện. Tăng cường công tác kiểm tra thường xuyên và đột xuất, giám sát việc triển khai, thực hiện QCDC trong công tác quản lý trật tự xây dựng; đồng thời xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, cố tình không chấp hành chủ trương của đảng, chính sách của nhà nước về quản lý trật tự xây dựng.