Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thực hiện QTƯX gắn với giải quyết thủ tục hành chính văn minh, thân thiện

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 12/9, Đoàn Kiểm tra Quy tắc ứng xử (QTƯX) của TP Hà Nội làm việc tại huyện Ba Vì, Thạch Thất, Phúc Thọ, Đan Phượng.

Đổi mới, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin

Sáng 12/9, tại huyện Ba Vì, Đoàn kiểm tra QTƯX tại UBND xã Vạn Thắng, các phòng, ban tại trụ sở UBND huyện. Xã Vạn Thắng là địa phương triển khai thí điểm mô hình “Bộ phận một cửa giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) văn minh, thân thiện, chuyên nghiệp”. Qua quá trình triển khai thực hiện đã có những chuyển biến tích cực đối với CBCC khi thi hành công vụ tại bộ phận một cửa. Đến nay, mô hình đã được nhân rộng và triển khai thực hiện hiệu quả nền nếp tại 31/31 xã, thị trấn trên bàn huyện.

CBCC xã Vạn Thắng (Ba Vì) giải quyết TTHC cho người dân. Ảnh: Lại Tấn
CBCC xã Vạn Thắng (Ba Vì) giải quyết TTHC cho người dân. Ảnh: Lại Tấn

Trưởng phòng VH&TT huyện Ba Vì Lê Khắc Nhu cho biết: Huyện Ba Vì đang thí điểm mô hình bộ phận một cửa mới tại 5 xã và huyện. Tuy nhiên, huyện Ba Vì còn gặp khó khăn về kinh phí. Huyện đề xuất TP sớm hỗ trợ kinh phí để đảm bảo hạ tầng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, thực hiện QTƯX.

Theo UBND huyện Ba Vì, năm 2022, chỉ số hài lòng người dân về giải quyết TTHC xếp hạng từ 17 xuống hạng thứ 22. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do: “Có những TTHC, huyện đã hết thẩm quyền những người dân vẫn khiếu nại, làm cho mức độ đánh giá sự hài lòng của người dân giảm 5 thứ hạng… Ngoài ra, phần mềm giải quyết dịch vụ công điện tử hiên nay bị chậm, việc giải quyết thủ tục liên thông bị ảnh hưởng” - Trưởng phòng VH&TT huyện Ba Vì Lê Khắc Nhu cho biết thêm.

Tài liệu, giấy tờ được tại Phòng Tài nguyên & Môi trường  huyện Thạch Thất được sắp xếp khoa học, gọn gàng. Ảnh: Lại Tấn.
Tài liệu, giấy tờ được tại Phòng Tài nguyên & Môi trường  huyện Thạch Thất được sắp xếp khoa học, gọn gàng. Ảnh: Lại Tấn.

Tại huyện Thạch Thất, Đoàn kiểm tra QTƯX tại UBND xã Đại Đồng, các phòng, ban tại trụ sở UBND huyện. Kiểm tra tại các phòng, ban tại trụ sở huyện, Đoàn kiểm tra đánh giá cao việc sắp xếp tài liệu gọn gàng, khoa học tại Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Thạch Thất.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết: “Huyện có 12 cơ quan chuyên môn và đơn vị hành chính, 5 đơn vị sự nghiệp. Hiện nay, 5 cơ quan có nhiều tài liệu lưu giữ, liên quan đến người dân nhiều nhất (Phòng Nội vụ, Tài nguyên & Môi trường, Quản lý đô thị, Văn phòng, Tư pháp) đang tiến hành rà soát, thống kê, sắp xếp tài liệu. Hàng năm, tài liệu được chuyển về văn phòng lưu trữ của huyện. Thời gian tới, huyện có chương trình số hoá TTHC, hộ tịch, hộ khẩu”.

Trao đổi với phóng viên KT&ĐT, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết thêm: Việc chuyển đổi số các tài liệu lưu trữ giúp việc rà soát hồ sơ, xác minh thông tin thuận lợi, nhanh chóng. Ví dụ, người dân có nguồn gốc đất cần xác minh chỉ cần tra cứu trên nền tảng số theo đúng theo thời điểm năm/tháng sẽ tìm được tài liệu. Qua đó rút ngắn thời gian trả lời công dân, CBCC không phải thực hiện thủ công.

Chủ động hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc

Chiều cùng ngày, tại Phúc Thọ, Đoàn kiểm tra QTƯX tại Thị trấn Phúc Thọ. Tại buổi làm việc, Phó Trưởng phòng Văn hoá & Thông tin huyện Phúc Thọ Nguyễn Thị Phương Lan cho biết: Tại bộ phận một cửa của huyện, các xã, thị trấn đã phát động phong trào ứng xử văn minh, thân thiện, lịch sự tới người dân, cộng đồng DN trong quá trình thực hiện các giao dịch và giải quyết TTHC... 100% bộ phận một cửa Văn phòng HĐND - UBND huyện, bộ phận một cửa của UBND 21 xã, thị trấn duy trì thực hiện mô hình “Bộ phận một cửa giải quyết TTHC văn minh, thân thiện, chuyên nghiệp”.

Đoàn kiểm tra QTƯX tại Thị trấn Phúc Thọ. Ảnh: Lại Tấn.
Đoàn kiểm tra QTƯX tại Thị trấn Phúc Thọ. Ảnh: Lại Tấn.

Từ những việc làm, mô hình cụ thể, chỉ số hài lòng của người dân trong giải quyết TTHC tại huyện Phúc Thọ đạt tỷ lệ cao. Phó trưởng Phòng Nội vụ huyện Phúc Thọ Nguyễn Thị Dung chia sẻ: Năm 2022, chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) do huyện Phúc Thọ đánh giá đối với các xã, thị trấn đạt tỷ lệ trên 98%; Tỷ lệ đánh giá của TP với huyện đạt trên 96%. Để đạt được kết quả trên, một trong những giải pháp được huyện Phúc Thọ và các xã thực hiện là duy trì nền nếp cử 1 CBCC trực tiếp hướng dẫn, cầm tay chỉ việc, tháo gỡ vướng mắc cho Nhân dân”.  

Bộ phận một cửa xã Tân Hội (huyện Đan Phượng). Ảnh: Lại Tấn.
Bộ phận một cửa xã Tân Hội (huyện Đan Phượng). Ảnh: Lại Tấn.

Tại huyện Đan Phượng, Đoàn kiểm tra QTƯX tại xã Tân Hội, các phòng, ban tại trụ sở UBND huyện. Theo ghi nhận thực tế, việc triển khai và tiếp tục thực hiện, nhân rộng các mô hình QTƯX đã tạo nhiều chuyển biến tích cực trên địa bàn huyện. Trong đó nhiều mô hình triển khai gắn thực hiện QTƯX với công tác cải cách hành chính như: “Mô hình Bộ phận Một cửa, một cửa liên thông giải quyết TTHC văn minh, thân thiện, chuyên nghiệp”; mô hình “Công chức Bộ phận Một cửa hiện đại”…

Bên cạnh đó, huyện Đan Phượng cũng triển khai nhiều cách làm hay trong thực hiện QTƯX gắn với các phong trào thi đua. Theo Trưởng phòng VH&TT huyện Đan Phượng Phan Công Tính: Huyện Đan Phượng đã thực hiện Nêu gương “người tốt - Việc tốt”, người có sáng kiến về cải CCHC, có đóng góp tích cực, mang tính xây dựng, khả thi và tính thực tiễn cao; Các văn bản quy phạm pháp luật đã được rà soát, sửa đổi, bổ sung; các TTHC đã được đơn giản hoá, ban hành trên hệ thống phát thanh và cổng thông tin điện tử huyện, trang thông tin điện tử các xã, thị trấn.

Tại buổi làm việc, huyện Đan Phượng đề nghị UBND TP tăng cường tổ chức các Hội thi để tuyên truyền kết hợp hình thức trực tiếp và trực tuyến; nghiên cứu ban hành chế tài xử lý vi phạm các điều khoản trong hai bộ QTƯX trên cơ sở của Luật và Nghị định liên quan. Tăng cường hơn nữa công tác khen thưởng, nêu gương những điển hình thực hiện tốt phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng”.