Thực hiện nghiêm quy chế dân chủ ở cơ sở trong các cơ sở giáo dục
Năm học 2023-2024, Sở Giáo dục và Đào tạo trực tiếp quản lý 128 đơn vị sự nghiệp công lập, gồm: 122 trường THPT, 3 trường Tiểu học, PTCS dành cho trẻ khuyết tật, 2 trường mầm non thực hành và Trường Bồi dưỡng cán bộ giáo dục Hà Nội.
Năm 2023, tỷ lệ tốt nghiệp chung toàn Thành phố đạt 99,56%, xếp thứ 16, tăng 11 bậc so với năm 2022. Hà Nội là địa phương có số điểm 10 thi tốt nghiệp THPT cao nhất cả nước. Khối giáo dục thường xuyên đỗ gần 98,3%, tăng 2% và tăng 4 bậc so với năm 2022. Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn tiếp tục được duy trì. Học sinh Hà Nội đã khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế.
Công tác CCHC, ứng dụng CNTT trong công tác giáo dục và đào tạo có nhiều tiến bộ. Chỉ số CCHC năm 2022 của Sở đạt 88,33%, cao hơn kết quả trung bình của khối Sở, cơ quan tương đương Sở của Thành phố (85,73%), xếp thứ 10/22 cơ quan tương đương Sở. Đáng chú ý, Sở đã thành lập Trung tâm Điều hành giáo dục thông minh (IOC); hệ thống tuyển sinh trực tuyến đầu cấp và mô hình “Trường học điện tử”, học tập trực tuyến trên hệ thống Hanoi Study….
Trong nhiều năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội luôn quan tâm đến công tác dân vận thể hiện qua việc ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Trong đó, từ tháng 10/2021 đến nay, Sở đã tập trung ban hành các văn bản về CCHC và các TTHC để tạo thuận lợi cho người dân; thực hiện nghiêm quy chế dân chủ ở cơ sở trong các cơ sở giáo dục.
Thực hiện Quyết định số 2387-QĐ/TU, ngày 24/01/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy về việc ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị thành phố Hà Nội và Chỉ thị số 07-CT/TU ngày 1/10/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy về đẩy mạnh nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của cơ quan Nhà nước, Sở đã nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc, Sở đã phân cấp triệt để quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính và tiếp tục nâng mức tự chủ tài chính cho các trường công lập chất lượng cao. Sở đã tham mưu với Thành phố thực hiện nghiêm túc quy định điều động, luân chuyển cấp trưởng đơn vị. Năm 2022, đã tổ chức thành công kỳ thi tuyển thí điểm chức danh Hiệu trưởng đối với Trường THPT Bất Bạt và Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu.
Việc thực hiện công tác dân vận cơ quan được gắn với công tác cải cách TTHC; thường xuyên điểu chỉnh quy trình giải quyết hồ sơ cho phù hợp, phục vụ tốt nhu cầu của công dân, tổ chức. Cơ quan Sở có hòm thư góp ý, bố trí nơi tiếp dân và việc tiếp dân được thông báo rộng rãi trên Cổng thông tin điện tử của ngành. Một số văn bản dự thảo đã được đăng tải để công dân, tổ chức tham gia đóng góp ý kiến.
Xác định phong trào thi đua “Dân vận khéo” là nhiệm vụ trọng tâm, Sở đã gắn phong trào với việc thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, duy trì và nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu, đảm bảo tối thiểu mỗi Chi bộ trực thuộc phải xây dựng, nhân rộng, phát huy hiệu quả 1 đến 2 mô hình, điển hình “Dân vận khéo”. Đến nay, đã có 11 Chi bộ và 7 cá nhân đăng ký mô hình, điển hình “Dân vận khéo”, trong đó, nổi bật là 2 mô hình có sức ảnh hưởng lớn, đó là: Giải thưởng Nhà giáo tâm huyết sáng tạo, Cuộc thi “Thầy cô trong mắt em”.
Nâng cao nhận thức cho người đứng đầu về công tác dân vận
Phát biểu kết luận buổi kiểm tra, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy Vũ Hà nhấn mạnh, hoạt động của Sở Giáo dục và Đào tạo có liên quan rất nhiều đến người dân, do đó, Sở phải thực hiện tốt công tác nắm tình hình, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu cách làm hướng đến mục tiêu cuối cùng đảm bảo an dân.
Đánh giá Sở đã triển khai tốt nhiều nội dung như ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai, tổ chức lại bộ máy, xây dựng nhiều phong trào hiệu quả; đẩy mạnh ứng dụng CNTT mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, cải cách TTHC hướng đến phục vụ tổ chức và công dân…Đặc biệt, đã thực hiện công tác dân vận, chủ động kiện toàn Ban chỉ đạo xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở…đây chính là việc lượng hóa các nhiệm vụ. Sự đánh giá cuối cùng là sự ghi nhận của người dân.
Bên cạnh những kết quả trên, đồng chí Vũ Hà cũng chỉ ra một số nội dung Sở cần quan tâm khắc phục, như cần làm rõ kết quả hoạt động của Ban thanh tra Nhân dân và việc thực hiện Luật Dân chủ ở cơ sở; có giải pháp nâng cao chỉ số xếp hạng SIPAS (năm 2022, Sở xếp 18/22); việc tuyên truyền, phổ biến triển khai công tác Dân vận tại một số đơn vị còn hình thức, chưa cụ thể hóa…
Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy Vũ Hà đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện báo cáo theo các ý kiến đóng góp của Đoàn. Xây dựng kế hoạch khắc phục những hạn chế, tồn tại định kỳ gửi kết quả thực hiện về Ban dân vận, Ban cán sự Đảng UBND Thành phố. Đồng thời, tiếp tục quan tâm có giải pháp nâng cao nhận thức cho người đứng đầu, cán bộ, công chức người lao động về thực hiện công tác dân vận và 2 bộ Quy tắc ứng xử.
Bên cạnh đó, tiếp tục cải cách TTHC, có giải pháp nâng cao chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức. Quan tâm công tác giáo dục tư tưởng, thực hiện tốt Quy tắc ứng xử để nâng cao chuẩn mực ứng xử trong môi trường học đường, đáp ứng nguyện vọng của người dân, thực hiện định hướng của Đảng, Nhà nước về phát triển giáo dục.