Thực hiện văn minh đô thị: Lắng nghe nguyện vọng của dân

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm xây dựng Thủ đô “sáng, xanh, sạch, đẹp”, đường thông hè thoáng là một trong những nhiệm vụ được chính quyền các địa phương và các lực lượng chức năng đặc biệt quan tâm là xử lý mái che, mái vẩy.

Tuy nhiên, đây sẽ mãi là trở ngại lớn trong việc hiện thực hóa mục tiêu trên nếu các quy định của Nhà nước không đáp ứng được một phần nhu cầu của người dân.

Nguy cơ tái diễn vi phạm

Sau hơn 2 năm thực hiện Chỉ thị 01/CT – UBND của UBND TP Hà Nội về việc thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị”, bộ mặt đô thị, ý thức của người dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật đã từng bước được nâng lên. Đặc biệt là tình trạng lắp đặt mái che, mái vẩy, mái hiên di động sai quy định gây mất mỹ quan đô thị. Theo ghi nhận của chúng tôi, nếu như trước đây trên một số tuyến đường như Cầu Giấy, Tây Sơn, Xã Đàn… vỉa hè được phủ kín bởi hệ thống mái che, mái vẩy đủ loại màu sắc, kích thước thì nay tuyệt nhiên đã không còn.
Việc không có mái che đã ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt của người dân trên phố Xã Đàn. Ảnh: Vân Nhi
Việc không có mái che đã ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt của người dân trên phố Xã Đàn. Ảnh: Vân Nhi
Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, đằng sau những chuyển biến này là không ít những nỗi lo về tình trạng tái vi phạm. Thậm chí là những biến tướng nhằm thay thế hệ thống mái che, mái vẩy đã bị tháo dỡ. Ông Nguyễn Văn Việt, phường Phương Liên (quận Đống Đa)  - một trong những gia đình đã tự nguyện tháo dỡ phần mái che, mái vẩy khi có yêu cầu cho biết, nhà thì hướng Tây, nếu không cho lắp mái che, mái vẩy thì đến chiều, đặc biệt là mùa hè, nắng sẽ chiếu thẳng vào nhà gây khó khăn trong sinh hoạt của người dân. Cũng theo ông Việt, để đối phó, nhiều gia đình, đặc biệt là các hộ kinh doanh đã mua ô về cắm, đồng thời bố trí người trông coi để tránh bị các lực lượng chức năng thu giữ.

Mỏi mòn chờ chính sách

Theo tìm hiểu của chúng tôi, liên quan đến vấn đề này, ngay từ cuối năm 2015, UBND quận Đống Đa đã có kiến nghị về việc triển khai thực hiện “Thí điểm lắp đặt mái che cố định” trên tuyến Xã Đàn, đoạn từ phố Kim Hoa đến phố Phạm Ngọc Thạch. Theo đề xuất, hệ thống mái che cố định sẽ được gắn vào tường công trình, và được khuyến khích xây dựng cho cả dãy phố hoặc cụm nhà ở độ cao 3,5m (tính từ mặt vỉa hè) để phục vụ công cộng, tạo điều kiện thuận lợi cho người đi bộ, phù hợp với Quyết định số 17/2015/QĐ-UBND của UBND TP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng hệ thống đường đô thị trên địa bàn Thủ đô. Liên quan đến đề xuất này, UBND TP đã có văn bản thống nhất về nguyên tắc cho phép triển khai thí điểm, và giao UBND quận Đống Đa phối hợp với Sở QH - KT thống nhất về mẫu mã, thiết kế trước khi lắp đặt.

Ông Ngô Quý Tuấn – Phó Giám đốc Sở QH – KT cho biết, theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam 01:2008 hiện hành, mái hè phố không vượt quá chỉ giới đường đỏ. Việc lắp đặt mái hè phố gắn vào tường công trình theo đề xuất của UBND quận Đống Đa là vượt quá chỉ giới đường đỏ tuyến Xã Đàn theo chỉ giới đường đỏ tuyến và quy hoạch được phê duyệt. Cũng theo ông Tuấn, hiện, Bộ Xây dựng đã tổ chức xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia cho phép tổ chức mái đón, mái hè phố với độ cao cách vỉa hè 3,5m như theo đề xuất. Tuy nhiên, do quy chuẩn này chưa được ban hành nên chưa thể thực hiện được.

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 01 của UBND TP về việc thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị” đã và đang từng bước đi vào cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nếu chỉ trông chờ vào mệnh lệnh hành chính, việc kiểm tra, xử lý của các lực lượng chức năng thì hiệu quả đem lại sẽ không cao. Do đó, để các quy định mang hơi thở của cuộc sống, các đơn vị có chức năng cần xem xét bổ sung các quy định để hài hòa giữa việc đảm bảo bộ mặt đô thị và cuộc sống của người dân.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần