Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thực hư khả năng Nga bị phương Tây loại khỏi SWIFT

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Ngoại giao Nga tin rằng hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT có thể trở thành một phần trong "vòng xoáy trừng phạt" chống lại nước này, trong khi Liên minh châu Âu (EU) được cho sẽ thảo luận rộng rãi về khía cạnh pháp lý của việc ngắt kết nối Nga khỏi SWIFT.

Ảnh minh họa.
Các thông tin mới nhất liên quan đến vấn đề này đã được đề cập trong họp báo chung, sau cuộc gặp giữa Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov và người đồng cấp Bồ Đào Nha Augusto Santos Silva hôm 31/5.

Theo Ngoại trưởng Lavrov, đề xuất cấm Nga sử dụng SWIFT như một phần của gói trừng phạt mới bởi EU đã xuất hiện thời gian qua, nhưng ông không rõ liệu các chính phủ và DN phương Tây sẽ thực hiện ra sao. Nhà ngoại giao hàng đầu của Nga cũng nhấn mạnh, các cơ quan hữu quan nước này đã và đang chuẩn bị cho những tình huống như vậy.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Silva nói với báo giới: "Bất kỳ quyết định nào của EU đều phải tuân theo các quy tắc thích hợp. Vì vậy, để quyết định nào đó được đưa ra, rõ ràng nó sẽ được thảo luận rộng rãi về mặt pháp lý trong liên minh".

Trước đó, giữa bối cảnh Nga triển khai quân đội đến biên giới với Ukraine, một nhóm nghị sĩ thuộc Nghị viện châu Âu đã đề xuất loạt biện pháp trừng phạt, bao gồm loại Nga khỏi SWIFT, ngừng hoàn thành đường ống dẫn khí Nord Stream-2, ngừng nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga, và đóng băng tài sản châu Âu của "các nhà tài phiệt thân cận với chính quyền Nga" cũng như hủy bỏ thị thực của họ. Trong một dự thảo nghị quyết, Nghị viện châu Âu nêu rõ rằng các biện pháp này được đề xuất thực hiện nếu "sự hiện diện quân sự của Nga biến thành một cuộc xâm lược Ukraine".

Hôm 30/5, Dmitry Birichevsky - người đứng đầu Vụ Hợp tác Kinh tế của Bộ Ngoại giao Nga - bày tỏ lo ngại rằng hệ thống SWIFT có thể trở thành một phần của "vòng xoáy trừng phạt" chống lại Nga.

"Có những mối đe dọa, đặc biệt là từ Mỹ, nhằm ngắt kết nối Nga khỏi hệ thống SWIFT", ông Birichevsky nói với báo giới, "những gì các đối tác phương Tây của chúng tôi đang sử dụng là những rào cản để bảo vệ lợi ích của chính họ trên trường quốc tế".

Tuy nhiên, quan chức ngoại giao này lưu ý, các biện pháp đơn phương được thực hiện bởi các quốc gia hoặc nhóm quốc gia riêng lẻ không thể được gọi là "biện pháp trừng phạt" - điều mà ông cho rằng chỉ có thể được áp đặt bởi một cơ quan hợp pháp, chẳng hạn như Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc.

Đại diện cấp cao về Chính sách An ninh và Đối ngoại của EU Josep Borrell cũng từng lưu ý, EU không có thẩm quyền đối với SWIFT, vì nó là một tổ chức quốc tế tư nhân.

Trước đó vào tháng 5, Phó Thống đốc của Ngân hàng T.Ư Nga Olga Skorobogatova đã phủ nhận nguy cơ việc nước này bị loại khỏi SWIFT, nhưng cho biết thêm rằng nếu kịch bản như vậy xảy ra, các lưu lượng truy cập nội bộ của Nga sẽ được chuyển sang hệ thống thanh toán của Ngân hàng T.Ư Nga.

"Theo những gì chúng tôi nhận thấy thì không có khả năng (Nga bị loại khỏi SWIFT), nhưng vẫn cần phải chuẩn bị cho tình huống khó đoán nhất. Nga đã làm việc này từ khá lâu rồi, vì đó là một tất yếu khách quan", lãnh đạo Vụ Hợp tác Kinh tế của Bộ Ngoại giao Nga nói hôm 30/5.