Thực hư lương nhân viên ngân hàng

Cao Văn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngân hàng đang được cho là nơi mà nhân viên có mức lương khủng. Tuy vậy, câu chuyện tiền lương trong thực tế dường như đang trở nên bi hài với nhiều nhân viên ngân hàng.

Báo điện tử Vietnamnet ngày 5/8 vừa rồi có bài: “Ngã ngửa” với thu nhập của nhân viên ngân hàng 6 tháng đầu năm” đưa tin thu nhập bình quân tháng của 22 ngân hàng. Đứng đầu bảng là Vietcombank với mức 33,5 triệu đồng; tốp giữa bao gồm Eximbank mức 19, Sacombank mức 18,3 và VPBank mức 17,88 triệu đồng. Vậy thực hư thế nào?
Số liệu “tào lao”?
Phó Giám đốc một chi nhánh Eximbank tại TP. Hồ Chí Minh cho rằng mức lương bình quân 19 triệu đồng mà báo đưa tin là con số “tào lao” đối với Eximbank. Theo vị này, lương chức danh trưởng phòng tại chi nhánh hoạt động khá mới xấp xỉ 18 triệu đồng, nơi tốt hơn thì cũng chỉ hơn một vài triệu nhưng chi nhánh kém hơn lương trưởng phòng chỉ mức khoảng 17 triệu đồng thôi. Nói như báo thì 100% người lao động làm việc tại Eximbank có lương chức danh trưởng phòng?
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II của Eximbank khoản mục lương và phụ cấp cho nhân viên là 338,946 tỷ đồng. Nếu chia cho 6.000 nhân viên (thực tế có thể trên dưới không nhiều) thì thu nhập bình quân tháng là 18,3 triệu đồng.
 Nhân viên Vietcombank chi nhánh Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Tuy nhiên theo cách ghi nhận chi phí của ngân hàng thì lương và phụ cấp bao gồm nhiều khoản khác được cộng chung vào đó thành một cục như tiền thưởng, tiền làm ngoài giờ (vượt ca), chi phí ăn ca, nghỉ dưỡng,…nên lương hàng tháng thực sự thấp hơn nhiều.
Qua khảo sát thực tế một số chi nhánh Eximbank nếu loại trừ các khoản nói trên thì thu nhập tiền lương bình quân tháng của người lao động tại Eximbank chỉ khoảng 13 - 14 triệu đồng. Mức này tính bình quân chung cho cả nhân viên và lãnh đạo ngân hàng.
Do tiền lương của lãnh đạo ngân hàng cao hơn rất nhiều so với nhân viên của họ nên lương và phụ cấp của nhân viên nếu bóc tách riêng chỉ còn bình quân khoảng 11 - 12 triệu đồng (tùy chi nhánh). Đây là mức thu nhập phù hợp thực tế tại ngân hàng, ngang mức lương của nhân viên Eximbank đã làm việc từ 10 - 12 năm.
Lương cao sao nhân viên chạy?
Qua trao đổi về tình hình nhân sự ngân hàng, một giám đốc chi nhánh ngân hàng tại TP. Hồ Chí Minh đã thốt lên: “Khổ lắm, tháng nào cũng lo chuyện tuyển nhân viên thiếu hụt, tuyển vào rồi bồi dưỡng nghiệp vụ đâu đấy rồi nhưng được dăm ba tháng nó lại chạy”.
Thực tế những năm gần đây trừ một số ngân hàng lợi nhuận nghìn tỷ, nhiều ngân hàng tóp dưới đang áp lực lo đủ nhân sự. Đến mức, một chi nhánh của Eximbank phải dùng “chiêu” thông báo trong nội bộ thưởng 2 triệu đồng cho người giới thiệu được 1 nhân viên vào làm việc. Dường như đây là chuyện lạ nhiều người ngoài ngân hàng khó tin. Vậy tại sao ngân hàng được cho là ngành có mức thu nhập hót lại khó tuyển nhân viên?
Do cách báo cáo tiền lương và phụ cấp thành một cục như nói trên nên người ta rất dễ hiểu nhầm rằng thu nhập nhân viên ngân hàng cao. Thực sự nói thu nhập cao thì nên nói đó là thu nhập của cán bộ lãnh đạo các ngân hàng. Không những cao mà thu nhập của cán bộ lãnh đạo cấp cao ngân hàng là rất cao, bình quân từ 50 - 100 hoặc trên trăm triệu đồng là chuyện thường.
Trong khi thu nhập tiền lương của nhân viên có thời gian làm việc chưa đủ 3 năm chỉ từ 6 - 7 triệu đồng /tháng, tương đương lương công nhân tại các DN có hiệu quả kinh doanh khá. Đó là bất công trong cơ chế chi trả tiền công giữa thầy và thợ nội ngành ngân hàng bên ngoài không biết.
Chỉ ai trong cuộc mới hiểu áp lực làm việc của nhân viên ngân hàng. Thời gian làm việc không phải 8 giờ/ngày mà nhân viên nhiều bộ phận nghiệp vụ thường xuyên phải làm việc từ 9 - 10 giờ/ngày, thậm chí có ngày hơn. Cuối ngày chưa xử lý xong hồ sơ trong ngày là nhân viên chưa được ra về.
Chưa kể trường hợp nếu báo cáo cuối ngày tại một chi nhánh nào đó trong hệ thống của ngân hàng chưa cân tài khoản là kế toán tổng hợp, giao dịch, ngân quỹ toàn hệ thống phải tra soát phát hiện bằng được cho dù nửa đêm.
Đặc điểm nhân viên trong ngành ngân hàng chiếm đa số là nữ. Chính vì vậy, họ chịu nhiều thiệt thòi trong vai trò trách nhiệm gia đình, bản thân và cuộc sống. Hiện chưa có một nghiên cứu nào thống kê chính thức về tỷ lệ phụ nữ chưa chịu lấy chồng trong các ngân hàng nhưng qua khảo sát tại ViettinBank tại TP. Hồ Chí Minh từ 2005 - 2015 cho thấy tỷ lệ đó là khá cao. Khi được hỏi nguyên nhân chậm lấy chồng phần lớn các chị đáp một cách thật thà do áp lực thời gian công việc.
Cùng với đó, áp lực hoàn thành chỉ tiêu được giao của nhân viên ngân hàng hết sức nặng nề. Việc nhân viên không đáp ứng chỉ tiêu (KPI) hàng tháng bị sa thải là chuyện bình thường. Môi trường cạnh tranh thị phần diễn ra ngày càng căng thẳng giữa các ngân hàng, trong khi nhân viên các ngân hàng lớn ít bị áp lực tìm kiếm khách hàng thì nhân viên các ngân hàng nhỏ chạy đáo vơ vét đủ kiểu chưa chắc hoàn thành chỉ tiêu. Nói như vậy để thấy nghề làm nhân viên ngân hàng hiện nay không phải là nghề hot nữa. Thậm chí nghề ngân hàng đang được cho là nguy hiểm nếu xét góc độ xử lý trách nhiệm pháp luật.
Thu nhập khủng của nhân viên ngân hàng là con số có thật do ngân hàng công khai, căn cứ vào đó để nhà báo đưa tin. Chẳng hạn, báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2018 của Vietcombank cho biết lương và phụ cấp của nhân viên bình quân là 33,5 triệu đồng, tương tự của Eximbank cho biết lương và phụ cấp của nhân viên bình quân là 18 triệu đồng. Nhưng như đã chỉ ra ở phần trên, thực tế lương của nhân viên ngân hàng đang thấp hơn mức đó, đặc biệt đối với ngân hàng nhỏ lương của nhân viên còn xa mới với tới.
Vì vậy, khi người thân, bạn bè hỏi về chuyện lương để chia sẽ niềm vui thì đa số nhân viên ngân hàng không trả lời được. Câu chuyện lương đang trở nên bi hài với nhiều nhân viên ngân hàng.

Mức lương khủng của nhân viên thể hiện trên báo cáo tài chính và với việc báo lãi hàng nghìn tỷ đồng của ngân hàng giờ đây trở thành bức tranh đẹp quảng cáo thương hiệu, kích thích cổ phiếu tăng giá và tăng hấp dẫn trong tuyển dụng cho từng ngân hàng. Đây chính là lý do lãnh đạo các ngân hàng không muốn giải thích gì thêm về câu chuyện tiền lương nhân viên “khoáng tiền, vô hậu” trước bàn dân thiên hạ.