Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thực hư thông tin bột canh i-ốt Hải Châu không có i-ốt

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày qua, dư luận xôn xao trước việc cơ quan chức năng tỉnh Điện Biên phát đi thông tin sản phẩm bột canh i-ốt Hải Châu không có i-ốt trong sản phẩm được lấy mẫu.

Bột canh i-ốt Hải Châu là sản phẩm lâu năm, có thương hiệu của Công ty CP Bánh kẹo Hải Châu có địa chỉ tại số 15 phố Mạc Thị Bưởi, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội. Để tìm hiểu thực chất vấn đề, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã trao đổi qua điện thoại với Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ (Tổng cục Quản lý thị trường) Nguyễn Tiến Đạt.
Ông Đạt cho biết, theo quy định báo cáo việc lấy mẫu kiểm tra sản phẩm bột canh i-ốt Hải Châu do Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm và Thủy sản thuộc Sở NN &PTNT tỉnh Điện Biên thực hiện phải nộp về Bộ Y tế để bộ này ra quyết định xử lý, hoặc ra văn bản yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp tổ chức kiểm tra cơ sở sản xuất, thị trường…
Hiện Tổng cục Quản lý thị trường chưa nhận được bất cứ văn bản yêu cầu phối hợp kiểm tra hoạt động sản xuất sản phẩm bột canh i-ốt Hải Châu nhưng không có i-ốt do tỉnh Điện Biên hoặc Sở Y tế, Sở NN&PTNT Điện Biên phát hành, nên chưa thể tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành. Đặc biệt việc kiểm soát sản phẩm có hay không có i-ốt thuộc trách nhiệm ngành Y tế mà ở đây là Thanh tra Bộ Y tế.
Trong khi đó, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Trịnh Quang Đức cho biết: Mặc dù Công ty CP Bánh kẹo Hải Châu có địa chỉ tại số 15 phố Mạc Thị Bưởi (quận Hai Bà Trưng) nhưng nhà máy sản xuất lại đang đặt tại huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên) nên Cục Quản lý thị trường Hà Nội chưa thể kiểm tra bởi không có nhà máy đặt trên địa bàn Hà Nội. Hoạt động này thuộc trách nhiệm của Cục Quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên.
Khi nói về việc sản phẩm bột canh i-ốt Hải Châu nhưng không có i-ốt, ông Đức nêu rõ: "Kết quả kiểm định mà tỉnh Điện Biên đưa ra không nêu rõ mẫu kiểm định này thuộc lô hàng sản xuất vào thời điểm nào, bởi rất có thể lô hàng lấy mẫu bị lỗi, còn những lô hàng khác vẫn đảm bảo chất lượng. Ngoài ra khi lấy mẫu kiểm định, lực lượng chức năng đã xác định lô hàng lấy mẫu này được bảo quản đúng theo quy định của nhà sản xuất hay chưa, hàng có cận date hay không, bởi rất có thể nếu không bảo quản đúng quy trình thì i-ốt trong sản phẩm sẽ bay hơi”.
Thời gian qua, nhằm phòng chống rối loạn thiếu i-ốt, Chính phủ đã ban hành Chương trình Quốc gia Phòng chống rối loạn thiếu i-ốt, nhưng sau năm 2005, các hoạt động của Chương trình Quốc gia Phòng chống rối loạn thiếu i-ốt đã chuyển sang là hoạt động thường xuyên của ngành Y tế, không còn là Chương trình Mục tiêu quốc gia.
Một số tỉnh miền núi như Lào Cai, Điện Biên… trước đây có chính sách cấp phát muối i-ốt cho hộ nghèo, nay do không còn trợ cấp phát miễn phí, trợ cước, trợ giá nên giá muối i-ốt bán ở đây cao hơn muối thường khoảng 1.000 đồng/kg. Vì thấy đắt hơn, lại chưa hiểu về tầm quan trọng của muối i-ốt nên đa phần người dân chọn mua muối thường.
Thậm chí, ngay tại những vựa muối lớn nhất miền Bắc, người dân cũng đang thu hẹp diện tích làm muối và đang có xu hướng quay trở lại dùng “muối thường làm gia vị nấu ăn chứ không sử dụng muối i-ốt". Ngoài ra, theo báo cáo của Tập đoàn Muối miền Nam, trong những năm gần đây, do không cung cấp đủ và kịp thời KIO3 (nguồn cung i-ốt) nên một số cơ sở sản xuất, kinh doanh muối i-ốt đã tìm mua KIO3 trôi nổi trên thị trường, chất lượng không bảo đảm.