Thực hư thông tin virus EV71 gây bệnh tay chân miệng biến đổi gen

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 9/10, tại cuộc họp thông tin báo chí về tình hình phòng chống dịch bệnh mùa Đông Xuân, PGS.TS Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh khẳng định, không có sự biến đổi gen chủng virus EV71 trong dịch tay chân miệng.

 Các đại biểu thông tin về tình hình dịch bệnh mùa Đông Xuân
PGS.TS Phan Trọng Lân lý giải, với dịch tay chân miệng, trong những virus đường ruột người ta chú trọng hơn đến EV71 do tỷ lệ gây biến chứng và tử vong cao. EV 71 có tới 11 chủng nhóm gen (A1, B1, B2, B3, B4, B5, C1, C2, C3,C4, C5).Tương tự như sốt xuất huyết có D1, D2, D3, D4 thì có năm số mắc ở D1 nhiều nhưng có năm lại mắc ở chủng khác nên đó chỉ là sự dịch chuyển của các chủng gen ở các năm, không có sự thay đổi.

“Trước năm 1998, tay chân miêng chỉ lưu hành ở khu vực Châu Mỹ. Sau năm 1998, bệnh lưu hành ở khu vực Tây Thái Bình Dương. Dịch bệnh tăng ở khu vực này nhưng không phải tăng ở hầu hết các nước, kể các các nước có cùng khí hậu, cùng điều kiện kinh tế, chính trị xã hội. Bệnh tập trung ở một số nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singgapore, Thái Lan.

Qua theo dõi dịch tễ, ở Việt Nam, trước năm 2010, nhóm chủng ren của EV71 là C5 lưu hành nhiều. Sau này nó dịch chuyển từ C5 sang C4, trong khi đó cộng đồng lại chưa có miễn dịch nhiều với chủng C4 nên gây ra dịch năm 2011. Sau đấy dịch đã giảm dần, thay thế vào đấy là nhóm B5 nổi cộm hơn.

Năm 2018, chủng C4 lại gia tăng hơn. Qua đó, chúng ta thấy rằng, chứng minh về mặt khoa học từ C sang B trên trên giới đã có những nước lưu hành các chủng khác nhau cùng lúc. Riêng với Việt Nam, Trung Quốc và Campuchia thấy rằng, các vùng dịch có chủng C4 là các vùng có địa lý tương đồng, tỷ lệ mắc nặng và biến chứng cao hơn. Thực tế, dịch tay chân miệng năm nay có cao hơn nhưng từ giám sát của Bộ Y tế đã làm rất tốt nên hạn chế rất nhiều số ca phải nhập viện điều trị”, PGS.TS Phan Trọng Lân nhấn mạnh.

Được biết, tích lũy 9 tháng đầu năm 2018, cả nước ghi nhận 61.821 trường hợp mắc tay chân miệng rải rác tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 29.324 trường hợp nhập viện và 6 trường hợp tử vong tại 5 tỉnh, TP thuộc khu vực phía Nam. So với cùng kỳ năm 2017, số mắc cả nước giảm 18,9%, số trường hợp nhập viện giảm 14,9%.

Tuy vậy, một số tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc tích lũy cao và gia tăng nhanh trong các tuần gần đây như: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Tây Ninh và Hà Nội. Số ca mắc tay chân miệng tuýp virus EV71 dễ gây biến chứng và tử vong cho trẻ dưới 5 tuổi chiếm 21%.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần