Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thực hư về an cung ngưu hoàng hoàn chữa đột quỵ?

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khoa Cấp cứu, Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới T.Ư vừa cấp cứu một bệnh nhân bị xuất huyết nặng. Nguyên nhân do bệnh nhân uống an cung ngưu hoàng hoàn (ACNHH) phòng tai biến. Thực tế ACNHH có phòng được căn bệnh nguy hiểm này?

 Ảnh minh họa
Tử vong vì “thần dược”

Ngày 31/3, ông N.V.H. (65 tuổi, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) được chuyển từ BV tỉnh Vĩnh Phúc đến BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư trong tình trạng rất nặng, xuất huyết dưới da, xuất huyết cơ, chảy máu dạ dày. Qua chụp chiếu, xét nghiệm cho thấy, khả năng đông máu giảm, có chảy máu dạ dày, chảy máu trong cơ kèm biểu hiện suy gan. Người nhà bệnh nhân cho biết, ông H. bị bệnh tiểu đường, cao huyết áp, nghe theo mọi người nên mua ACNHH uống để phòng tai biến mạch máu não (đột quỵ), nào ngờ, uống xong rơi vào tình trạng thành nguy kịch.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu của BV BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho biết, trước đây đã có những trường hợp uống ACNHH gây giảm đông máu, nhưng chỉ biểu hiện trên xét nghiệm các chỉ số đông máu giảm, chưa từng có trường hợp nào gây chảy máu nghiêm trọng như ca bệnh này.

Chị Nguyễn Thị S. (Cầu Giấy, Hà Nội) bị tai biến méo miệng và liệt nhẹ bên người, sẵn có ACNHH dự phòng, gia đình lấy cho chị uống. Nhưng uống đến viên thứ 3 mà bệnh vẫn không tiến triển, có phần xấu đi. Khi thấy nguy kịch đến tính mạng, người nhà vội đưa đi cấp cứu, dù được thở máy, phẫu thuật nhưng chị đã tử vong do nhập viện quá muộn. Thực tế tại các BV, có rất nhiều trường hợp bệnh nhân đột quỵ, diễn biến nặng, mất cơ hội điều trị, thậm chí tử vong do tự ý dùng ACNHH mà không đến viện kịp thời.

PGS.TS Nguyễn Gia Bình - Trưởng khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai chia sẻ, ông đã tiếp nhận, điều trị cho rất nhiều bệnh nhân bị đột quỵ nhẹ được người nhà cho uống ACNHH trước khi nhập viện. Hậu quả là máu chảy ồ ạt, không cứu được người bệnh. “Nếu cứu được thì não cũng đã bị di chứng nặng, sống thực vật” - PGS.TS Nguyễn Gia Bình nói. Theo sự đồn thổi về loại “thần dược” ACNHH có tác dụng trong phòng và ngừa đột quỵ hiệu quả khiến nhiều người lưu trữ trong nhà, coi đây là lá “bùa hộ mệnh” khi có tai biến. Không ít người đã ngậm ngùi vì người thân không qua khỏi, sống thực vật vì tin tưởng ACNHH.

Lương y Trần Văn Quảng - Hội Đông y Việt Nam cho biết, ông đã chứng kiến người nhà mình bị hôn mê bất tỉnh, được cho uống thuốc ACNHH ngay, nhưng hai hôm sau vẫn tử vong. Theo lương y Quảng, ACNHH là thuốc trị đột quỵ mà Đông y gọi là thống phong nhưng không phải ai cũng dùng được, người bệnh bị nhiệt bế mới nên dùng, còn hàn bế thì dùng rất nguy hiểm. Hơn nữa, thuốc chỉ có tác dụng khi bị tai biến nhẹ, nếu dùng ngay có thể sẽ qua khỏi, nếu bệnh nặng, thuốc không có tác dụng.
Còn theo bác sĩ Hoàng Khánh Toàn - Chủ nhiệm khoa Đông y, BV T.Ư Quân đội 108, ACNHH là một trong những loại thuốc rất quý của y học cổ truyền. Tuy nhiên, đây là loại thuốc “bệnh” của Đông y có sức công phá mãnh liệt chứ hoàn toàn không phải dược phẩm có công dụng “bồi bổ” như nhiều người lầm tưởng. Vậy nên, khi dùng nhất thiết phải được các thầy thuốc chuyên khoa chỉ định và hướng dẫn tỉ mỉ, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc, hậu quả sẽ khó lường.

Thuốc có độc, nhiều người không nên dùng

Bác sĩ Hoàng Khánh Toàn cho biết thêm, trúng phong (đột quỵ) trong Đông y được chia làm hai thể lớn. Trúng kinh lạc và trúng tạng phủ. Mỗi thể lớn lại được phân chia thành nhiều thể nhỏ. Như trúng tạng phủ được chia thành 2 thể nhỏ, nhiệt bế và hàn bế. ACNHH chỉ có thể áp dụng đối với trường hợp nhiệt bế với biểu hiện: đột nhiên hôn mê bất tỉnh nhân sự, hai hàm răng cắn chặt, miệng mím chặt, hai tay nắm chặt, thân và tứ chi co cứng, mặt đỏ, người nóng, thở thô, miệng hôi, phiền táo, rêu lưỡi vàng nhợt, mạch huyền hoạt.
Trường hợp hàn bế: hôn mê kèm theo các biểu hiện như mặt trắng bệch, môi tái nhợt, nằm yên bất động, rêu lưỡi trắng nhớt, tay xèo, chân tay lạnh, mồ hôi trán vã ra như dầu, trường hợp này uống ACNHH sẽ khiến bệnh trầm trọng hơn. Ngoài ra, những người mắc chứng âm hư, lưỡi đỏ ít rêu, không được uống ACNHH, nếu không âm dịch trong cơ thể càng thương tổn nặng, các triệu chứng âm hư thêm trầm trọng.

Về thành phần của thuốc, theo bác sĩ Toàn, trong ACNHH có chu sa (thành phần chính là sunfua thủy ngân thiên nhiên (Hg) 82,6% và sufua (S) 13,8%) và hùng hoàng (thành phần chủ yếu là asen sunfua (AsS), 70,1% và Sunfua 29%) là hai vị thuốc có tính độc. Do đó, không được sử dụng với liều cao hoặc sử dụng dài ngày.
Người có chức năng gan, thận kém cần thận trọng. Ngoài ra, trong ACNHH còn có ngưu hoàng, sừng trâu hoặc sừng tê giác, hùng hoàng, hoàng liên, chi tử, hoàng cầm, đều là những thuốc rất lạnh (đại hàn), dễ gây tổn hại tỳ vị. Do đó, những người tỳ vị hư nhược, chức năng tiêu hóa yếu, hay tiêu chảy không nên sử dụng. Bên cạnh đó, thuốc còn có xạ hương, vị thuốc dễ gây trụy thai nên phụ nữ có thai tuyệt đối không được dùng. Khi dùng nếu thấy xuất hiện triệu chứng sợ rét, chân tay lạnh, sắc diện trắng nhợt, vã mồ hôi lạnh, mạch đập yếu… cần lập tức ngưng sử dụng thuốc và đến BV để được khám và điều trị.