Thực hư việc Aquafina dùng nước máy đóng chai

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trang tin RT (Nga) ngày 29/10 đưa tin, dưới áp lực của dư luận về việc tiếp thị gây hiểu lầm, sắp tới đây, nhãn hiệu Aquafina sẽ phải bổ sung thêm thông tin P. W. S - “pulic water source” (nguồn nước công cộng) để thừa nhận về nguồn gốc nước sử dụng trong các sản phẩm này.

Cụ thể phía PepsiCo cho biết nước nguyên liệu ban đầu họ sử dụng làm nước đóng chai cũng chính là nước máy thông thường.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận một thực tế là nhãn hàng nước lọc Dasani của Coca-Cola cũng mang thông tin P.W.S tương tự. Hai năm trước, hãng Coca-Cola thừa nhận Dasani cũng được khai thác từ nguồn nước công cộng, tuy nhiên khẳng định quá trình thanh lọc nước của họ đã khiến chất lượng nhãn hàng này hoàn toàn khác biệt so với nước máy.
Thực hư việc Aquafina dùng nước máy đóng chai - Ảnh 1
Tương tự, đại diện PepsiCo cũng khẳng định, Aquafina là nước đã được qua chu trình xử lý bảy bước, loại bỏ các chất khoáng và một số tạp chất khác vẫn thường thấy trong nước máy sinh hoạt.

Trong  một bài báo của tạp chí Inverse xuất bản thán trước, tập đoàn PepsiCo đã tự hào ca ngợi quy trình này – mang tên Hydro-7TM. Theo đó, quy trình này chuyển đổi và thanh lọc nước từ nguồn công cộng qua 7 bước bao gồm thẩm thấu ngược và các phương pháp lọc khác, loại bỏ các chất như chloride, muối và làm hương vị nước trở nên dễ uống.

Tuy nhiên, điều đáng nói bên cạnh chất lượng nước đóng chai Aquafina là việc tương xứng giữa giá thành và chất lượng sản phẩm nước. Theo Hiệp hội Nước Đóng chai Quốc tế (IBWA) năm 2014, ngành công nghiệp nước đóng chai có thể mang lại doanh thu lên tới gần 13 tỷ USD. Tổng lượng nước đóng chai tiêu thụ tại đây trong một năm bằng tổng lượng nước cung cấp trên toàn lãnh thổ nước này trong chín tiếng đồng hồ.

Theo trang USA Today, khi được đóng vào các chai có dung tích 500ml, số tiền phải trả cho 1 gallon nước là khoảng 7,5 USD, tức là gấp 2.000 lần so với nước thường.

Nói cách khác, người tiêu dùng đang lãng phí một khoản tiền cực lớn khi phải bỏ ra gấp 2.000 lần chi phí sử dụng “nước lã  đóng chai”.

Do lượng nước ngọt bán ra ngày càng sụt giảm vì người dân lo ngại những hệ lụy sức khỏe liên quan, các công ty nước ngọt đang ngày càng phụ thuộc doanh thu vào các sản phẩm nước đóng chai.

Đi kèm với nước đóng chai thì những lo ngại về rác thải nhựa cũng tăng theo. Tổ chức bảo vệ môi trường Food & Water Watch ước tính, nước đóng chai góp phần tạo ra 1,5 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm và cần tới 47 triệu gallon (177.895.000 lít) dầu để sản xuất số chai nhựa nêu trên.

Vụ việc này bắt đầu nổi lên vào năm 2008, khi PepsiCo phải thêm dòng chữ "P.W.S" vào nhãn mác của mình sau khi nhận được kha khá lời chỉ trích vì chất lượng sản phẩm. Trang Democracynow lúc bấy giờ gọi động thái phải thêm chữ PWS vào nhãn mác của PepsiCo là một "nỗi hổ thẹn" và buộc phải thừa nhận rằng nước đóng chai của họ "không khác gì nước lã thông thường". Uy tín của nhãn hiệu Aquafina khi đó cũng bị ảnh hưởng khá nhiều khi doanh thu năm 2006 của hãng này tại Mỹ là 15 tỷ USD.