Thực phẩm bẩn tràn lan và lỗ hổng pháp lý

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã quyết liệt vào cuộc ngăn chặn các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm gây nguy hại đến người tiêu dùng.

Tuy nhiên, vẫn còn những đối tượng vì hám lợi, lợi dụng lỗ hổng pháp lý, đã cố tình vi phạm, gián tiếp gây hại cho sức khỏe cộng đồng.

Diễn biến phức tạp

Cuối năm 2015, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49 - Bộ Công an) phối hợp thanh tra Bộ NN&PTNT đã phát hiện hàng loạt công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi có chứa chất cấm gây hại sức khỏe người tiêu dùng. Tại Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Trường Phú (Hải Dương), thời điểm kiểm tra cơ quan chức năng thu giữ 3 thùng trọng lượng 30kg, trong đó 2 thùng chứa chất Vàng ô đang dùng dở và 1 thùng chất tạo mầu vàng khác sử dụng trong công nghiệp nhuộm vải. Sau khi lấy 8 mẫu sản phẩm thức ăn chăn nuôi của công ty này đi kiểm nghiệm, phát hiện đến 7 mẫu nhiễm chất cấm Salbutamol (chất tạo nạc trong chăn nuôi), trong đó có mẫu vượt ngưỡng cho phép tới 60 lần.
Tiêu hủy hơn 5 tấn thực phẩm bẩn phát hiện tại kho hàng ngõ 219, Trung Kính.
Tiêu hủy hơn 5 tấn thực phẩm bẩn phát hiện tại kho hàng ngõ 219, Trung Kính.
Đoàn kiểm tra liên ngành đã làm rõ Công ty Trường Phú nhập 60kg hóa chất Vàng ô của một cơ sở kinh doanh tại Hà Nội để tạo màu vàng cho thức ăn chăn nuôi. Thời điểm bị phát hiện, công ty này đã kịp tiêu thụ hơn 45kg chất Vàng ô. Quy đổi theo công thức mà Công ty Trường Phú áp dụng, có gần 300 tấn thức ăn chăn nuôi được trộn lẫn chất cấm Vàng ô đã bán ra thị trường, cung cấp đến các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ ở nhiều tỉnh, TP khu vực phía Bắc. Theo cơ quan chuyên môn, Vàng ô là phẩm màu sử dụng trong công nghiệp, sẽ không bị đào thải khi con người sử dụng. Lượng Vàng ô trong người tích tụ theo thời gian đủ lớn có thể phát tác nhiều bệnh gây hại sức khỏe, trong đó có bệnh ung thư.

Không chỉ sử dụng chất cấm trong thức ăn gia cầm, các cơ sở sản xuất thức ăn gia súc dùng chất tạo nạc Salbutamol cũng liên tiếp bị cơ quan chức năng phát hiện trên nhiều tỉnh, thành. Ngày 21/1/2016, Công an tỉnh Quảng Ninh thông qua công tác trinh sát địa bàn đã bắt quả tang ông Lý Văn Thủy - Phó Giám đốc Công ty TNHH Thiên Nam đang vận chuyển 7 tấn thức ăn cho lợn mang nhãn hiệu F-09S, không có đăng ký tiêu chuẩn hợp quy. Tại cơ quan điều tra, ông Thủy đã phải thừa nhận lô hàng trên do Công ty TNHH Thiên Nam sản xuất bằng cách trộn thức ăn hỗn hợp với chất tạo nạc Salbutamol. Chất cấm được DN thu mua tại các chợ Từ Sơn (Bắc Ninh).

Tại Hà Nội, thông tin từ cán bộ Phòng Cảnh sát môi trường cho biết, hiện chưa phát hiện tình trạng sử dụng chất tạo màu Vàng ô trộn vào thức ăn cho gà hay chất cấm Salbutamol trong thức ăn chăn nuôi lợn. Tuy nhiên, tình trạng các cơ sở buôn bán, sử dụng thực phẩm bẩn diễn biến phức tạp khiến người dân lo ngại. Đầu năm 2016, Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (PC 49) phối hợp Đội QLTT số 1 kiểm tra kho hàng tại ngõ 219, đường Trung Kính (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) đã phát hiện và bắt giữ hơn 5 tấn thực phẩm đang biến chất, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Các loại thực phẩm nhiều chủng loại gồm thịt lợn, thịt bò, thủy hải sản đều không nhãn mác, không có hóa đơn chứng từ. Đại diện chủ kho hàng là ông Nguyễn Châu Phi không xuất trình được giấy phép kinh doanh theo quy định. Đấu tranh làm rõ, ông Phi khai nhận số thực phẩm quá hạn sử dụng nêu trên là của nước ngoài (chủ yếu ở Hàn Quốc) vận chuyển từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội tiêu thụ. Đối tượng tập kết tại kho, sau đó giao cho các nhà hàng Hàn Quốc, Nhật Bản… trên địa bàn TP Hà Nội. Cuối tháng 1/2016, số thực phẩm bẩn nêu trên đã bị cơ quan chức năng tiêu hủy, đồng thời xử phạt phạt hành chính ông Nguyễn Châu Phi 50 triệu đồng (mức phạt cao nhất trong khung vi phạm).

Trao quyền tự chủ cho Cảnh sát môi trường

Dù các vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm đang “nóng” nhưng lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường lại chưa thật sự được tự chủ trong công việc để ngăn chặn hữu hiệu hành vi này.

Pháp lệnh Cảnh sát môi trường có hiệu lực thi hành từ ngày 5/6/2015. Pháp lệnh được ban hành đã khắc phục những hạn chế, bất cập của các văn bản quy phạm pháp luật trước đây quy định về công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm. Ngày 20/10/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 105/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Cảnh sát môi trường. Theo Nghị định, Cảnh sát môi trường được yêu cầu cơ quan, tổ chức, DN, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu, đồ vật liên quan đến tội phạm, vi phạm hành chính về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm; được kiểm tra việc chấp hành pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm… Đây là những quy định rõ địa vị pháp lý để Cảnh sát môi trường chủ động triển khai nhiệm vụ. Tuy nhiên, dù Nghị định số 105 có hiệu lực thi hành từ 5/12/2015, nhưng đến nay Cảnh sát môi trường vẫn phải chờ Thông tư hướng dẫn mới có thể triển khai áp dụng. Khi đó theo phân cấp quyền hạn, có thể PC49 hay chính các chiến sỹ được quyền kiểm tra, bắt giữ vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm. Có thể nói, Pháp lệnh Cảnh sát môi trường sớm đi vào cuộc sống và thực tiễn công tác sẽ góp phần giúp lực lượng Cảnh sát môi trường đấu tranh có hiệu quả hơn trong nhiệm vụ phòng chống loại hình tội phạm này.

Một thông tin khác khiến dư luận rất đồng tình, ủng hộ, đó là Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực từ ngày 1/7/2016 đã sửa đổi những quy định bất cập về “Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm”. Về vấn đề này, luật sư Đỗ Hữu Đĩnh – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Những quy định mới sẽ dễ xử lý hình sự các đối tượng vi phạm pháp luật trong vệ sinh an toàn thực phẩm hơn. Cụ thể, Điều 317 quy định rất chi tiết về “Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm”. Theo đó, chỉ cần có hành vi sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm đều bị xử lý hình sự mà không cần phải có hậu quả xảy ra như chết người hay gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng như luật cũ quy định. Ngoài ra, Điều 317 cũng có quy định phạt tù từ 3 - 20 năm, phạt tiền từ 200 - 500 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm quy định về vệ sinh an toàn khác như phạm tội có tổ chức, gây tổn hại sức khỏe, làm chết người…Tương tự, Điều 193 đã quy định chi tiết hơn về “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm”. Theo đó, bên cạnh mặt hàng lương thực, thực phẩm đã được quy định trong Bộ luật Hình sự hiện hành, hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm sẽ bị phạt tù ít nhất 2 - 5 năm, không tính đến số lượng và giá trị hàng hóa.