Liên tục phát hiện thực phẩm bẩn
Rạng sáng ngày 20/3, trên QL 18A thuộc địa phận phường Hòa Lạc, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, Đội QLTT số 4 - Cục QLTT tỉnh Quảng Ninh đã kiểm tra xe ô tô biển kiểm soát 36B-010.89 do L.V.C, thường (trú tại xã Thọ Dân, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) điều khiển đang dừng đỗ bên đường.
Qua thực hiện khám xe theo quy định, Đội QLTT số 4 phát hiện trên xe có gần 500kg lòng lợn sấy khô được đựng trong các bao tải dứa màu xanh, không rõ nguồn gốc, xuất xứ đang bốc mùi hôi, thối, ẩm mốc và chảy nước.
Lái xe khai nhận đã trực tiếp thu mua số hàng hóa trên của người không quen trên mạng để mang về TP Móng Cái bán kiếm lời. Đội QLTT số 4 đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với lái xe đồng thời là chủ hàng và buộc tiêu hủy toàn bộ tang vật vi phạm theo quy định của pháp luật.
Trước đó, vào khoảng 4 giờ sáng ngày 16/3, tại Km14 QL 14 đoạn qua xã Hòa Phú, TP Buôn Ma Thuột, Đội QLTT số 1 - Cục QLTT tỉnh Đắk Lắk đã thực hiện khám xe ô tô tải biển kiểm soát 66C-028.XX do tài xế Đ.D.P. (trú tại huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam) điều khiển.
Quá trình khám, Đội QLTT số 1 phát hiện trên xe đang vận chuyển nhiều loại hàng hóa, trong đó có gần 1 tấn thực phẩm là thịt, sản phẩm động vật các loại (thịt heo, xương đầu heo, chân giò, thịt bò đông lạnh, thịt đà điểu), các loại chả thịt, chả chay... không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Tại thời điểm kiểm tra, tài xế không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh được tính hợp pháp của số thực phẩm nói trên. Tài xế khai nhận đang trong quá trình vận chuyển số thực phẩm này từ TP Hồ Chí Minh về TP Đà Nẵng tiêu thụ. Đội QLTT số 1 đã tạm giữ toàn bộ số thực phẩm, mỹ phẩm nêu trên để tiếp tục xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.
Đó chỉ 2 trong số hàng trăm vụ việc liên quan đến an toàn thực phẩm mà lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra, xử lý từ đầu năm đến nay. Theo báo cáo đánh giá của Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), số lượng thực phẩm bẩn vẫn đang lưu hành khá phổ biến trên thị trường.
Tác hại của thực phẩm kém chất lượng tác động đến xã hội rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Do đó, có thể nâng mức xử lý hình sự đối với hành vi này chứ không dừng ở việc xử phạt hành chính.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú
Đáng nói, nhiều sản phẩm xuất xứ từ nước ngoài, không có giấy kiểm dịch và không được cấp phép nhập khẩu theo quy định. Tem nhãn trên nhiều lô hàng cho thấy đã hết hạn 1 năm, thậm chí 2 năm. Những sản phẩm này tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, gây tổn thất ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến các DN kinh doanh chân chính.
Tăng nặng chế tài xử phạt vi phạm
Thực tế, gần như hằng năm đều có các vụ việc vi phạm về an toàn thực phẩm với quy mô lớn, tính chất nghiêm trọng bị phát hiện, gây hoang mang dư luận, chưa kể các loại thực phẩm bẩn, kém chất lượng tràn lan trên thị trường mà chưa được kiểm soát hiệu quả.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, những loại thực phẩm này có thể không gây nguy hại ngay cho người tiêu dùng nhưng chẳng khác nào đem tiền mua bệnh mà không biết.
Vì vậy, trong trường hợp này, người tiêu dùng cần được pháp luật bảo vệ theo hướng tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, kém chất lượng phải có trách nhiệm bồi thường cho người tiêu dùng.
Như vậy, việc đưa thực phẩm bẩn ra thị trường để tiêu thụ có nguyên nhân lớn từ những người sản xuất, kinh doanh vì chạy theo lợi nhuận mà bất chấp hậu quả. Do đó, cần có chế tài xử phạt một cách nghiêm khắc đối với hành vi này để đủ sức răn đe, không để tái diễn, có thể thu hồi giấy phép, cấm hoạt động vĩnh viễn cơ sở sản xuất, kinh doanh, thậm chí xử lý hình sự với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng.
“Cơ quan chức năng cần nghiên cứu sử dụng một phần giá trị kinh tế từ xử phạt vi phạm trong lĩnh vực thực phẩm để hỗ trợ cho các nạn nhân, giảm bớt tổn hại gây ra cho người tiêu dùng” – ông Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất.
Khuyến nghị về giải pháp ngăn chặn thực bẩn, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng: Cần nhìn nhận trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm tra, giám sát nguồn gốc thực phẩm và quy trình sản xuất trước khi đưa sản phẩm ra thị trường để từ đó có giải pháp quản lý chặt chẽ hơn.
Đặc biệt, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong việc truy xuất nguồn gốc và các thông tin cơ bản về sản phẩm. Bên cạnh đó, hình thành thói quen mua sắm, tiêu dùng thông minh để thực phẩm bẩn, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng không còn cơ hội tồn tại.
Đi đôi với việc tuyên truyền về tác hại của thực phẩm bẩn cũng cần cung cấp thông tin chính xác, kịp thời đến người tiêu dùng để người dân tự biết bảo vệ mình; lựa chọn các sản phẩm phù hợp và cảnh báo cho cộng đồng biết về những nguy cơ, hành vi sản xuất, kinh doanh gian dối, phi đạo đức.
Người tiêu dùng khi mua thực phẩm nên chọn những mặt hàng có nguồn gốc rõ ràng, có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, không ham rẻ mà dễ bị mua phải những thực phẩm bẩn trà trộn, có nguy cơ gây hại cho bản thân và gia đình.
Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng