Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thực phẩm nhập lậu diễn biến phức tạp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù lực lượng chức năng đã tập trung kiểm tra nhưng việc nhập lậu, mua bán thực phẩm nhập lậu, không đảm bảo chất lượng trên thị trường Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp.

Theo Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội, thực phẩm nhập khẩu (NK) hiện được phân phối qua nhiều kênh như siêu thị, cửa hàng tiêu dùng chuyên doanh (hàng xách tay, hàng tiêu dùng Thái Lan, hàng nội địa Nhật Bản), hệ thống chợ truyền thống… Bên cạnh một số lượng nhất định thực phẩm NK chính ngạch, phần lớn được nhập lậu theo hình thức hàng xách tay, gian lận thương mại dưới dạng hàng tạm nhập tái xuất.  Để trốn tránh việc kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng, thủ đoạn của các đối tượng vận chuyển, tiêu thụ hàng nhập lậu ngày càng tinh vi. “Dân buôn lậu hàng thực phẩm thường “chôn” hàng vào cuối các phương tiện, sau đó che lấp bằng các hàng hóa thông thường khác bên ngoài. Với hàng hóa là rượu, bia… được vận chuyển bằng các xe du lịch cỡ lớn và được giao nhận tại các bến xe hoặc dọc hai bên tuyến đường mà phương tiện đi qua” - ông Nguyễn Đắc Lộc - Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội cho biết.

Thời gian qua, QLTT Hà Nội đã phát hiện và xử lý 1.656 vụ vi phạm về chất lượng, tịch thu tiêu hủy 43.075 sản phẩm dược phẩm, thực phẩm chức năng hết hạn sử dụng; 20.581 sản phẩm bánh kẹo các loại; 4.661 hộp sữa bột và 5.131 chai Ensure nước; 35.703 chai rượu, bia và nước uống các loại hết hạn sử dụng... Mặc dù lực lượng QLTT đã quyết liệt ngăn chặn, nhưng dân buôn lậu lợi dụng các quy định thông thoáng về thủ tục hải quan, cơ chế giám sát đối với hàng hóa tạm nhập tái xuất chưa đồng bộ... để NK, vận chuyển, buôn bán hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ tiêu thụ tại thị trường trong nước.

Trong thời gian tới, để quản lý tốt thực phẩm NK, Chi cục QLTT Hà Nội cho rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước TP cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Bên cạnh đó, triển khai ký cam kết không kinh doanh thực phẩm nhập lậu, không đảm bảo chất lượng, ATTP rộng rãi đến các đơn vị, DN kinh doanh, phân phối hàng NK trên địa bàn. Đồng thời, tiếp tục phát huy hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, trong đó có các sản phẩm thực phẩm rõ nguồn gốc sản xuất trong nước đảm bảo chất lượng, ATTP.

Tại hội thảo “Đưa thực phẩm an toàn đến người tiêu dùng trên địa bàn TP Hà Nội” do Sở Công Thương Hà Nội vừa tổ chức, ông Đào Ngọc Nam - Giám đốc Công ty CP Sản xuất và Thương mại An Việt đề nghị TP cần có chính sách hỗ trợ về cơ chế, chính sách cho các cơ sở sản xuất, phân phối, bán lẻ thực phẩm của DN trong nước. Sự hỗ trợ này có tác dụng thúc đẩy sản xuất, ổn định thị trường, qua đó hạn chế việc NK thực phẩm.

Tuy nhiên, để có thể ngăn chặn được tình trạng buôn lậu, kinh doanh thực phẩm NK không rõ nguồn gốc cũng đòi hỏi lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát việc NK mặt hàng này tại các cửa khẩu, sân bay, điểm thông quan. Đồng thời kiên quyết dẹp bỏ các điểm, cơ sở kinh doanh tự phát kinh doanh thực phẩm nhập lậu, không đảm bảo chất lượng ATTP. Ngoài ra, mỗi người tiêu dùng cũng cần ý thức hơn trong thói quen sử dụng hàng ngày, bỏ thói quen, tâm lý "sính" sử dụng hàng NK khi mà rất nhiều sản phẩm do DN trong nước sản xuất khá tiện lợi, an toàn và giá cả cạnh tranh.