Thực tế về Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Được mô tả là “thỏa thuận lịch sử”, “một chiến thắng lớn”, Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) trị giá 430 tỷ USD đã được Thượng viện Mỹ thông qua hôm 7/8, dự kiến sẽ nhanh chóng được Hạ viện chấp thuận, có ý nghĩa gì với nền kinh tế số 1 thế giới?

Giảm lạm phát, nhưng không phải ngay lập tức

Hôm 10/8, Bộ Lao động Mỹ cho biết Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) - thước đo lạm phát đã tăng 8,5% trong tháng 7, vẫn tương đối gần với mức đỉnh 40 năm tại nước này được thiết lập hồi tháng trước (9,1%). Báo cáo cũng lưu ý, áp lực lạm phát cơ bản tiếp tục tăng tại Mỹ, khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đang cân nhắc liệu có nên tiến hành thêm một đợt tăng lãi suất lớn vào tháng 9 tới hay không.

Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer ra dấu “ăn mừng” sau khi Thượng viện Mỹ thông qua Đạo luật Giảm lạm phát, hôm 7/8. Ảnh: Los Angeles Times
Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer ra dấu “ăn mừng” sau khi Thượng viện Mỹ thông qua Đạo luật Giảm lạm phát, hôm 7/8. Ảnh: Los Angeles Times

Trong bối cảnh này, và cũng chính bởi tên gọi, IRA dài hơn 700 trang nhanh chóng được người dân Mỹ quan tâm đặt câu hỏi: Đạo luật mới có thể giúp giảm lạm phát?

Hầu hết giới phân tích đều tin rằng, IRA sẽ không có tác động ngay lập tức đến lạm phát, nhưng sau một vài năm, đạo luật sẽ giúp hạ giá thông qua 2 kênh chính. Rõ ràng nhất là việc giảm giá năng lượng bằng cách thay thế năng lượng nhiên liệu hóa thạch bằng năng lượng tái tạo có chi phí rẻ hơn.
Theo IRA, Chính phủ liên bang sẽ cung cấp khoảng 400 tỷ USD trong 10 năm tới để chống lại biến đổi khí hậu, và mức hỗ trợ liên bang này được cho sẽ khuyến khích ít nhất 600 tỷ USD chi tiêu tư nhân liên quan.

Nhìn chung, các quỹ công sẽ thúc đẩy đầu tư tư nhân vào năng lượng sạch, các khoản giảm giá cho người tiêu dùng khi mua xe điện, các khoản vay đảm bảo giảm rủi ro cho các ngân hàng để đầu tư vào năng lượng sạch và một Ngân hàng Xanh quốc gia được bảo lãnh bởi Chính phủ liên bang. Điều này sẽ đưa tổng chi tiêu cho năng lượng sạch của khu vực công và tư nhân từ IRA lên khoảng 1 nghìn tỷ USD trong 10 năm, tương đương khoảng 100 tỷ USD/năm.

Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế từng ước tính, chi phí sản xuất điện bằng năng lượng nhiên liệu hóa thạch ở các nền kinh tế tiên tiến dao động từ 5,5 - 14,8 cent/kWh vào năm 2020, và con số này đã tăng vào năm 2021 sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Ngược lại, giá trung bình cho năng lượng gió và quang điện mặt trời trên đất liền ở cùng các nước đó lần lượt chỉ là 3,3 và 4,8 cent/kWh vào năm 2021. Tương tự với năng lượng hạt nhân: Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ ước tính rằng việc tạo ra 1kW điện thông qua hạt nhân vào năm 2027 sẽ tiêu tốn 8,2 cent - cao hơn gấp đôi so với con số hiện tại đối với điện gió trên đất liền và gần gấp đôi so với điện mặt trời.

Cách thứ hai mà IRA được cho có thể chống lạm phát tại Mỹ là thông qua các quy định của đạo luật về chăm sóc sức khỏe. Theo đó, Chính phủ liên bang sẽ được trao quyền thương lượng giá mà chương trình Medicare trả cho các tập đoàn dược phẩm tư nhân để mua thuốc theo toa.

Thực tế hiện nay tại Mỹ, các loại thuốc kê đơn được sử dụng rộng rãi nhất có giá trung bình cao hơn gần gấp đôi so với giá thuốc cùng loại ở các nước có thu nhập cao khác. Điều này là do, ở các quốc gia khác, chính phủ luôn có khả năng “thương lượng” giá cả với các tập đoàn dược phẩm, ngăn họ thu lợi nhuận độc quyền. Ngược lại, các công ty dược phẩm ở Mỹ thường xuyên tăng giá thuốc vượt xa mức cần thiết để trang trải chi phí, tạo nên một ngành công nghiệp sinh lời “khủng” ở quốc gia này.

“Hầu hết người Mỹ sẽ không thể cảm nhận được tác động ngay lập tức hoặc đáng kể của các điều khoản giảm lạm phát trong dự luật” - cây bút chuyên phân tích chính sách công Ellen Ioanes bình luận về IRA trên tờ Vox - “Vì vậy đừng mong đợi các con số trên hóa đơn hàng ngày có thể giảm xuống ngay lúc này”.

Những mâu thuẫn còn bỏ ngỏ

Giáo sư kinh tế học Robert Pollin, hiện là người điều hành Viện Nghiên cứu Kinh tế Chính trị tại Đại học Massachusetts-Amherst, đánh giá: “Đạo luật Giảm lạm phát chắc chắn là đạo luật khí hậu quan trọng nhất từng được Chính phủ Mỹ ban hành. Nhưng cũng cần rõ ràng rằng bản thân nó chưa đủ để đưa Mỹ sang một con đường ổn định khí hậu khả thi”.

Ông Pollin giải thích, lý do chính là vì những gì Thượng nghị sĩ Joe Manchin đã đòi hỏi từ những người đồng cấp trong Đảng Dân chủ để đổi lấy sự tán thành của ông đối với IRA. Ông Manchin chỉ đồng ý hỗ trợ IRA để dự luật có thể thông qua nhanh chóng nếu những người cùng đảng Dân chủ của ông cũng sẽ ủng hộ việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Mountain Valley ở Tây Virginia.

“Làm thế nào chúng ta có thể dung hòa một phần luật khí hậu được cho sẽ tạo ra những thay đổi bước ngoặt với việc xây dựng các đường ống dẫn khí đốt tự nhiên có thể gây ra thiệt hại lớn về môi trường, bao gồm ô nhiễm các dòng suối và xói mòn đất?” - giáo sư Pollin nêu vấn đề - “Đáng tiếc, việc hỗ trợ cho đường ống Mountain Valley khiến IRA lại như đang thúc đẩy việc mở rộng các hợp đồng thuê thăm dò dầu khí trên đất và nước của liên bang”.

Ngoài ra, một số nhà kinh tế đã chê bai IRA thực chất chỉ là một “dự luật tăng thuế thất bại”, khi mà “thỏa thuận hòa giải” của nội bộ đảng Dân chủ cuối cùng đã đặt ra mức thuế DN tối thiểu mới là 15%.

Phần lớn các hộ gia đình có thu nhập cao sở hữu cổ phiếu được cho sẽ phải chịu gánh nặng về mức thuế mới. Về mặt cân bằng, tăng thuế đối với các tập đoàn lớn và sử dụng doanh thu để ngăn chặn thảm họa khí hậu là một công cụ thương mại tốt. Nhưng tuyên bố của Tổng thống Joe Biden rằng IRA sẽ “chấm dứt thông lệ” của các công ty trong danh sách Fortune 500 có lãi mà không phải trả thuế thu nhập DN được cho là không chính xác.

Theo truyền thông Mỹ, một quyết định vào phút chót, để nhằm đạt được đồng thuận của Thượng nghị sĩ Kyrsten Sinema đối với IRA, là việc dự luật vẫn giữ điều khoản duy trì ưu đãi thuế đối với cổ phần tư nhân. Chính vì điểm này, IRA được tin khó có thể làm gì để hạn chế các cách “lách thuế” lâu nay đã cho phép một số tỷ phú ở Mỹ trả mức thuế thu nhập cá nhân gần như bằng 0.

Ngoài ra, các khoản tín dụng năng lượng sạch trong IRA cũng có thể giúp nhiều công ty điện lực sinh lời trả thuế thu nhập liên bang ít hơn, hoặc thậm chí bằng 0.

Bất chấp những mâu thuẫn còn bỏ ngỏ, chuyên gia phân tích chính trị Michael Tomasky vẫn tin IRA là “thỏa thuận có hiệu quả lớn”. Theo cây bút này, IRA dường như đang đi ngược lại xu hướng quen thuộc trong 40 năm thống trị của phe bảo thủ Mỹ, bằng cách khẳng định rằng “chính phủ có vai trò trong việc cấu trúc thị trường, thúc đẩy tăng trưởng và hướng dẫn chính sách công nghiệp”.

“Vì vậy, mặc dù dự luật có thể nên lớn hơn nữa, nhưng những nỗ lực của nó đang làm rõ rằng chính phủ liên bang không nên chỉ khuyến khích tăng trưởng kinh tế mà còn phải đi đầu trong việc xác định loại tăng trưởng mà chúng ta muốn” - Michael Tomasky viết trên tờ The New Republic - “Thời của kinh tế học tự do Reagan đã qua. Xã hội không chỉ là tổng thể của 330 triệu cá nhân theo đuổi tư lợi của họ nữa. Ai đó cần phải chèo lái con tàu”.