Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Thúc” tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Huyền Phùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Dù nhiều địa phương, tỉnh thành đã tích cực đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tuy nhiên, tính đến hết tháng 5/2024, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn này vẫn rất thấp, chỉ đạt gần 28%. Thậm chí, nhiều nơi còn chưa phân bổ hết kế hoạch vốn.

10 tỉnh tỷ lệ giải ngân rất thấp

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, một số tỉnh, thành phố đã tích cực cải thiện đáng kể tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công từ ngân sách trung ương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó, 9 tỉnh lũy kế giải ngân đến hết tháng 4/2024 đạt tỷ lệ từ 30% trở lên, gồm Hậu Giang (72%), Ninh Thuận (50%), Vĩnh Long (44%), Bạc Liêu (37%), Sơn La (34%), Yên Bái (34%), An Giang (33%), Bến Tre (32%), Lâm Đồng (30%).

Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

Bên cạnh đó, còn 10 tỉnh lũy kế giải ngân đến hết tháng 4/2024 đạt tỷ lệ giải ngân rất thấp (dưới 10%). Trong đó, Cà Mau, Bình Phước tỷ lệ giải ngân là 0%. Đây cũng là 02 địa phương chưa thực hiện phân bổ kế hoạch vốn. Cụ thể, Cà Mau chưa phân bổ vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Bình Phước chưa phân bổ vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Theo Bộ Tài chính, tính đến thời điểm này, bộ đã nhận được báo cáo phân bổ vốn là 26.161,9 tỷ đồng, số vốn còn lại chưa phân bổ là 1.058,1 tỷ đồng. Trong đó, Ủy ban Dân tộc, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Liên minh hợp tác xã Việt Nam chưa thực hiện phân bổ vốn; Các địa phương Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Lai Châu, Điện Biên, Thái Bình, Quảng Nam, Bình Thuận, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng, Bình Phước, Sóc Trăng, Cà Mau chưa phân bổ hết kế hoạch vốn.

Nguyên nhân chưa phân bổ hết vốn được chỉ ra là do các Dự án đang thực hiện lập, phê duyệt dự án nên chưa đủ điều kiện để phân bổ vốn.

Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đã được cải thiện đáng kể, nhưng nguồn vốn sự nghiệp giải ngân vẫn rất thấp, còn nhiều vướng mắc khiến tiến độ giải ngân chưa đạt như kỳ vọng đặt ra.

Mới đây, Bộ Tài chính cũng đã có công văn số 5717/BTC-ĐT gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách trung ương năm 2023 sang năm 2024.

Tập trung giải ngân, thúc đẩy tăng trưởng

Theo TS Trần Du Lịch, muốn vượt qua thách thức và thúc đẩy kinh tế phát triển thì cần “giải cho được bài toán tiêu tiền”. Vướng mắc là có tiền nhưng không tiêu được, làm sao đó phải tiêu được tiền. Nếu tiền không được “bơm” ra sẽ không kích được tổng cầu, kinh tế không phát triển. “Cần tập trung thúc đẩy đầu tư công vì tiền ra càng nhanh tạo hiệu ứng cấp số nhân, đồng thời tác động lớn cho nền kinh tế” - ông Lịch nói.

Để đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, trước đó, Bộ Tài chính đã có các văn bản nhận xét phân bổ kế hoạch đầu tư năm 2024 của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Theo đó, Bộ Tài chính đã có ý kiến đề nghị các tỉnh phân bổ danh mục dự án thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia đảm bảo theo đúng mục tiêu, đối tượng, địa bàn và nội dung hỗ trợ; Bố trí vốn đối ứng ngân sách địa phương thực hiện theo đúng quy định

Bộ Tài chính cũng đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đảm bảo phân bổ các nội dung hỗ trợ giai đoạn 2021-2025 (số lượng, định mức hỗ trợ) thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần đảm bảo theo đúng Quyết định số 39/2021/QĐ-TTg và Quyết định số 04/2023/QĐ-TTg.

Trường hợp vướng mắc có văn bản gửi cơ quan chủ trì quản lý Chương trình (Ủy ban Dân tộc) và các bộ, cơ quan trung ương chủ trì dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình (Bộ NN&PTNT,...) đảm bảo phân bổ vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 đúng quy định.

Bên cạnh đó, không bố trí vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho các dự án chuyển tiếp, hoàn thành giai đoạn 2016-2020 và các giai đoạn trước. Không bố trí vốn đầu tư công cho các dự án bảo dưỡng, sửa chữa (đề nghị bố trí từ nguồn kinh phí sự nghiệp) theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.