Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thuê bao nghi ngờ cách tính cước 3G của nhà mạng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vừa mở mail và truy cập internet đã mất 10.000 đồng, chỉ một lần mở Facebook bị trừ 4.000 đồng... nhiều chủ thuê bao đang nghi ngờ cách tính cước của nhà mạng.

Anh Dương (Thanh Xuân, Hà Nội) đang dùng thuê bao trả trước của nhà mạng Viettel và đăng ký gói cước 3G Mimax với mức cước 70.000 đồng một tháng. Cách đây chục ngày, đang làm việc ở ngoài, anh Dương nhận được tin nhắn của nhà mạng báo hết dữ liệu truy cập tốc độ tối đa. Do đó, để thuận tiện cho công việc, anh mua thêm lưu lượng tốc độ cao với mức phí 10.000 đồng. 

"Tuy nhiên, tôi vào kiểm tra email được một lần, truy cập Facebook một lần thì tiếp tục nhận được tin nhắn báo sắp hết lưu lượng. Mọi chuyện diễn ra trong vòng vài phút", anh kể lại.
 Việc tính cước 3G của các nhà mạng khiến nhiều chủ thuê bao đặt câu hỏi về tính minh bạch.
Việc tính cước 3G của các nhà mạng khiến nhiều chủ thuê bao đặt câu hỏi về tính minh bạch.
Cũng theo khách hàng này, thông thường anh rất ít khi sử dụng dịch vụ 3G vì ở nhà cũng như công ty, hoặc thậm chí ngồi quán cà phê đều có wifi. Tuy nhiên, hầu như tháng nào cũng hết lưu lượng tốc độ cao sau khoảng chục ngày sử dụng. Để tốc độ không bị giảm xuống 2G thì anh thường phải mua thêm lưu lượng.

"Có tháng tôi phải mua thêm lưu lượng 2-3 lần, tốn thêm vài chục nghìn nhưng đều hết rất nhanh. Nhiều lần nghi ngờ, sau khi vào mạng đọc email tôi kiểm tra cước thì thấy bị trừ 3.000 - 4.000 đồng mỗi lần", anh cho biết.

Chị Hoa (Đống Đa) sử dụng dịch vụ của VinaPhone cũng cho biết rất ít khi sử dụng 3G nhưng để tiện cho công việc nên cũng đăng ký gói cước Max của nhà mạng. Cứ đầu tháng nhà mạng sẽ trừ phí thuê bao của tháng đó.

Gần đây, chị đi công tác địa phương và điện thoại báo hết tiền nên chị mua thẻ 200.000 đồng để nạp. "Sau khi nạp tiền tôi yên tâm lướt web tầm 30 phút, sau đó gọi được 2 cuộc điện thoại, mỗi cuộc tầm 3 phút, đến cuộc thứ 3 thì lại thấy điện thoại báo hết tiền", chị Hoa kể lại.

Gần đây nhất, sau khi gia hạn gói Max và sử dụng như bình thường, đến ngày thứ 5 chị Hoa có cho con trai xem một clip trên YouTube (dài khoảng 5 phút) thì thấy nhà mạng nhắn tin báo hết dung lượng tốc độ cao. "Như vậy có nghĩa là, đăng ký gói cước để dùng trong vòng một tháng nhưng chỉ một lần quá tay là hết lưu lượng", chị Hoa nói.

Câu chuyện cước 3G tiêu tốn một cách khó tin không phải của riêng anh Dương hay chị Hoa. Rất nhiều thuê bao cũng gặp tình trạng tương tự và đặt câu hỏi về tính trung thực trong việc tính cước của các nhà mạng. Tuy nhiên, trao đổi với báo giới, đại diện các nhà mạng đều cho biết, để lý giải về những trường hợp nói trên, doanh nghiệp cần phải nắm rõ từng trường hợp, tình huống cụ thể, không thể nói chung chung.

"Lưu lượng sử dụng ra sao, thời điểm nào đều được thống kê và lưu lại trên hệ thống", đại diện VinaPhone cho hay.

Trong khi đó, các khách hàng cho biết, có liên hệ với nhà mạng nhưng đều không thỏa mãn với các câu trả lời của doanh nghiệp. "Chúng tôi có phản ánh lên tổng đài hoặc xem bảng cước nhưng họ giải thích sao, thống kê như thế nào thì biết vậy, cũng không có cơ sở để tranh luận", chị Hoa nói.

Trong khi đó, ông Vương Ngọc Tuấn, Phó tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, hiện nay việc bảo vệ quyền lợi khách hàng sử dụng dịch vụ viễn thông còn hạn chế.

"Chưa nói gì đến chất lượng mà ngay việc yêu cầu nhà mạng công khai, minh bạch việc tính cước và đong đếm điều này cũng khó khả thi", ông cho hay. Do đó, theo chuyên gia này, để hạn chế những bức xúc của người tiêu dùng trong thời gian tới, cơ quan quản lý cần có những quy định, tiêu chuẩn rõ ràng hơn về vấn đề này.

Trong khi, trước đó, theo báo cáo do hãng Ericsson công bố tháng 6 cho thấy Việt Nam đứng gần cuối bảng trong khu vực Đông Nam Á và châu Đại Dương về tốc độ truyền dữ liệu di động. Trong số 9 quốc gia thuộc diện khảo sát, Việt Nam là nước có tốc độ truyền dữ liệu kém nhất với 160 kilobits trên giây (kbps). Con số này chưa bằng số lẻ của các nước đang dẫn đầu là Singapore (21.870 kbps) hay Australia (11.190 kbps). Ngay cả nước xếp thứ 8 trong khu vực và chỉ trên Việt Nam một bậc là Myanmar cũng có tốc độ truyền dữ liệu cao gấp 5 lần. Nếu so sánh với các nước khác ngoài khu vực Đông Nam Á, tốc độ dữ liệu mạng di động của Việt Nam cũng kém xa. Ví dụ Hàn Quốc hiện đạt tốc độ gần 10.000 kbps, Nhật bản gần 5.000 kbps...

Hiện đơn vị lưu lượng tính cước 3G tối thiểu của các nhà mạng là 50 KB. Nếu người dùng sử dụng phần lẻ nhỏ hơn con số này (dù chỉ 1KB) cũng sẽ được làm tròn thành 50 KB. Dung lượng sử dụng được tính trên tổng dung lượng upload và download dữ liệu.

Nếu khách hàng đăng ký các gói cước thông thường, khi hết dung lượng miễn phí tốc độ cao sẽ tính phát sinh cước vượt dung lượng giới hạn là 75 đồng cho 50 KB.

Nếu thuê bao không đăng ký sử dụng dịch vụ 3G theo gói cước thì mức phí mặc định các nhà mạng áp dụng sẽ là là 75 đồng cho 50 KB.