70 năm giải phóng Thủ đô

Thuế đã thanh tra, kiểm toán đối chiếu truy thu cao gấp 19 lần

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- “Qua kiểm toán hồ sơ đã kiểm tra thuế, đối chiếu thuế 144 DN được thanh tra, kiểm tra thuế, số tăng thu, giảm khấu trừ qua kiểm toán là 607 tỷ đồng, tức là bình quân 4,25 tỷ đồng/DN, cao hơn số cơ quan thuế truy thu 19 lần”- Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) khu vực IV Doãn Anh Thơ cho biết tại Hội thảo “Quản lý thuế và vai trò của KTNN” ngày 9/5/2019.

Theo ông Thơ, điều này cho thấy, hệ thống bộ tiêu chí rủi ro chưa thực sự hiệu quả. “Một trong các vấn đề là hệ thống dữ liệu không xác định được ngành nghề kinh doanh chính của DN dẫn đến việc phân tích, đánh giá, so sánh kết quả hoạt động kinh doanh giữa các DN cùng ngành nghề gặp nhiều khó khăn”- ông Thơ nói.

                               Toàn cảnh Hội thảo

Qua kiểm toán, KTNN cũng phát hiện, nhiều chính sách ưu đãi thuế không đúng quy định. Hàng năm tổng số tiền mà ngân sách Nhà nước đã ưu đãi cho các DN tương đương khoảng 5,5%- 6% tổng thu ngân sách, trong đó, ưu đãi về thuế chiếm tỷ trọng trên 80%. Theo các đại biểu, chính sách ưu đãi thuế suất của Việt Nam có phạm vi ưu đãi khá rộng và dàn trải.

Đại diện KTNN dẫn Luật Đầu tư năm 2014 cho thấy, chính sách ưu đãi thuế áp dụng đối với 30 lĩnh vực khuyến khích đầu tư, 27 lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư như: công nghệ cao, CNTT, công nghiệp hỗ trợ, điện tử, cơ khí,... “Việc ưu đãi còn được áp dụng đối với địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn thuộc 53/63 tỉnh, thành phố và hơn 300 khu công nghệ cao, khu kinh tế, khu công nghiệp và khu chế xuất. Ưu đãi quá rộng đã làm mất tính hấp dẫn của các ưu đãi đầu tư. Chưa kể, chính chính sách ưu đãi thuế đã góp phần tạo cơ hội cho các doanh nghiệp chuyển giá để trốn thuế”- Trần Minh Khương, Kiểm toán trưởng KTNN khu vực XIII cho biết. Đơn cửa, nhiều DN thành lập thêm các công ty con, công ty liên kết tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn. Sau đó, DN áp dụng các thủ đoạn chuyển giá để chuyển lợi nhuận sang các công ty này nhằm hưởng mức ưu đãi thuế thấp. Ông Khương cũng cho rằng, chính sách ưu đãi đầu tư bằng thuế suất thực tế phát huy tác dụng không lớn, mà ngược lại đang làm giảm thu ngân sách.

Với giải pháp, các đại biểu nhắc đến khuyến cáo của OECD là cần giảm bớt việc áp dụng các hình thức ưu đãi về miễn, giảm thuế thu nhập DN có thời hạn để chuyển sang áp dụng hình thức ưu đãi thuế khác, hiệu quả hơn. Ví dụ, có cơ chế giảm trừ nghĩa vụ thuế phải nộp hay giảm trừ thu nhập chịu thuế khi nhà đầu tư dùng lợi nhuận kinh doanh để đầu tư phát triển sản xuất, nghiên cứu phát triển, đào tạo nghề, bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn...