Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thuế thu nhập cá nhân lỗi thời: tăng lương, lo đóng thuế tăng

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ ngày 1/7, mức lương cơ sở sẽ tăng 30%. Vui mừng vì lương tăng, tuy nhiên, nhiều người cũng nơm nớp lo phải tăng đóng thuế bởi Luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN) quá lạc hậu, chưa giải quyết được câu chuyện giảm trừ gia cảnh, nâng ngưỡng thu nhập chịu thuế.

Lương tăng, đóng thuế tăng

Theo thông tin từ Bộ Nội vụ, từ ngày 1/7, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang sẽ được tăng lương thông qua việc điều chỉnh lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%). Đối với khu vực doanh nghiệp, lương tối thiểu vùng theo quy định của Luật Lao động sẽ tăng 6% so với năm 2023.

Việc điều chỉnh tiền lương, lương hưu, trợ cấp lần này tác động lên khoảng 18 triệu người hưởng bảo hiểm xã hội; khoảng 50 triệu người do ngân sách Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế; khoảng 16 triệu học sinh, sinh viên và 30 triệu người liên quan chính sách hỗ trợ từ Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh...

Đây là các mức tăng cao nhất từ trước tới nay, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ, góp phần quan trọng cải thiện đời sống người hưởng lương cũng như các đối tượng đang hưởng chế độ phụ cấp, trợ cấp và các chính sách khác gắn với lương cơ sở.

Lương tăng sẽ kéo theo giá hàng hóa tăng.
Lương tăng sẽ kéo theo giá hàng hóa tăng.

Tăng lương cơ sở là niềm vui rất lớn với người lao đông vì thu nhập sẽ tăng đáng kể, nhưng đi cùng với đó, người làm công ăn lương lại có thêm nhiều nỗi lo khác. Bên cạnh giá cả sẽ ồ ạt tăng theo lương, việc tăng lương cơ sở từ mức 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng, đồng nghĩa mức thuế TNCN mà người lao động phải đóng góp cũng sẽ tăng thêm.

Cụ thể, sau khi tăng lương, tổng mức lương của chuyên gia cao cấp bậc 3 lên tới 23,4 triệu đồng/tháng. Nếu không có người phụ thuộc, mỗi chuyên gia cao cấp phải đóng thuế mức 10%. Hay, vị trí viên chức loại A3 với 6 bậc lương, tương ứng số tiền lương nhận được từ 14,5 - 18,7 triệu đồng/người/tháng. Với khoản lương này, nếu không có người phụ thuộc, mỗi cá nhân phải nộp thuế thu nhập cá nhân ở mức 5%.

Ngoài 2 vị trí có mức lương cao nhất ở trên, khi tăng lương, công chức, viên chức có tổng lương nhận được vượt mức 11 triệu đồng/tháng sẽ bắt đầu đóng thuế thu nhập cá nhân hàng tháng.

Chị Nguyễn Hồng Hạnh, một nhân viên đơn vị sự nghiệp công lập hiện đang hưởng mức lương 9 triệu đồng/tháng cho biết, theo tính toán, sau khi lương tăng 30%, từ ngày 1/7 mức lương tôi nhận được khoảng gần 13 triệu đồng/tháng. Như vậy, với mức lương này, tôi bắt đầu phải nộp thuế TNCN hàng tháng. “Trước đây tôi không phải đóng thuế TNCN. Nay lương tăng, thu nhập vượt trên 11 triệu đồng nên phải đóng thuế. Vì vậy, việc tăng lương với tôi không còn nhiều ý nghĩa. Trái lại, tôi lại thêm áp lực với giá cả hàng hóa “té nước” theo lương” – chị Hạnh bày tỏ.

 

Hiện các bậc thuế trong biểu thuế TNCN quá dày, sát nhau, nên khi lương nhích lên chỉ vài trăm ngàn thì người làm công ăn lương sẽ phải đóng thuế nhiều hơn. Trong đó, có những người trước đây chưa phải nộp thuế, nhưng vì tăng lương nên phải nộp thuế TNCN hàng tháng. Đồng thời cũng có những người bị nhảy bậc thuế từ mức thấp lên mức cao - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho hay.

Đánh giá về việc điều chỉnh tăng lương lần này, cô giáo Đồng Thị Lan Anh (Mỹ Đức) bày tỏ: “Được tăng lương là điều mà tất cả các giáo viên đều vui mừng. Song, tôi mong muốn Luật thuế TNCN cần điều chỉnh để mức đóng thuế cân bằng, phù hợp với hoàn cảnh và thị trường hiện nay”.

PGS.TS Đinh Trọng Thinh đánh giá, biểu thuế TNCN theo quy định hiện nay là quá lạc hậu, bởi biểu thuế được ban hành từ rất lâu. Trong khoảng thời gian áp dụng biểu thuế dài như vậy, giá cả thị trường đã tăng rất nhiều. Trong khi đó, thu nhập và tiền lương mặc dù có điều chỉnh theo hướng tăng nhưng giá cả thị trường cũng tăng, thậm chí mức lương tăng không đuổi kịp mức giá hàng hóa trên thị trường.

Sớm xây dựng biểu thuế mới

Sự lạc hậu của Thuế TNCN được phản ánh nhiều năm nay. Nhiều ý kiến cho rằng, vì biểu thuế được xây dựng quá lạc hậu, nên đã đến lúc phải xây dựng lại biểu thuế mới cho phù hợp với thực tế. Ngoài việc xây dựng biểu thuế mới, cũng cần tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc. Bởi hiện nay mức giảm trừ đối với người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng, với mức này là khá thấp so với mức sinh hoạt thực tế của một người.

Cần sớm sửa Luật thuế TNCN để theo kịp thực tế đời sống.
Cần sớm sửa Luật thuế TNCN để theo kịp thực tế đời sống.

Việc xây dựng biểu thuế mới sẽ giúp cho người lao động có thêm thu nhập không phải chịu thuế, từ đó mới mạnh dạn chi tiêu. Khi sức chi tiêu của người dân tăng thì mới kích thích sự tăng trưởng kinh tế. Từ đó, việc thu thuế VAT được tăng cao. Khi ấy, nguồn thu từ thuế cho Nhà nước cũng sẽ không mất vào đâu. Lúc này, nguồn thu vào ngân sách thuế VAT bù đắp lại thuế TNCN.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) nêu quan điểm, mức giảm trừ gia cảnh hiện nay chưa phản ánh đúng với thực tế cuộc sống, chưa phù hợp với điều kiện của một quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp như ở nước ta. Phần lớn thu nhập của người dân sẽ dành cho hàng hóa dịch vụ thiết yếu (70%). Lương tăng nhưng mức giảm trừ gia cảnh không được điều chỉnh kịp thời sẽ gây âu lo cho người lao động, ảnh hưởng trực tiếp đến ý nghĩa của chính sách cải cách tiền lương. “Cơ quan chức năng cần sớm trình sửa Luật Thuế TNCN vào cuối tháng 10/2024 và trình Quốc hội thông qua vào tháng 5/2025” – đại biểu Nguyễn Thị Thủy nêu quan điểm.

Ủng hộ việc sớm sửa Luật thuế TNCN, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh góp ý, các nước xung quanh như Malaysia, Philippines, Singapore… đều trong xu hướng giảm thuế TNCN tối đa. Việt Nam cũng cần xem xét giảm xuống còn 4 hay 5 bậc và các bậc thuế cũng phải giãn ra rõ rệt. Đồng thời xem xét giảm thuế thếu TNCN ở bậc cao nhất là 35% xuống đâu đó như các quốc gia hiện đang áp dụng là 25% thì phù hợp hơn. Các khoản giảm trừ để tính thuế TNCN cũng cần tính toán đầy đủ hơn để đảm bảo chi tiêu cần thiết cho đời sống người dân.