Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thuế thu nhập cá nhân: Nên điều chỉnh theo biến động của giá cả

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị về phương án sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN), TS Lê Đăng Doanh (nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế T.Ư) cho rằng, trong bối cảnh khó khăn, người dân lúc này cần một chính sách thuế mang tính hỗ trợ nhiều hơn.

Theo phương án mới nhất Chính phủ trình Quốc hội, mức khởi điểm chịu thuế TNCN được nâng lên 9 triệu đồng, mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) là 3,6 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính Ngân sách (TCNS) của Quốc hội lại đề xuất, mức khởi điểm chịu thuế chỉ nên là 7 triệu đồng, mức GTGC nên là 2,8 triệu đồng/người/tháng. Quan điểm của ông thế nào?

Thuế thu nhập cá nhân: Nên điều chỉnh theo biến động của giá cả - Ảnh 1

Nâng mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân. Ảnh: Việt Hùng

- Tôi ủng hộ đề xuất của Chính phủ vì 3 lý do. Thứ nhất, lạm phát từ năm 2009 đến nay lên tới hơn 40% cho thấy mức thu nhập thực tế của người dân đã bị giảm sút. Thứ hai, tiêu chuẩn hộ nghèo đã được nâng lên rất nhiều, trong khi thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam còn thấp, đời sống còn khó khăn, nên số hộ nghèo đã tăng lên. Thứ ba, phải khoan sức dân. Thuế, phí của Việt Nam thuộc diện cao trên thế giới, nay tiếp tục đánh thuế TNCN cao sẽ không có lợi và tạo gánh nặng cho người dân. Tôi nghĩ người dân không ngại nộp thuế, không đòi miễn thuế nhưng chính sách thuế phải cải thiện được cuộc sống và những nhu cầu chính đáng của người dân.

 Đề xuất của UBTCNS là mỗi cá nhân có thu nhập chịu thuế chỉ được giảm trừ tối đa cho 2 người phụ thuộc, ông thấy sao về vấn đề này?

Bộ Tài chính vừa ban hành thông tư về việc mở rộng đối tượng được hưởng ưu đãi miễn thuế thu nhập cá nhân. Theo đó, các khoản tiền lương, tiền công dùng để chữa bệnh hiểm nghèo cho người lao động (hoặc thân nhân người lao động) được trích từ nguồn thu nhập sau thuế thu nhập doanh nghiệp, quỹ phúc lợi, khen thưởng của doanh nghiệp... sẽ được miễn thuế cá nhân.

Bên cạnh đó, các khoản từ quỹ phúc lợi, khen thưởng của doanh nghiệp để hỗ trợ người lao động và thân nhân của họ cũng được miễn thuế.

- Tôi cho rằng, quy định như vậy là không có căn cứ. Luật quy định mức GTGC gồm 2 phần - với người nộp thuế và với những người phụ thuộc mà người nộp thuế có trách nhiệm nuôi dưỡng theo quy định nên có bao nhiêu người phụ thuộc phải được nuôi bấy nhiêu... Việt Nam có truyền thống đạo lý, cha mẹ sống cùng con cái, gia đình có 2 - 3 thế hệ, các quy định pháp luật cũng phải phù hợp với truyền thống văn hóa.

Có ý kiến đề xuất không nên quy định mức GTGC bằng một con số cứng, nên quy định theo tỷ lệ phần trăm. Ý kiến của ông thế nào?

- Bất cứ một con số cứng nào đã đưa vào Luật, vẫn bị phụ thuộc vào tốc độ thay đổi của giá cả. Mức GTGC cho người nộp thuế và người phụ thuộc phải được điều chỉnh tương ứng với tỷ lệ lạm phát. Chỉ số giá tăng lên bao nhiêu phần trăm, mức khởi điểm này cứ thế mà tăng lên. Quy định cứng nhắc một con số nhất định sẽ rất nhanh lạc hậu, lại phải điều chỉnh. Mỗi lần điều chỉnh lại phải thông qua Quốc hội rất mất thời gian, trong khi người dân phải chờ.

Trong Dự thảo Bộ Tài chính xây dựng và Chính phủ trình lên Quốc hội đã đề ra, khi giá cả thị trường biến động trên 20%, Chính phủ có thể trình Quốc hội tiếp tục điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, thưa ông?

- Nếu lấy mốc lạm phát tới 20% để điều chỉnh lại thuế là quá cao. Năm 2011, lạm phát tăng rất cao nhưng chỉ số tính cuối kỳ hay tính bình quân năm cũng mới trên 18%. Tôi cho rằng, nên để ở mức 5% là phù hợp. Ví dụ lạm phát tăng 5% thì mức khởi điểm sẽ là 9 triệu đồng cộng với 5%.

 Ngoài những ý kiến như ông đề xuất trên, theo ông Luật Thuế mới còn cần phải điều chỉnh thêm gì?

- Bộ Tài chính đề xuất khởi điểm chịu thuế 9 triệu, UBTCNS giảm xuống 7 triệu, nhưng không thấy nói tới sửa đổi biểu thuế. Hiện, mức thuế bậc 1 (thấp nhất) là 5 triệu đồng, bậc 7 (cao nhất) 80 triệu đồng - chỉ cách 16 lần. Khoảng cách giữa các bậc thuế quá hẹp, khiến tác dụng điều chỉnh thuế TNCN gần như không thay đổi đáng kể. Theo tôi, nên giãn bậc thuế và bỏ bậc cao nhất 35% để giảm gánh nặng thuế cho người dân. Cần hạ mức thuế suất bậc 1 xuống còn 2 - 3% thay vì 5%. Khoảng cách thu nhập giữa các bậc thuế cần giãn ra như bậc 1 có thể từ 0 - 15 triệu đồng/tháng thay vì chỉ 5 triệu đồng/tháng như hiện nay.

Băn khoăn của các nhà làm luật là nếu áp dụng mức khởi điểm chịu thuế lên 9 triệu đồng sẽ thu hẹp nguồn thu cho ngân sách. Ông có đề xuất gì để cải thiện nguồn thu?

- Bộ Tài chính cho biết, nếu theo phương án 7 triệu đồng, thu ngân sách Nhà nước năm 2013 sẽ giảm 4.000 đồng tỷ đồng, còn theo phương án 9 triệu đồng, mức giảm thu sẽ là 5.200 tỷ đồng trong năm 2013.

Trên thực tế, nguồn thu thuế nên dựa từ thuế thu nhập doanh nghiệp (DN). Chính DN sẽ đóng góp vào ngân sách và tạo việc làm cho người dân có điều kiện đóng thuế. Tôi cho rằng, có nhiều cách để cải thiện thu - chi ngân sách, cần đẩy mạnh chống thất thu thuế để bù lại như đối với người có thu nhập từ nhiều nơi, đối với chuyển nhượng bất động sản... Trong khi những người làm công ăn lương, CBCC nhận lương qua sổ sách, có chứng từ đều bị khấu trừ thuế, còn những đại gia kinh doanh bất động sản thu nhập hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng trên tháng nhưng không cần chứng minh thu nhập, ngân sách lại không thu được đồng thuế nào.

Ngoài ra, chúng ta cần tìm cách giảm chi. Những nguồn chi cho DNNN, cho tập đoàn, không phù hợp…, nên mạnh tay cắt. Giám sát chặt chi cho địa phương, cho đầu tư công, các khoản đầu tư, thua lỗ của những tập đoàn, tổng công ty. Nếu làm rốt ráo và hiệu quả, giảm chi sẽ đáng kể.

Xin cảm ơn ông!

Một chính sách thuế phù hợp, ngoài dựa trên thực tiễn cuộc sống, cần phải nhìn về dài hạn. Nếu lo ngại giảm thu ngân sách mà tăng thuế là chưa vì lợi ích của người dân. Nguồn thu từ thuế TNCN ở Việt Nam không lớn, chỉ chiếm vài phần trăm trong tổng thu ngân sách. Trong khi có rất nhiều nguồn thu không thành tiền hoặc thành tiền mà cơ quan quản lý không đong đếm được.

Ông Cao Sỹ Kiêm Chuyên gia kinh tế