Thực tế, một điều đáng mừng được mong chờ từ rất lâu là số ca bệnh phải nhập viện vì TNGT do rượu, bia và ngộ độc rượu, bia đã giảm mạnh trong những ngày qua.
Nhiều người coi đây là bước ngoặt lớn của đời sống xã hội, cũng là bước ngoặt của mỗi người trong việc đấu tranh tư tưởng với chính mình “uống hay không uống”? Chưa khi nào mà vào buổi trưa hay ngày cuối tuần, vỉa hè, lòng đường nơi có nhà hàng, quán nhậu lại thông thoáng một cách lạ thường đến vậy, đặc biệt là trong thời điểm vào “vụ” tổng kết, tất niên, liên hoan, gặp mặt cuối năm như hiện nay. Nhiều người bày tỏ lo ngại kinh tế sẽ thất thu, bởi lượng tiêu thụ thực phẩm giảm mạnh, rượu, bia càng giảm hơn. Nhưng sức khỏe còn quan trọng hơn, sức khỏe của mỗi người cũng là sức khỏe của cả một dân tộc không gì có thể đánh đổi.
Một thực tế đáng báo động, rượu, bia là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây TNGT (60%); gây bạo lực gia đình, mất an toàn trật tự xã hội (30%). Có tới 70% người dân Việt Nam đều ít nhiều chịu tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của rượu, bia. Rượu được xác định có liên quan đến 200 loại bệnh, là loại “độc chất” gây nhiều bệnh nhất trong các chất nguy hại cho sức khỏe, có thể gây nên rối loạn lo âu, trầm cảm, hoang tưởng, kích động, tâm thần… Đã có quá nhiều cái chết đau lòng do TNGT, do bạo lực, nỗi đau từ rượu, bia đã làm bao nhiêu gia đình ly tán và gánh nặng bệnh tật không đếm xuể.
Điều đó dễ hiểu vì sao, Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia ra đời lại nhận được sự ủng hộ rất lớn từ xã hội, đặc biệt là phái nữ. Nếu không có những biện pháp hạn chế sự sẵn có của rượu, bia, nghiêm cấm điều khiển phương tiện giao thông khi cơ thể có nồng độ cồn thì sẽ còn thêm nhiều gia đình bị tước đi niềm vui sum họp, đoàn tụ, sẽ còn nhiều đứa trẻ mồ côi bơ vơ....
Thông tin từ các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội như: Xanh Pôn, Bạch Mai, Việt Đức, lượng bệnh nhân nhập viện do TNGT trong một tuần nay giảm 50%, trong đó số ca tai nạn liên quan đến rượu, bia chỉ chiếm 5 - 11% trong số bệnh nhân TNGT. Số liệu từ Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội cũng cho thấy, nếu như trước đây, trung bình mỗi ngày trung tâm tiếp nhận khoảng 90 ca cấp cứu, trong đó có 20% là tai nạn do lái xe có nồng độ cồn thì từ ngày 1/1 đến nay, số vụ vụ TNGT do lái xe có nồng độ cồn chỉ chiếm 8,3%. Thậm chí, như Bệnh viện Thanh Nhàn, mấy ngày qua không có bệnh nhân nào nhập viện vì tai nạn giao thông do sử dụng rượu, bia.
Vậy là những biện pháp mạnh của Nghị định 100 đã đủ răn đe để có thể chặn đứng thứ đã “nhiễm” sâu vào máu của đại đa số người Việt. Qua theo dõi mạng xã hội cho thấy, người dân đồng thuận rất cao với những quy định khắt khe này, với niềm tin mạnh mẽ rằng, Tết này sẽ bình yên hơn, khi “ma men” khó có cơ hội để đe dọa người tham gia giao thông như trước, bạo lực cũng giảm.
Trước đó, chuyện cấm đốt pháo, bắt buộc đội mũ bảo hiểm, tưởng rằng rất khó khăn nhưng chúng ta đã làm được, dù cũng từng bị phản ứng mạnh. Chuyện cấm sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông tuy khó khăn hơn gấp bội, nhưng bước đầu đã thành công, hy vọng sẽ thành một nếp văn hóa của người dân: Đã uống rượu, bia là không lái xe.