Rất khó mua tại các nhà thuốc
Bộ Y tế đã cấp phép lưu hành 3 loại thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir điều trị Covid-19 nhưng đây là thuốc kê toa, chỉ bán theo đơn bác sĩ nên không phải ai cũng có thể mua được tại các nhà thuốc. Chị Phan Anh Thư (phường Vĩnh Phúc, Ba Đình, Hà Nội) có con gái nhiễm Covid-19 ra hiệu thuốc Long Châu gần nhà để mua thuốc kháng virus Molnupiravir. Nhưng do không có đơn thuốc của bác sĩ kê, cũng không có giấy tờ gì chứng mình con chị là F0 nên chị không thể mua được thuốc.
Tương tự, anh Trần Tuấn Dũng (45 tuổi, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) sau khi test nhanh tại nhà dương tính với SARS-CoV-2. Các hiệu thuốc tại Sơn Tây đều không bán Molnupiravir. Khi biết hệ thống nhà thuốc Long Châu bán thuốc này, anh đã nhờ người thân tại quận Hoàng Mai ra mua thuốc giúp nhưng kết quả là nhà thuốc không bán. “Nhà thuốc yêu cầu phải có chứng nhận F0 của y tế địa phương hoặc là có đơn thuốc do bác sĩ kê nhưng tôi mới bị nhiễm Covid-19, chưa khai báo gì nên chưa có giấy tờ” – anh Dũng nói.
Hiện nay, tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, hệ thống nhà thuốc Long Châu được bán thuốc điều trị Covid-19. Những ngày qua, nhu cầu mua thuốc của người dân tăng cao do F0 tăng. Hầu hết tại các nhà thuốc, người mua xếp hàng dài từ trong ra ngoài nhà thuốc. Tại đây, khi được hỏi, nhiều người không nắm rõ quy định mua thuốc Molnupiravir. Sau khi được nhân viên nhà thuốc hướng dẫn, nhiều người quay về xin xác nhận của địa phương. Có trường hợp ngậm ngùi bày tỏ: “Để xin được xác nhận của địa phương lâu vô cùng, vì giờ đâu đâu cũng quá tải F0, thôi đành mua chợ mạng, dù chưa biết chắc chất lượng, nguồn gốc có chuẩn không”.
Chợ mạng “muốn mua bao nhiêu cũng có”
Do nhu cầu thuốc trị Covid-19 tăng cao theo số ca nhiễm hàng ngày, mấy ngày qua, nhiều hội nhóm trên mạng xã hội, thuốc Molnupiravir được rao bán như rau. Bất kỳ ai cũng có thể mua được thuốc, mua bao nhiêu cũng có, giá cả cũng khác nhau.
Anh Phan Quang (Thanh Liệt, Thanh Trì) sau khi đăng hỏi mua thuốc Molnupiravir trên một group Facebook, lập tức nhận được hàng chục lời chào bán, không cần bất cứ giấy tờ kê đơn. Sau khi tham khảo nhiều loại thuốc của Nga, Ấn Độ, anh quyết định mua 5 hộp Molnupiravir của Việt Nam sản xuất gửi về quê, giá 250.000 đồng/hộp. Anh cho biết, tình hình dịch ở quê rất căng thẳng, xung quanh gia đình anh đều có người nhiễm. “Ở quê Đô Lương, Nghệ An, thuốc kháng virus khan hiếm nên tôi phải gửi cho gia đình, nhỡ ai nhiễm Covid-19 còn dùng. Thuốc chỉ có tác dụng trong 5 ngày đầu nhiễm bệnh nên tôi dặn người nhà khi phát hiện dương tính phải dùng luôn, tránh để biến chứng khó chữa”.
Những ngày qua, hoạt động mua bán thuốc kháng virus Molnupiravir trên các hội nhóm mạng xã hội nhộn nhịp, trong bối cảnh một số địa phương yêu cầu các nhà thuốc chỉ bán Molnupiravir cho F0 có đơn thuốc do bác sĩ cấp, trong khi chờ hướng dẫn từ Chính phủ, Bộ Y tế. Trên nhóm “Chợ thuốc Molnupiravir” với hơn 4.700 thành viên, tài khoản T.N rao bán thuốc kháng virus của Boston Việt Nam với giá 300.000 đồng/hộp mà "không cần kê đơn của bác sĩ". Tương tự, nhiều tài khoản khác cũng công khai bán buôn, bán lẻ các loại thuốc Molnupiravir.
Trong khi đó, các DN sản xuất thuốc khẳng định thời gian qua chỉ cung cấp thuốc theo hợp đồng cho các nhà thuốc, không bán lẻ ra thị trường. Thuốc được Bộ Y tế cấp phép khẩn cấp, bán trên thị trường từ 23/2, với điều kiện đây là thuốc kê toa, phải có chỉ định của bác sĩ. Những ngày đầu, người dân gặp khó với quy định này do tình trạng ca nhiễm mới tăng nhanh, F0 không thể tiếp cận được với nhân viên y tế để có được đơn chỉ định. Các nhà thuốc tìm cách tháo gỡ khó khăn cho người mua, chấp nhận bán thuốc cho trường hợp có giấy chứng nhận đang điều trị F0 của y tế địa phương hoặc có video tự test nhanh tại nhà dương tính.
Mới đây nhất, Bộ Y tế đề xuất Thủ tướng cho phép dùng video người dân tự quay quá trình test nhanh tại nhà làm cơ sở mua thuốc Molnupiravir, nhằm giải quyết quá tải cho hệ thống y tế. Do thuốc được cấp phép có điều kiện, khi sử dụng phải theo dõi chặt chẽ do có tác dụng phụ và nguy cơ tạo ra biến chủng mới, Bộ Y tế đề xuất các nhà thuốc, quầy thuốc chịu trách nhiệm kê đơn, bán Molnupiravir cho người dân, tổng hợp số liệu báo cáo trạm y tế hoặc trung tâm y tế địa phương hàng ngày.
Không phải ai cũng nên dùng
Theo Bộ Y tế, thuốc chứa Molnupiravir là thuốc mới, được cấp phép có điều kiện, là thuốc kê đơn, cần tiếp tục theo dõi về chất lượng, hiệu quả, an toàn của thuốc trong quá trình lưu hành. Việc sử dụng thuốc Molnupiravir cần phải có sự thăm khám, kê đơn và hướng dẫn của bác sĩ, nhân viên y tế. Để bảo đảm sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả, Bộ Y tế lưu ý, Molnupiravir được sử dụng để điều trị Covid-19 mức độ nhẹ đến trung bình ở người trưởng thành và có ít nhất một yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nặng.
Đối với phụ nữ có thai và cho con bú, Molnupiravir không được khuyến cáo sử dụng trong thời kỳ mang thai. Phụ nữ có khả năng mang thai nên sử dụng biện pháp tránh thai hiệu quả trong thời gian điều trị và trong 4 ngày sau liều Molnupiravir cuối cùng.
Cũng theo Bộ Y tế, Molnupiravir không được phép sử dụng cho bệnh nhân dưới 18 tuổi, vì có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của xương và sụn. Riêng với nam giới, Molnupiravir có thể ảnh hưởng đến tinh trùng, mặc dù rủi ro được coi là thấp. Vì vậy, nam giới hoạt động tình dục với phụ nữ có khả năng sinh đẻ nên sử dụng một phương pháp tránh thai tin cậy trong thời gian điều trị và ít nhất 3 tháng sau liều Molnupiravir cuối cùng.
Trong quá trình sử dụng thuốc Molnupiravir, nếu gặp phải bất kỳ phản ứng có hại nào của thuốc, cần thông báo ngay cho bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn và xử trí kịp thời.
Để bảo đảm an toàn cho người sử dụng và chấn chỉnh tình trạng vi phạm pháp luật trong kinh doanh thuốc điều trị Covid-19, Cục Quản lý dược đề nghị Sở Y tế các địa phương việc tăng cường các biện pháp quản lý đối với việc mua, bán, sử dụng thuốc điều trị Covid-19. Đồng thời tham mưu cấp có thẩm quyền, phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh, TP kiểm tra nhằm phát hiện, ngăn chặn các hoạt động mua, bán thuốc điều trị Covid-19 tại các địa điểm kinh doanh không được cấp phép theo quy định hoặc trên các nền tảng mạng xã hội và nền tảng trực tuyến khác, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm. Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm có dấu hiệu hình sự thì kịp thời lập hồ sơ chuyển sang cơ quan Công an để xử lý theo quy định.