Thuốc nào “hạ nhiệt” giá thức ăn chăn nuôi?

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu khiến ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN) trong nước bị động, đẩy giá thành sản phẩm liên tục tăng trong thời gian qua. Vì vậy, việc chủ động nguồn nguyên liệu trong nước là việc cần làm để ngành sản xuất TACN phát triển bền vững.

“Bắt mạch” giá cám tăng
Từ đầu năm tới nay giá TACN đã tăng tới 9 lần, ảnh hưởng không nhỏ đến việc sản xuất của nông hộ, nhất là khi giá gia cầm, giá lợn giảm sâu thời gian qua. Trong bối cảnh cần đẩy mạnh sản xuất chăn nuôi sau dịch Covid-19, giá TACN luôn ở mức cao, gây khó cho việc tái đàn. Mổ xẻ nguyên nhân khiến giá TACN liên tục tăng, các nhà quản lý và DN cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến giá cước vận tải nguyên liệu tăng cao, khan hiếm hàng. Nhưng nguyên nhân sâu xa chính là chúng ta đang quá phụ thuộc và nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
 Thức ăn chăn nuôi chiếm tới 65% giá thành sản phẩm vật nuôi
Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Tống Xuân Chinh cho biết, Việt Nam hiện đang là quốc gia đứng thứ 10 thế giới và số 1 khu vực về sản lượng TACN công nghiệp. Tuy nhiên, ngành TACN công nghiệp nước ta vẫn phải phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài. Chỉ tính riêng trong 9 tháng năm 2021, tổng nguyên liệu nhập khẩu trên 15,9 triệu tấn (chưa bao gồm nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản), tương ứng với 5,8 tỷ USD. Trong đó, thức ăn giàu năng lượng đạt trên 9,8 triệu tấn, tương ứng 2,61 tỷ USD; thức ăn giàu đạm đạt 5,66 triệu tấn, tương ứng với 2,53 tỷ USD; thức ăn bổ sung đạt 0,42 triệu tấn, tương ứng 0,66 tỷ USD.
Chính vì thế, Nghị quyết 128 mới ban hành của Chính phủ về quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” đã nhấn mạnh, ngành nông nghiệp cần phải tìm nguồn nguyên liệu trong nước để sản xuất TACN, giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.
Chia sẻ dưới góc độ một “ông lớn” trong ngành chăn nuôi và sản xuất TACN, Phó Giám đốc Công ty Chăn nuôi C.P Việt Nam Vũ Anh Tuấn cho biết, chi phí thức ăn chăn nuôi đang chiếm 65% giá thành sản xuất thịt gà, thịt lợn. Vì vậy, việc giá cám lên cao đang gây khó khăn cho người chăn nuôi tái đàn, duy trì sản xuất. Trong công thức sản xuất TACN có ngô chiếm 45%, khô đậu 20%, lúa mì 5%, cám gạo và tấm 10%... Tuy nhiên, từ tháng 9/2020 đến nay, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng khoảng 30%, kèm theo giá cước vận tải tăng phi mã, gây áp lực cho DN.
Ông Tuấn đưa ra con số cụ thể, nếu trước dịch Covid-19, cước vận chuyển ngô từ Nam Mỹ về Việt Nam chỉ dao động 40 USD/tấn thì nay tăng lên 120 USD/tấn (tăng 3 lần). Với giá ngô là hơn 5.000 đồng/kg, thì cứ mỗi kg ngô phải gánh thêm 2.000 đồng tiền cước vận chuyển, chiếm gần 30% giá thành sản phẩm.
Đưa ra quan điểm về vấn đề này, Giám đốc Công ty CP kinh doanh thuốc thú y Amavet Nguyễn Văn Bách cho rằng, trong bối cảnh hội nhập, mấu chốt của ngành chăn nuôi là giảm giá thành sản phẩm để có thể cạnh tranh với các thị trường khác. Tuy nhiên, ngành sản xuất TACN trong nước đang phải “ăn đong” nên bị lệ thuộc và giá thành sản xuất cao. “Nghịch lý hiện nay, Việt Nam là nước nông nghiệp nhưng 90% nguyên liệu sản xuất TACN phải nhập khẩu. Bên cạnh đó, nước ta cũng có đường bờ biển dài hơn 3.000km nhưng vẫn phải mua bột cá từ nước ngoài. Vì vậy, chúng ta cần phải phát huy lợi thế để giảm lệ thuộc” – ông Nguyễn Văn Bách nêu quan điểm.
 Chủ động tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ phục vụ chăn nuôi
Tăng tính chủ động trong sản xuất
Thời gian qua, để giải quyết những khó khăn vì giá TACN tăng cao, nhiều nhà chăn nuôi đã tự xoay sở tìm cách tận dụng nguồn nguyên liệu để tự phối trộn phục hồi sản xuất.
Chị Cấn Thị Quy ở Đường Lâm, Sơn Tây hiện đag nuôi 80.000 gà thịt. Từ ngày giá cám lên cao, thay vì cho gà ăn thức ăn công nghiệp thì nay chị chuyển sang dùng thức ăn tự phối trộn. Theo chị Quy, lựa chọn này giúp giảm 15% chi phí so với chăn công nghiệp đơn thuần.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Lâm ở Cấn Hữu, Quốc Oai đã bắt đầu học cách tự phối trộn thức ăn cho đàn vật nuôi của gia đình khi cám tăng giá. Tuy nhiên, theo ông Lâm, cám tự phối trộn chỉ phù hợp vật nuôi ở giai đoạn lợn choai, còn đối với lợn con và lợn đẻ thì yêu cầu dinh dưỡng phức tạp hơn, nên cám tự phối trộn sẽ không đảm bảo. Mặt khác, giá nguyên liệu mua để phối trộn cũng tăng khá cao.
Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Tống Xuân Chinh cho biết, để hạ giá thành TACN, Bộ NN&PTNT đã có văn bản gửi Chính phủ về đề xuất giảm thuế nhập khẩu TACN. Cụ thể, ngô từ 5% xuống 3%; đậu tương từ 3% xuống 0%.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 128/NQ-CP, liên quan đến việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu trong nước để sản xuất TACN, Bộ đã đang xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ về hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2021 – 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1520/QĐ-TTg ngày 6/10/2020 với 5 đề án. Trong đó, đề án công nghiệp hóa sản xuất TACN sẽ đưa ra những giải pháp tổng thể để đổi mới ngành này, với những giải pháp nhằm giảm một phần nguyên liệu TACN nhập khẩu.
Đóng góp thêm giải pháp làm giảm giá thành TACN, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Hạ Thúy Hạnh rằng, về lâu về dài, vấn đề mấu chốt là cần tìm giải pháp để chủ động nguyên liệu phục vụ cho sản xuất TACN. Hiện nay Việt Nam còn cần 8 triệu tấn ngô sinh khối cho đàn trâu, bò. Đây chính là dư địa để các địa phương tận dụng, có thể đẩy mạnh sản xuất, giảm lượng nhập khẩu. Nhưng để làm được việc này, chúng ta cần phải có các quỹ đất để phát triển, cần thêm các chính sách hỗ trợ để hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu lớn. 
Cũng theo bà Hạ Thúy Hạnh, hiện nay mỗi năm chúng ta đang có khoảng 160 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp, thủy sản có thể tận dụng nguồn đầu vào để thực hiện nông nghiệp tuần hoàn. Vì vậy cần xây dựng chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân, các mô hình liên kết sản xuất, đầu tư công nghệ, cơ giới hóa đồng bộ để thu gom, sơ chế, bảo quản làm TACN.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần