Hà Nội vừa điều chỉnh tổ chức giao thông dựa trên tình hình thực tế, bao gồm cả điều kiện hạ tầng lẫn lưu lượng phương tiện, tại một số điểm “đen” ùn tắc như: Ngã Tư Sở, Nguyễn Chánh - Trần Duy Hưng, Vũ Trọng Khánh - Tố Hữu...
Kết quả những ngày đầu sau điều chỉnh rất tích cực, ùn tắc giao thông trên những tuyến trọng điểm này đã được giảm thiểu rõ rệt. Điều đó cho thấy, điều chỉnh tổ chức giao thông theo tình hình thực tế có thể coi là liều thuốc tăng lực cấp thời cho Hà Nội.
Trước khi điều chỉnh, Sở GTVT Hà Nội đã khảo sát, đo đếm lưu lượng phương tiện tại các nút giao nêu trên. Những con số mang tính chính xác cao đã giúp cơ quan chức năng đưa ra được phương án tối ưu nhất cho từng hướng lưu thông qua nút. Dựa trên cơ sở tính toán thực tế, chắc chắn, việc tổ chức lại giao thông đã phát huy hiệu quả gần như ngay lập tức. Trong khi đó, việc đầu tư xây dựng mới, hay nâng cấp mở rộng mỗi tuyến đường, cây cầu tại Hà Nội đều cần nhiều tháng, nhiều năm, tốn phí hàng nghìn tỷ đồng.
Với quy mô đô thị ngày càng lớn, nhu cầu giao thông tăng nhanh từng ngày, việc phát triển hệ thống hạ tầng là tối quan trọng, nhưng rõ ràng có muốn cũng không thể nhanh chóng phát huy hiệu quả. Bởi vậy TP cần những liều thuốc tăng lực nhanh, mạnh như điều chỉnh tổ chức giao thông; ứng dụng công nghệ thông tin vào điều hành, quản lý giao thông…
Tuy không giải quyết được tất cả vấn đề giao thông trên quy mô lớn, nhưng những giải pháp này cũng mang lại hiệu quả, tích cực lâu dài không kém. Mặt khác, khi ùn tắc giảm, áp lực dư luận theo đó giảm đi, tạo thêm động lực cho TP kiên trì với mục tiêu phát triển hệ thống hạ tầng giao thông bài bản, đủ năng lực đáp ứng nhu cầu thực tế.
Từ những tín hiệu tích cực ban đầu trong việc điều chỉnh tổ chức giao thông, Sở GTVT Hà Nội và các đơn vị chức năng cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu một cách bài bản, chắc chắn để tiếp tục cải thiện giao thông, đặc biệt trong khu vực nội thành. Phương án điều chỉnh đối với từng nút giao, tuyến đường phải dựa trên việc đo đếm lưu lượng, tính toán chính xác tối đa áp lực lưu thông.
Tuy nhiên, điều đáng buồn là trong khi cơ quan chức năng nỗ lực tìm mọi cách để giảm thiểu ùn tắc, không ít người dân lại ngày càng vô ý thức khi tham gia giao thông.
Đơn cử như tại Ngã Tư Sở, ngay ngày đầu tổ chức lại giao thông, cấm đi thẳng từ Nguyễn Trãi sang Tây Sơn, hàng đoàn xe máy nườm nượp đi ngược chiều, cắt qua nút giao, gây mất trật tự ATGT nghiêm trọng. Và dám chắc trong số những người ý thức rất kém đó, có không ít vẫn hàng ngày ra rả kêu ca, trách móc những người làm giao thông, chính quyền TP trên mạng xã hội. Những kẻ ích kỷ đó cần bị phạt nặng, thậm chí là lên án để giữ gìn kỷ cương, trật tự trong cộng đồng xã hội.
Ngoài ra, một trong những biện pháp giảm ùn tắc rất hữu hiệu nhưng lâu nay vẫn chưa được làm đến nơi đến chốn là giải toả lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, hành lang giao thông cần được thực hiện rốt ráo. Hà Nội dường như “bó tay” trước những vi phạm này quá lâu, lâu đến nỗi với không ít người dân, lề đường, vỉa hè đã không còn là một bộ phận của kết cấu hạ tầng giao thông, mà trở thành của riêng, thành nơi kiếm tiền bất chấp ảnh hưởng đến cả cộng đồng xã hội.