Thuốc tiên hay thuốc độc?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi đang chờ đợt giải ngân đầu tiên trong gói cứu trợ 86 tỷ Euro đạt được vào hồi đầu tháng 7, chính trường Hy Lạp tiếp tục dậy sóng với những bất đồng trong nội bộ đảng cầm quyền.

Thủ tướng Hy Lạp đã chấp nhận đánh cược số phận chính trị để thông qua gói cải cách khắc nghiệt.
Thủ tướng Hy Lạp đã chấp nhận đánh cược số phận chính trị để thông qua gói cải cách khắc nghiệt.
Để đạt được thỏa thuận cứu trợ thứ 3 này, Thủ tướng Alexis Tsipras đã đi ngược lại cam kết chống thắt lưng buộc bụng từ khi lên nắm quyền. Thỏa hiệp với các chính sách kham khổ của chủ nợ đã khiến ông vấp phải làn sóng phản đối từ chính đảng cầm quyền Syriza. Một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm diễn ra trong tuần này nhiều khả năng thúc đẩy một cuộc bầu cử sớm. Theo đó, để đạt được số phiếu tín nhiệm đa số, Thủ tướng Hy Lạp sẽ phải đặt cược số phận chính trị vào các nghị sĩ đảng đối lập bởi tỷ lệ ủng hộ trong đảng Syriza nhiều khả năng sẽ không đủ để giúp ông giữ được chiếc ghế Thủ tướng. Do vậy, có thể nói, Thủ tướng Tsipras đã chơi một canh bạc liều lĩnh để đổi lấy sự ủng hộ của các nghị sĩ với chương trình cải cách, mở đường để chủ nợ thông qua gói cứu trợ.

Dù chủ nợ chưa quyết định giải ngân gói cứu trợ nhưng các chuyên gia cho rằng, khoản tiền 86 tỷ Euro sẽ trở thành liều thuốc tiên hay thuốc độc đẩy Hy Lạp tiếp tục lún sâu vào nợ nần sẽ phụ thuộc rất lớn vào những nỗ lực cải cách kinh tế của chính quyền Athens. Để huy động thêm nguồn lực tài chính, Athens phải thực hiện những cải cách kinh tế sâu rộng, thậm chí có phần khắc nghiệt như hủy bỏ chế độ hưu sớm, tăng thuế kinh doanh, thúc đẩy tư nhân hóa. Bên cạnh đó, Hy Lạp phải bán bớt khối tài sản ước tính trị giá hơn 50 tỷ Euro nhằm trả lại tiền cứu trợ và tái cấp vốn hệ thống ngân hàng. Việc Hy Lạp chấp nhận chuyển nhượng quyền khai thác 14 sân bay để đổi lấy gần 1,4 tỷ USD là bước đi đầu tiên trong thực hiện cam kết tái cơ cấu nền kinh tế với các chủ nợ.

Những biện pháp này có thể giúp Hy Lạp giảm chi tiêu công và tái cấp vốn tức thời, tạo niềm tin cho các chủ nợ. Tuy nhiên, khủng hoảng nợ Hy Lạp kéo dài nhiều năm đã gây ra những tác động tiêu cực và ăn mòn sức đề kháng của nền kinh tế này và rất khó để hồi phục trong ngắn hạn. Ngoài biện pháp xóa nợ hoặc thực hiện tái cơ cấu giảm thiểu số nợ hiện tại, sẽ rất khó để giải quyết núi nợ công chỉ nhờ các biện pháp thắt lưng buộc bụng. Tăng trưởng kinh tế vốn mong manh của Hy Lạp có thể bị tác động tiêu cực bởi các biện pháp chi tiêu khắc khổ mới, và việc đạt được thỏa thuận cứu trợ chỉ là bước khởi đầu của một hành trình gian khổ. Với những lý do này, hoàn toàn có thể hiểu được vì sao IMF – một trong 3 chủ nợ của Hy Lạp đã tìm cách thoái lui khỏi tiến trình giải cứu Athens lần này.

Về phía Hy Lạp, bên cạnh thực hiện những chính sách kham khổ mới, chính quyền xứ sở các vị thần cần khắc phục những điểm yếu như quan liêu, tham nhũng, thúc đẩy đa dạng hóa nền kinh tế vốn khép kín trong khu vực công để có thể tự đứng trên đôi chân của mình sau nhiều năm dựa dẫm vào những đồng tiền cứu trợ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần