Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Thuốc&Dinh dưỡng] Bài thuốc điều trị liệt dương thể âm hư

BS Nguyễn Phú Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo y học cổ truyền, để chữa bệnh chứng âm hư trong liệt dương, xuất tinh sớm hay chứng dương, mục tiêu cuối cùng là đưa thể trạng vào sự cân bằng âm - dương. Đông y cho rằng, nếu phần âm của cơ thể nam giới bị hư tổn thì dương sự cũng theo đó mà sa sút và sẽ dẫn đến liệt dương, tại vì âm dương có quan hệ chặt chẽ với nhau, trong âm có dương, trong dương có âm.

Người bị liệt dương thể âm hư do nhiều nguyên nhân gây nên như bị tà khí nhiệt táo xâm nhập, ăn uống quá nhiều đồ cay nóng, rối loạn tình chí, phòng sự quá độ, lạm dụng các thuốc táo nhiệt... khiến cho tân dịch hao tổn, âm dịch hư suy. Biểu hiện của chứng âm hư thường là người gầy, da khô, dung nhan tiều tụy, miệng khô họng khát, thích uống nước lạnh, hay có cảm giác sốt nóng về chiều, lòng bàn tay và bàn chân nóng, vã mồ hôi trộm, đầu choáng mắt hoa, tiểu tiện sẻn đỏ, đại tiện táo kết, chất lưỡi đỏ khô, ít hoặc không có rêu lưỡi...

 

Các trường hợp dương nuy do âm hư như trên thường kèm theo chứng “tảo tiết” (xuất tinh sớm) và các biểu hiện toàn thân như người gầy, da khô, mệt mỏi, tinh thần khó tập trung, thần kinh căng thẳng, hay quên, bồn chồn, lo sợ vô cớ, ra mồ hôi trộm, lưng đau gối yếu, gót chân đau nhức, chất lưỡi đỏ, mạch nhanh nhỏ…

 

Để điều trị chứng bệnh dương nuy này, bài thuốc phải bồi bổ ba tạng: Thận, Tâm, Can. Tâm tốt thì trí não quân bình, năng lực phương cương, sức lực bền dai, tinh trùng mới đủ sức bơi ngược dòng tử cung để thụ thai. Can thuộc hành mộc chủ về cân tức là gân. Cân khỏe thì gân mới đủ sức cương cử mà hành sự.

 

Theo y học cổ truyền, Thận là một trong những tạng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trạng thái con người như thế nào phần lớn đều do Thận quyết định. Thận có ý nghĩa nhiều về sự phát dục, trưởng thành, thọ yểu của con người. Y học cổ truyền đánh giá rất cao vai trò của thận khí, coi đây là nhân tố quyết định sự sinh trưởng phát dục cho đến sự sinh nòi đẻ giống sau này của cơ thể. Thận khí thịnh và đầy đủ thì răng bền, tóc tốt, gân xương cứng vững chắc, kinh nguyệt đầy đủ, tinh khí dồi dào... Thận khí suy kiệt thì răng rụng, tóc khô, thân thể hao mòn, kinh nguyệt không còn, tinh khí cạn kiệt... Bởi thế, Hải Thượng Lãn Ông trong cuốn “Châu ngọc cách ngôn” đã viết: “Thận là cội nguồn của tạng phủ, là gốc rễ của 12 kinh mạch, là cơ sở của sinh mệnh, là bể chứa tinh huyết”.

 

Bài thuốc điều trị thận âm hư: Thục địa 320g, hoài sơn 240g, sơn thù 200g, đơn bì 120g, trạch tả 120g, bạch linh 160g, nhục quế 40g, nhục thung dung 200g, lộc nhung 120g, kỷ tử 160g. Trong đó: Thục địa, nhục thung dung, kỷ tử: bổ thận, sinh tinh; lộc nhung bổ tinh huyết. Các vị thuốc khác có tác dụng hỗ trợ bổ thận cường dương, sinh tinh huyết. Bài thuốc này dùng để ngâm rượu uống, hoặc làm hoàn mềm.

 

Trong bài thuốc trên, đáng lưu ý nhất là hai vị nhục thung dung và thục địa. Theo Đông y, nhục thung dung có vị ngọt, mặn, tính ấm; vào 2 kinh thận, đại tràng; có tác dụng bổ thận, ích tinh, nhuận táo, hoạt tràng. Chủ trị nam giới liệt dương (dương nuy), nữ giới không có thai, đới hạ (nhiều khí hư), băng lậu, lưng gối lạnh đau, cơ bắp không có sức, huyết khô tiện bí (táo bón do huyết khô).

 

Các kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, hàm lượng hoạt chất sinh học trong nhục thung dung rất phong phú, có tác dụng như một loại hormon sinh dục, có khả năng kích thích và điều tiết hoạt động của tuyến thượng thận. Trong khi đó, thục địa bổ thận, điều tinh, sinh huyết, là “thuốc thánh”, để bổ âm là đầu vị.

 

Bài thuốc này bồi dưỡng ngũ tạng, cường dương và đặc biệt là sinh tinh, làm cho tinh khí mạnh mẽ. Do vậy, bài thuốc vừa giúp cho nam giới thỏa mãn trong chốn phòng the vừa có khả năng sinh tinh để có thể giúp thụ thai nếu bị hiếm muộn.