Bài viết xin giới thiệu một số vị thuốc Nam dưỡng tâm an thần thường được phối hợp trong bài thuốc hạ áp. Trong bài viết trước, tôi cũng đã giới thiệu các vị thuốc có công dụng tương tự như: Toan táo nhân, củ bình vôi, vông nem, bá tử nhân, lạc tiên.
Liên tâm (Embryo Nelumbinis): Tâm sen là cây mầm lấy từ hạt cây Sen (Nelumbo nucifera Gaertn.), họ Sen (Nelumbonaceae). Tâm sen dài khoảng 1cm, rộng khoảng 0,1cm, phần trên là chồi mầm màu lục sẫm, gồm 4 lá non gấp vào trong. Phần dưới là rễ và thân mầm hình trụ màu vàng nhạt, mặt cắt ngang có nhiều lỗ hổng (xem bằng kính lúp). Trong liên tâm có Nelumbin vị rất đắng có tác dụng trấn tĩnh, bình tĩnh dục tính. Dịch chiết Liên tâm có tác dụng cường tim, hạ huyết áp. Liều dùng: 2 - 4g
Liên diệp (Folium Nelumbinis): Bánh tẻ đã bỏ cuống, phơi hoặc sấy khô của cây Sen (Nelumbo nucifera Gaertn.), họ Sen (Nelumbonaceae). Lá nguyên tròn, nhăn nheo, nhàu nát, đường kính 30 - 60cm, mặt trên màu lục tro, hơi nháp, mặt dưới màu lục nâu nhẵn bóng, mép nguyên, ở giữa lá có vết tích của cuống lá lồi lên màu nâu. Lá có từ 17 - 23 gân tỏa tròn hình nan hoa. Gân lồi về phía mặt dưới lá. Lá giòn, dễ vụn nát, có mùi thơm. Nelumbin vị rất đắng có tác dụng trấn tĩnh, bình tỉnh dục tính. Liều dùng : 15 - 20g.
Viễn Chí (Radix Polygalae): Rễ phơi hay sấy khô của cây viễn chí lá nhỏ (Polygala tenuifolia Willd.) hay cây viễn chí Xiberi tức viễn chí lá trứng (Polygala sibirica L.), họ Viễn chí (Polygalaceae). Rễ đã bỏ lõi gỗ hình ống hoặc từng mảnh, thường cong queo, dài 5 - 15cm, đường kính 0,3 - 0,8cm, đầu rễ có khi còn sót phần gốc thân, mặt ngoài màu xám hoặc xám tro, có những nếp nhăn và đường nứt ngang, các vết nhăn dọc nhỏ, vết rễ nhánh như núm nhỏ. Mặt cắt ngang có lớp vỏ màu nâu nhạt, ruột rỗng (đã bỏ gỗ). Đối với rễ chưa bỏ lõi gỗ, khi cắt ngang thấy lớp gỗ trắng xám và có chỗ rách. Lớp vỏ dễ tách khỏi gỗ. Vị đắng, hơi cay, kích thích khi nhấm. Viễn chí có tác dụng trừ đờm rất tốt, phần lõi không tác dụng. Dịch chiết acid gây co bóp tử cung của chó, mèo trên tử cung nguyên vẹn hay cô lập, có thai hay không có thai. Vỏ rễ có tác dụng làm tan máu. Vỏ và lõi có tác dụng an thần, chống co giật. Chủ trị: định tâm, an thần, ích trí, tán uất hóa đờm, tiêu ung thũng; An thần, ích trí: dùng trong trường hơp tâm thần bất an do tâm huyết kém, mất ngủ, hay quên, chóng mặt, tinh thần thất thường, có thể phối hợp với Táo nhân. Liều dùng: 8 - 12g.
Thảo quyết minh (Semen Cassiae torae): Hạt già đã phơi hay sấy khô của cây thảo quyết minh còn gọi là quyết minh, Muồng (Senna tora (L.) Roxb.; Syn. Cassia tora L.), họ Đậu (Fabaceae). Hạt hình trụ, đôi khi hình tháp, hai đầu vát chéo, dài 3 - 6 mm, rộng 1 - 2,5mm. Mặt ngoài màu nâu nhạt hay lục nâu, bóng. Bốn cạnh bên thường nổi rõ thành đường gờ, một đường gờ nhô lên thành ngấn. Thể chất cứng, khó tán vỡ. Cắt ngang thấy nội nhũ màu xám trắng hay vàng nhạt, lá mầm màu vàng hay nâu nhạt. Không mùi, vị hơi đắng. Chủ trị: thanh can hỏa, ích thận, trừ phong nhiệt; Thanh can minh mục, giải uất nhiệt tại kinh can: dùng trị đau mắt đỏ, sợ ánh sáng, nhiều nước mắt, làm sáng mắt khi mắt bị mờ, ngoài ra còn dùng khi can hỏa dẫn đến đau đầu; Bình can hạ áp: dùng trong bệnh cao huyết áp, phối hợp cúc hoa, hoa hòe; an thần: Dùng khi thần kinh căng thẳng dẫn đến mất ngủ, phối hợp táo nhân, lá vông. Liều dùng: 20 - 40g.
Phục thần (Poria): Dùng nấm ký sinh rễ cây Thông Poria cocos (Schw.) Wolf. Họ Nấm lỗ Polyporaceae. Phục thần là phần nấm có lõi gỗ, rễ Thông xuyên qua. Chủ trị: an thần định chí, dùng khi tâm thần bất an, tim loạn nhịp, hồi hộp, mất ngủ, hay quên. Liều dùng: 4 - 12g.
Lưu ý: Có nhiều thuốc an thần mà việc chọn lựa sẽ tùy theo vào sự chỉ định điều trị. Chỉ có thầy thuốc là người am hiểu mới chọn thuốc thích hợp. Trong điều trị, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ đúng liệu trình dùng thuốc do bác sĩ chỉ định