Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Thuốc&Dinh dưỡng] Chế độ ăn cho phụ nữ sau sinh

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hạnh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đầu tiên phải khẳng định: Kiêng khem ăn uống sau sinh do sợ tăng cân hoặc ăn thật nhiều để mong muốn có sữa cho con bú khiến nhiều bà mẹ trẻ gặp một số vấn đề về sức khỏe. Vậy phải ăn uống như thế nào sau khi sinh?

Sau khi sinh, người phụ nữ có tình trạng thiếu máu do mất máu trong cuộc sinh vì vậy cần được bồi bổ sức khỏe. Ngoài ra với việc cho con bú, mẹ cũng cần được tăng cường cung cấp thực phẩm giàu dinh dưỡng. Người mẹ không nên kiêng khem sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sữa cho con bú, sức khỏe của cả mẹ lẫn bé.

 

Bữa ăn cần cung cấp đủ năng lượng và đảm bảo dinh dưỡng. Thực phẩm nên đa dạng, phong phú và đủ các nhóm chất đạm như thịt, cá, hải sản, các loại đậu; chất béo như mỡ động vật, dầu thực vật, phô mai; bột đường như cơm, phở, bánh mì, bún; vitamin, khoáng chất và chất xơ trong rau, củ quả và trái cây…

 

Người mẹ cũng cần ăn nhiều thực phẩm giàu chất đạm, chất sắt như: Thịt bò, thịt lợn, gan, huyết, trứng, các loại rau lá xanh đậm như rau dền, mồng tơi, bồ ngót; các loại đậu và thực phẩm giàu canxi như trứng, cá nhỏ, tép nhỏ, sản phẩm từ sữa…

 

Khi cho con bú mẹ, nhu cầu năng lượng cao hơn trước khi có thai khoảng 400 - 500Kcal, tương đương: 1 chén (bát) cơm + 1 cốc sữa; hoặc chén chè đậu và nửa cái bánh bao; hoặc 1 suất trái cây + 1 chén cơm; hoặc 3 cuốn gỏi tôm thịt…

 

Khi chế biến cho phụ nữ sau sinh nên thay đổi thực đơn để tăng khẩu vị tránh chế biến quá đơn điệu như là kho mặn, luộc dễ làm chán ăn. Nên tránh ăn thức ăn lạnh hoặc chế biến không chín kỹ.

 

Ăn đầy đủ dinh dưỡng, uống đủ 2 - 3 lít nước mỗi ngày, ngủ đủ giấc sẽ giúp sản phụ tinh thần thoải mái, có nhiều sữa cho con bú. Sự phát triển tốt của bé là niềm hạnh phúc của mỗi gia đình.

 

Phụ nữ sau sinh có tình trạng thiếu máu, suy nhược cơ thể nên có cảm giác lạnh. Chế độ ăn bổ sung các chất dinh dưỡng giàu đạm, sắt kèm uống bổ sung viên sắt đến 1 tháng sau sinh giúp tăng tạo máu cải thiện tình trạng lạnh do thiếu máu. Nhiều người thắc mắc, trong đường hợp này có nên dùng các loại gia vị cay nóng như ớt, tiêu, gừng hay không.

 

Xin trả lời: Ớt chứa thành phần hoạt tính capsaicine có tính cay hăng mà khi ăn tạo cảm giác nóng cho miệng, lưỡi, cổ họng, kích thích bài tiết ở dạ dày có thể làm nặng tình trạng viêm loét ở người có tiền căn đau dạ dày. Sử dụng ớt chỉ một chút làm tăng vị giác không nên ăn nhiều và thường xuyên, đặc biệt ở người có bệnh lý dạ dày.

 

Tiêu có vị cay nóng, khi dùng ở lượng nhỏ tăng dịch vị, kích thích tiêu hóa ăn ngon, nhưng dùng nhiều gây kích thích niêm mạc dạ dày gây sung huyết và có thể làm nặng tình trạng viêm loét dạ dày sẵn có, táo bón…

 

Gừng có vị cay, có tác dụng giúp làm ấm cơ thể chống lạnh, tăng cường miễn dịch niêm mạc ruột. Tương tự nghệ cùng họ gừng, có tác dụng thông kinh, trị huyết ứ, bế kinh, kinh nguyệt không đều, lợi gan mật, sát trùng. Phụ nữ sau sinh có thể dùng gừng, nghệ trong chế biến thức ăn thường xuyên giúp ấm cơ thể và tăng cường miễn dịch cho niêm mạc ruột.

 

Chú ý hạn chế những thức uống có cồn như rượu, bia; thức uống có tính kích thích như cà phê, trà đặc; các loại gia vị ớt, tiêu và gia vị quá nồng như hành, tỏi. Các loại thức ăn này sẽ làm thay đổi mùi vị sữa, trẻ có thể bỏ bú hoặc bị táo bón.