Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Thuốc&Dinh dưỡng] Long nhãn dưỡng huyết, ích trí

Bác sĩ Nguyễn Phú Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mùa nhãn chín đang đến gần, mùa thi cũng sắp đến. Thật trùng hợp vì đây là loại quả có tác dụng dưỡng huyết, ích trí thần diệu. Sách “Thần Nông bản thảo kinh” gọi trái nhãn là “Ích trí quả. Mùa nhãn tiếp sau mùa vải, nên còn có tên là “Lệ chi nô” (lệ chi là quả vải, nô là kẻ theo hầu)...

Vị thuốc “long nhãn nhục hay long nhãn” trong Đông y là áo hạt phơi hay sấy khô nửa chừng của quả nhãn. Trong sách thuốc Đông y, long nhãn nhục thuốc nhóm thuốc bổ huyết, cùng thục địa hoàng, hà thủ ô, đương quy, bạch thược...
Long nhãn có tác dụng chống lão suy vì trong cùi có flavoprotein - một hoạt chất có tác dụng tăng cường hoạt tính của các tế bào thần kinh não; trong cùi nhãn còn có vitamin PP, một chất có tác dụng làm tăng độ bền và độ đàn hồi của mạch máu, giúp cho quá trình tuần hoàn máu trở nên tốt hơn.
Ảnh minh họa.
Theo nghiên cứu của dược lý học hiện đại, long nhãn có tác dụng giúp cơ thể nâng cao năng lực chịu đựng trong điều kiện thiếu oxy, gia tăng trọng lượng của các cơ quan miễn dịch, kháng khuẩn, phòng ngừa ung thư và làm chậm quá trình lão hóa.
Long nhãn được y học cổ truyền sử dụng dưới nhiều dạng như thuốc sắc, thuốc cao, thuốc hoàn, rượu thuốc..., riêng rượu thuốc có thể ngâm phối hợp với các vị thuốc khác. Trong "Diên linh tửu", long nhãn được ngâm cùng kỷ tử, đương quy, bạch truật và đậu đen; trong "Diên thọ tửu" được ngâm cùng quế hoa và đường trắng. Thông thường, nếu dùng độc vị có thể ngâm từ 150 - 200g long nhãn trong 1 lít rượu trắng, sau 15 ngày là dùng được, mỗi ngày dùng 2 lần, mỗi lần dùng từ 15 - 20ml.
Ngoài ra, về mặt thực dưỡng, chè long nhãn cũng là món ăn ngon, giúp bồi bổ cơ thể, tăng cường trí lực.
Nhiều bài thuốc cổ phương cũng như tân phương có dùng long nhãn như một vị thuốc bổ huyết công hiệu. Trong thực tế chữa bệnh, tôi thường dùng long nhãn trong bài Quy tỳ thang thể bổ cả Tâm lẫn Tỳ cho những bệnh nhân hiếm muộn - vô sinh.
Bài thuốc: Táo nhân (sao đen) 12g, nhân sâm 12g, bạch truật (sao vàng) 12g, chích hoàng kỳ 12g, đương quy 12g, long nhãn 12g, mộc hương 8g, phục thần 12g, viễn chí 12g, chích cam thảo 8g, đại táo 5 trái. Bài thuốc này được làm hoàn mềm.
Trong đó, nhân sâm có tác dụng “bổ ngũ tạng, an tinh thần, định hồn phách” để bổ khí sinh huyết, dưỡng tâm ích tỳ. Long nhãn bổ ích tâm tỳ, dưỡng huyết an thần. Hoàng kỳ, bạch truật giúp nhân sâm ích khí kiện tỳ. Đương quy giúp long nhãn dưỡng huyết bổ tâm. Phục thần, viễn chí, táo nhân để ninh tâm, an thần. Mộc hương để lý khí tĩnh tỳ, phối hợp với thuốc bổ khí dưỡng huyết làm cho bổ mà không nê trệ ở vị. Cam thảo ích khí bổ trung, điều hòa các vị thuốc.
Bài thuốc chủ yếu dùng vị ngọt ấm ích khí, bổ trợ các vị dưỡng huyết, an thần, lý khí. Tâm tỳ đồng trị nên trọng dụng bổ tỳ, khí huyết cùng bổ nên trọng dụng ích khí. Tỳ khí vượng thịnh thì huyết có nơi sinh, huyết có nơi nhiếp; huyết mạch sung túc thì thần có nơi trú ngụ, huyết có nơi để quy tụ. Cho nên bài thuốc này được gọi là bài “Quy tỳ thang”.