[Thuốc&Sức khỏe] Ngộ độc rượu và cách xử lý

Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Số lượng các ca nhập viện cấp cứu liên quan đến ăn uống cũng như sử dụng bia rượu tăng mạnh qua các năm. Các bệnh thường gặp như viêm tụy cấp, viêm gan và viêm dạ dày đều liên quan đến bia rượu.

Ngoài những bệnh điển hình do bia rượu gây ra như ngộ độc rượu cấp tính khi sử dụng quá nhiều rượu, viêm gan mạn tính, xơ gan, viêm tụy cấp ở những người uống rượu thường xuyên, rượu bia còn gây ra các vấn đề nghiêm trọng khác về sức khỏe như tăng nguy cơ ung thư miệng và thực quản, ung thư gan, ung thư đại tràng, làm giảm sức đề kháng của cơ thể, do đó rất dễ bị nhiễm trùng đặc biệt những người nghiện rượu dễ bị lao phổi...

Rượu là một chất tác động tâm thần mạnh, do đó sử dụng nhiều rượu bia có thể gây ra một số các rối loạn tâm thần kinh như rối loạn lo âu, trầm cảm, hoang tưởng, làm gia tăng các ý tưởng tự sát hoặc xu hướng tấn công. Người nghiện rượu dễ bị kích động, thần trí không ổn định và trở nên bạo lực. Đã có những trường hợp giết người rất đau lòng chỉ vì sử dụng bia rượu dẫn tới không tự kiểm soát được hành vi.

Bên cạnh những loại bia rượu thông thường chính thống còn xuất hiện rượu lậu hoặc là rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, mà thường những loại rượu đó pha cồn công nghiệp. Cồn công nghiệp vốn là một loại cồn không phải dùng để làm thực phẩm, do đó khi uống vào sẽ rất độc hại và gây độc cho cơ thể.

Trong trường hợp ngộ độc rượu do nạn nhân uống những loại rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ mà có pha cồn công nghiệp, sẽ có một số triệu chứng gợi ý như nạn nhân có những rối loạn về thị giác tức là thấy một vật mà thành hai, nhìn thấy mờ, đốm, nặng hơn nữa là không nhìn thấy gì hết. Còn nếu uống quá nhiều các loại rượu bia thông thường thì sẽ tùy theo mức độ: nhẹ thì nạn nhân có thể bị kích động la hét, nặng hơn thì dẫn đến lơ mơ, hôn mê, khó thở, suy hô hấp, có thể tụt huyết áp và dẫn đến tử vong…

Do đó, trong những trường hợp có những triệu chứng gợi ý ngộ độc rượu thì nên xử trí sơ bộ như cho nạn nhân nằm nghiêng để tránh tình trạng người bệnh hít sặc gây ra suy hô hấp và viêm phổi về sau, giữ ấm cho nạn nhân vì khi ngộ độc rượu sẽ làm hạ thân nhiệt, sau đó đưa đến một cơ sở y tế gần nhất.

Lượng cồn khi chúng ta uống một chai bia tương đương với lượng cồn khi uống một ly rượu vang và cũng tương đương một ly nhỏ rượu mạnh. Để uống rượu bia nhưng không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe thì đối với nam giới mỗi ngày chỉ uống khoảng 2 đơn vị cồn tương đương với 2 chai bia hoặc là 2 ly rượu vang mỗi ngày, đối với nữ giới thì nên uống khoảng 1 đơn vị mỗi ngày.

Trong những trường hợp uống không thường xuyên thì có thể tính tổng trên một tuần, nếu trong một tuần mà uống trên 14 đơn vị tương đương 14 chai bia như vậy thì được xem là uống nhiều. Tùy thuộc vào cơ địa của từng người, có những người hoàn toàn không uống rượu bia được cũng có những người uống ít và có người uống hầu như là không say. Khi uống rượu bia vào thì trong cơ thể có những men ở gan để chuyển hóa rượu bia, vì vậy những người mà có nhiều men chuyển hóa sẽ chuyển hóa rượu bia tốt hơn, khó bị say hơn những người có ít men chuyển hóa.

Trước khi uống rượu bia chúng ta nên ăn no, vì khi bụng đói thì rượu bia dễ hấp thu vào cơ thể dẫn đến dễ say, phải uống nhiều nước vì khi uống nhiều rượu bia sẽ dẫn đến mất nước, không nên lạm dụng các loại thuốc giải độc gan và những thuốc giải rượu vì thực sự những thuốc này không hề có tác dụng.