Thương hiệu quốc gia: Khẳng định uy tín hàng Việt

Lê Nam thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thương hiệu quốc gia (THQG) được coi là chứng nhận về nguồn gốc xuất xứ, đồng thời chứng nhận uy tín chất lượng sản phẩm từ quốc gia đó, như vậy danh hiệu THQG đã tạo cú hích cho DN trong việc khẳng định uy tín hàng Việt. Đó là khẳng định của ông Đỗ Kim Lang - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương).

 Ông Đỗ Kim Lang - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương)
Cũng theo ông Lang, từ năm 2006 đến nay, chương trình THQG đã trải qua 5 lần bình chọn chỉ có gần 300 DN và sản phẩm được mang biểu trưng THQG. Cụ thể, năm 2008 là 30 DN, năm 2010 là 43 DN, năm 2012 là 54 DN, năm 2014 là 63 DN và năm 2016 là 88 DN, trong đó nhiều DN liên tiếp đạt giải thưởng trong nhiều năm.

Mục đích đầu tiên của việc bình chọn những DN đạt tiêu chuẩn THQG là xây dựng hình ảnh Việt Nam là quốc gia có uy tín hàng hóa đa dạng, dịch vụ chất lượng cao thông qua hàng hóa, dịch vụ. Mục đích thứ hai là nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ thị trường trong nước và khuyến khích xuất khẩu qua chế biến, giảm tỷ trọng hàng xuất khẩu nguyên liệu thô; Tăng cường nhận biết của nhà phân phối và người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với các sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao.
Đồng thời, việc xây dựng THQG sẽ tạo điều kiện để nâng cao giá trị xuất khẩu của các hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam, đảm bảo tính bền vững khi tham gia cạnh tranh tại thị trường quốc tế và nội địa. Cuối cùng là xây dựng hình ảnh hàng Việt gắn với các giá trị chất lượng, đổi mới sáng tạo, tăng uy tín đối với hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam. Có thể khẳng định, những DN và sản phẩm mang THQG là hàng Việt Nam chất lượng cao.

Thương hiệu quốc gia thể hiện trong từng sản phẩm

"THQG là một khái niệm phức hợp có liên quan giữa THQG – thương hiệu công ty và thương hiệu sản phẩm. Việc duy trì và cải thiện hình ảnh, sức hấp dẫn của một đất nước đòi hỏi những nỗ lực tổng hợp của toàn quốc gia. Đối với DN, hình ảnh quốc gia không ở đâu xa, nó thể hiện ngay chính trong từng sản phẩm xuất khẩu được chăm chút tỉ mỉ, đây cũng chính là giá trị gia tăng cho sản phẩm." - Chuyên gia kinh tế TS Lê Đăng Doanh

Cơ hội cho DN, địa phương phát triển thương hiệu riêng biệt

"THQG được xem là những hình ảnh ấn tượng, tạo được sự cảm nhận về giá trị tốt đẹp của một quốc gia/địa phương cũng như vùng địa lý. Bên cạnh đó, THQG như một thương hiệu chứng nhận về nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, dịch vụ, chứng nhận về uy tín và chất lượng của sản phẩm cũng như chứng nhận về những giá trị văn hóa và bản sắc. Với việc kết nối và hỗ trợ các chỉ dẫn địa lý sẽ giúp DN nhanh chóng định vị hình ảnh cho thương hiệu, hỗ trợ DN thâm nhập thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh." - Chuyên gia cố vấn Chương trình THQG PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh
Như ông vừa nói, THQG đã tạo điều kiện cho hàng Việt nâng cao giá trị gia tăng. Vậy để tạo dựng thương hiệu mạnh, theo ông DN cần những yếu tố gì?

- Ngày nay thương hiệu được thừa nhận là một loại tài sản vô hình quý giá, là uy tín của DN đồng thời thể hiện niềm tin của khách hàng đối với sản phẩm của DN trên thị trường, là yêu cầu quan trọng trong tiến trình hội nhập. Tuy nhiên, đại đa số DN Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ nên nhận thức về thương hiệu tại Việt Nam hiện nay chưa đầy đủ, vẫn có suy nghĩ đơn giản về việc xây dựng thương hiệu chủ yếu là đảm bảo chất lượng sản phẩm hoặc đầu tư cho quảng cáo, tiếp thị hay đơn giản hơn là thiết kế một logo (biểu trưng).

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu sắc, giai đoạn này, để từng bước xây dựng được thương hiệu mạnh, DN cần có chiến lược thương hiệu và kế hoạch triển khai cụ thể ngay từ đầu, nỗ lực cải tiến và đổi mới công nghệ cũng như quy trình quản trị DN. Xây dựng một thương hiệu mạnh là cả một quá trình lâu dài, bền bỉ. Quan trọng hơn cả, DN phải coi việc xây dựng thương hiệu là một khoản đầu tư quan trọng cho tương lai.
Một trong những thế mạnh của Việt Nam là hàng nông sản nhưng xây dựng thương hiệu cho ngành hàng này hiện vẫn còn bỏ ngỏ, dẫn đến việc xuất khẩu vẫn chủ yếu qua đường tiểu ngạch. Theo ông, đâu là nguyên nhân và DN phải làm gì?
- Chương trình THQG mà Chính phủ giao cho Bộ Công Thương thực hiện nhằm xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm nói chung, trong đó có nhóm các sản phẩm nông sản. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún phân tán khiến việc xây dựng thương hiệu chung còn khó khăn. Trong khi về mặt chủ quan, DN trong nước vẫn thiếu kiến thức về thương hiệu nên vẫn đang phải vừa làm vừa hoàn thiện. Các DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu là DN nhỏ và vừa, tài chính hạn chế khiến DN không thực hiện được các chương trình xây dựng, quảng bá thương hiệu có quy mô và lâu dài.
 Người tiêu dùng chọn mua hàng tại phiên chợ Việt diễn ra ở huyện Thanh Trì. Ảnh:Công Hùng
Để khắc phục những khó khăn này trước mắt, theo tôi cần lựa chọn một số mặt hàng có thế mạnh để xây dựng thương hiệu nhằm tạo ra sự bứt phá về sản lượng, bảo đảm nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng tốt, đáp ứng an toàn vệ sinh thực phẩm, giá bán cạnh tranh. Đồng thời, DN phát triển hệ thống phân phối ở các cửa hàng để giới thiệu sản phẩm tới tay người tiêu dùng. Các DN cần liên kết lại với nhau để đầu tư khoa học - công nghệ từng bước hạn chế xuất khẩu thô, chuyển dần sang chế biến tinh, qua đó nâng cao giá trị sản phẩm và xây dựng được hình ảnh thương hiệu.

Vậy trong thời gian tới, Bộ Công Thương có những hỗ trợ gì cho các DN trong việc xây dựng thương hiệu?

- Nhằm hỗ trợ DN xây dựng thương hiệu thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động thiết thực. Cụ thể tập trung hỗ trợ nâng cao nhận thức về công tác xây dựng và quảng bá thương hiệu tại thị trường trong và nước ngoài. Với mặt hàng nông sản, Cục Xúc tiến thương mại sẽ ưu tiên hỗ trợ cho những DN trong quá trình tiếp cận thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh và đặc biệt là gắn với việc xây dựng, quảng bá thương hiệu của chính các sản phẩm đó. Đồng thời phối hợp với các cơ quan nghiên cứu để giúp các DN trong lĩnh vực nông sản xây dựng, đăng ký bảo hộ, chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm. Mặt khác, Cục cũng tổ chức các hoạt động tập huấn, đào tạo, hỗ trợ chia sẻ thông tin, kết nối với hệ thống các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để giúp các DN đạt danh hiệu THQG Việt Nam có điều kiện phát triển và quảng bá thương hiệu của mình…

Tuy vậy, về phía DN cũng đã đến lúc không thể làm ăn manh mún, nhỏ lẻ mà cần xây dựng chiến lược thương hiệu phát huy được những lợi thế quốc gia để thương hiệu của DN trở thành niềm tự hào của người Việt Nam. Sản phẩm khi đạt THQG sẽ giúp cho DN trong việc quảng bá, đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khác. Đồng thời tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa cũng thuận lợi hơn, đặc biệt là khi kết hợp với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Xin cảm ơn ông!

Cần có cơ chế khuyến khích DN xây dựng thương hiệu

"Để hỗ trợ DN trong quá trình xây dựng thương hiệu trong thời gian tới, thay vì chỉ Cục Xúc tiến (Bộ Công Thương), DN cũng kiến nghị các bộ, ngành khác cùng vào cuộc đưa ra những cơ chế, chính sách, tạo sân chơi kết nối DN. Đồng thời, khi DN đạt THQG phải được ưu tiên, có được cơ hội tham gia thầu các dự án Nhà nước, từ đó mới khuyến khích các DN xây dựng thương hiệu, từ đó vươn ra thế giới. Đặc biệt, để ngăn chặn vấn nạn hàng nhái, hàng giả, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách và biện pháp nghiêm khắc hơn với những DN vi phạm nhằm vừa tạo sức răn đe vừa giúp nâng ý thức, tư duy kinh doanh thực chất tại mỗi DN." -Tổng giám đốc Công ty CP Eurowindow Nguyễn Cảnh Hồng

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần