Chúng ta có thể liệt kê ra rất nhiều những yếu tố khác nữa như câu khẩu hiệu của công ty; màu sắc chủ đạo; tuyên bố sứ mạng và các giá trị cốt lõi; hình ảnh bao bì; biểu trưng của thương hiệu; đồng phục của nhân viên; cách thức nhân viên phục vụ khách hàng; đoạn phim quảng cáo; chất lượng sản phẩm… Tuy nhiên, đó mới chỉ là những yếu tố quan trọng phải có của một thương hiệu mà không phải là thương hiệu. Lời hứa từ thương hiệu mới là cốt lõi. Lời hứa đó đại để như sau: "Thưa quý khách hàng, khi tương tác với công ty chúng tôi, quý vị sẽ nhận được sản phẩm, dịch vụ với những cam kết như thế này…". Tiếp đến, chính là việc thực thi lời hứa đã công bố. Đây là việc làm vượt qua không gian và thời gian nếu muốn có được thương hiệu mạnh và bền vững. Cho dù đó là khách hàng hiện hữu, khách hàng tiềm năng, đối tác, người lao động trong công ty, cho dù là hôm qua, hay hôm nay hoặc ngày mai, công ty vẫn phải thực thi lời hứa của mình. Và một thương hiệu mạnh không chỉ thực hiện lời hứa khi thuận lợi mà còn sẵn sàng chịu phần thiệt về mình để lời hứa được thực thi, luôn coi việc giữ lời hứa như một mệnh lệnh sống còn.
Không ít doanh nghiệp chỉ lao vào việc thiết kế logo cho thật đẹp, câu khẩu hiệu thật kêu, một đoạn phim quảng cáo ấn tượng mà quên rằng, doanh nghiệp có thể hứa bất kỳ điều gì mình muốn, vì thương hiệu đến từ việc doanh nghiệp đã thực hiện lời hứa đó ra sao.
Do vậy, với một hệ thống pháp luật rõ ràng, một cơ chế bảo vệ người tiêu dùng hữu hiệu của WTO doanh nghiệp sẽ buộc phải tuân thủ lời hứa thương hiệu và như vậy sẽ là một tác động tích cực cho việc xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam.