Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thương mại điện tử làm gì để nắm bắt cơ hội?

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch Covid -19 ngày càng diễn biến phức tạp làm cho nhiều ngành kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh cũng là cơ hội cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bứt tốc sâu rộng trong các lĩnh vực, đặc biệt là sự lên ngôi của thương mại điện tử (TMĐT).

Vị cứu tinh cho nhiều doanh nghiệp
Những ngày qua thay vào sự ế ẩm của quán ăn, nhà hàng, siêu thị... là sự gia tăng của các đơn hàng online. Kết quả khảo sát về phản ứng và hành xử của người tiêu dùng trước dịch Covid-19 vừa được Nielsen Việt Nam công bố cho thấy, người Việt Nam hiện nay dành nhiều thời gian hơn trên mạng và mua sắm trực tuyến. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến sự tăng trưởng mạnh của TMĐT.
Cụ thể, nếu như năm 2019, TMĐT chỉ chiếm 5% giá trị bán lẻ, tuy nhiên, hiện có tới 76% người tiêu dùng mua sắm ít nhất 1 lần trong 3 tháng qua và đạt mức tăng trưởng hơn 20% năm. Nguyên nhân là do dịch Covid - 19 đang ảnh hưởng đến hành vi mua sắm, người tiêu dùng hạn chế đi đến siêu thị, trung tâm mua sắm..., vì vậy bán hàng online ngày càng phát triển.
DN quảng bá sản phẩm bán hàng online ''Ngày hội mua sắm trực tuyến Online Friday''.

Giám đốc Siêu thị Co.opmart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung chia sẻ, từ đầu tháng 3 đến nay, kênh mua sắm online qua điện thoại của hệ thống siêu thị Co.opmart trên toàn quốc đã tăng gấp 10 lần so với trước đây. Có được sự tăng trưởng đột phá một phần là do Co.op Mart đã thực hiện chính sách giao hàng ưu đãi cùng hệ thống siêu thị dày đặc.
Trên website chính thức, chuỗi siêu thị thông báo miễn phí vận chuyển cho đơn hàng trị giá trên 500.000 đồng và chỉ thu phí 10.000 đồng với đơn hàng giá trị nhỏ hơn, thời gian giao hàng trong vòng 24 giờ. Mức giá này được cho là khá cạnh tranh so với các sàn TMĐT hay những hãng giao vận hiện nay.
Thực tế cho thấy mua bán online không chỉ mang lại sự tiện lợi, nhanh chóng cho người dùng mà còn giúp các nhà hàng, quán ăn có được doanh thu cầm cự trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Bên cạnh đó, người tiêu dùng không chỉ thay đổi thói quen mua hàng mà còn thay đổi cả thói quen mua sắm hạn chế sử dụng tiền mặt, đây là cơ hội để ngành ngân hàng phát triển thanh toán trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt.
Vẫn còn nhiều việc phải làm
Mặc dù đang thu hút được người tiêu dùng sử dụng nhưng để TMĐT phát triển mạnh mẽ đòi hỏi DN cần nhặt bỏ những “hạt sạn” không đáng có. Theo các chuyên gia kinh tế, đang tồn tại hiện tượng người kinh doanh chạy theo lợi nhuận nên lừa lọc về mẫu mã, giá cả, chất lượng gây thiệt hại cho người tiêu dùng, ảnh hưởng đến uy tín đối với các DN chân chính bán hàng qua mạng.
Ngoài ra, mặc dù kinh doanh online đang phát triển mạnh nhưng có đến 80% người mua hàng online đều kiểm tra hàng trước rồi mới thanh toán, điều đó cho thấy người mua còn dè dặt, thận trọng, thiếu tin tưởng TMĐT. Thống kê của Cục Cạnh tranh & Bảo vệ người tiêu dùng (Cục CT&BVNTD) - Bộ Công Thương cho thấy, năm 2019 riêng Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng đã tiếp nhận 1.422 cuộc yêu cầu và 568 đơn khiếu nại giải quyết khiếu nại hoặc phản ánh vi phạm quyền lợi người tiêu dùng khi mua hàng online trên sàn TMĐT.
Đa số các phản ánh của người tiêu dùng là họ không nhận được sản phẩm đúng như nội dung DN quảng cáo. Khi liên hệ, với các trang bán sản phẩm này người tiêu dùng được giải thích, giao dịch nằm ngoài hệ thống của sàn TMĐT nên không được hưởng chính sách trả hàng - hoàn tiền.
Theo Phó cục trưởng Cục CT&BVNTD Trịnh Anh Tuấn: Sau khi làm việc với các DN liên quan đến khiếu nại, cục nhận thấy các vụ việc có dấu hiệu lừa đảo từ nhà bán hàng trên sàn TMĐT theo hướng sau khi tiếp nhận đơn hàng, nhà bán hàng sẽ tự ý hủy đơn hàng, sau đó tự liên hệ với người mua để giao một sản phẩm khác.
Cùng với sự phát triển của TMĐT yêu cầu nguồn nhân lực của ngành này gia tăng, thế nhưng hiện nay, nguồn nhân lực TMĐT của Việt Nam còn đang rất thiếu và rất yếu. Theo kết quả khả sát của Cục TMĐT & Kinh tế số (Bộ Công Thương), hiện nhu cầu lao động có kỹ năng về quản trị website và sàn giao dịch TMĐT rất lớn nhưng có đến 46% DN không thể tuyển dụng được lao động có kỹ năng này.
Ngoài ra, đối với các kỹ năng khác như kỹ năng khai thác, sử dụng các ứng dụng TMĐT chỉ mới đáp ứng 45%; kỹ năng cài đặt chế độ, ứng dụng, khắc phục sự cố thông thường của máy vi tính (42%); kỹ năng xây dựng kế hoạch, triển khai dự án TMĐT (42%); kỹ năng quản trị cơ sở dữ liệu (42%); kỹ năng tiếp thị trực tuyến (35%); kỹ năng triển khai thanh toán trực tuyến (30%)... Điều này dẫn đến việc DN gặp không ít khó khăn trong việc tuyển chọn lao động đáp ứng được yêu cầu công việc.
Cơ hội để phát triển
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia ngành bán lẻ, mặc dù TMĐT vẫn còn những “hạt sạn” cần loại bỏ nhưng dịch Covid-19 có thể xem là dịp để thị trường bán lẻ chuyển dịch từ mua bán truyền thống sang TMĐT. Đồng thời cũng là cơ hội để DN đẩy mạnh chiến lược truyền thông kỹ thuật số tạo nên dấu ấn mạnh mẽ
. Đánh giá về xu hướng phát triển của TMĐT Việt Nam trong thời gian tới, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết: TMĐT đã sớm du nhập, hiện đã phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, ngoài ra Việt Nam còn nhiều điều kiện để TMĐT phát triển, như dân số trẻ, quan tâm tới internet. Ngoài ra các dịch vụ đã có những thuận lợi nhất định, nhất là vấn đề giao hàng tận nơi, ưng ý thì mới trả tiền. Chưa kể dịch bệnh lây lan cũng là cơ hội, động lực để các DN tập trung phát triển TMĐT.
Phân tích việc TMĐT có thêm cơ hội phát triển, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế T.Ư cho biết: Thị trường TMĐT Việt Nam rất tiềm năng. Việc sử dụng các thiết bị IT, đặc biệt là điện thoại thông minh, cộng với cơ sở hạ tầng về IT cho phép Việt Nam có một nền tảng khá tốt. Trên thực tế, TMĐT đã phát triển khá nhanh trong những năm qua và Việt Nam là một trong những nước phát triển TMĐT nhanh nhất Đông Nam Á.
Để TMĐT phát triển một cách đồng bộ, hiệu quả ngoài việc chịu sự tác động bởi nhu cầu của thị trường, năng động về kinh doanh, theo các chuyên gia kinh tế, Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng cơ sở pháp lý, cộng với cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, vấn đề an ninh mạng và các biện pháp đảm bảo sự việc diễn ra tranh chấp cũng như giảm thiểu, ngăn chặn các vụ lừa đảo xảy ra trong TMĐT.
Còn đối với DN tham gia TMĐT cần bán những sản phẩm chất lượng, có địa chỉ rõ ràng, phát triển các dịch vụ hậu mãi thật tốt, đặt quyền lợi của khách hàng trong quá trình giao nhận. Tương lai nên phát triển TMĐT hình thức hợp đồng mang tính chất bảo lãnh, các bên nhận phí bảo lãnh phải có trách nhiệm đối với cả 2 bên, đây là hình thức thúc đẩy TMĐT phát triển trong tương lai.

"Dịch Covid -19 tác động tiêu cực đến đa số lĩnh vực, tuy nhiên có thể xem nó là chất xúc tác, cú hích cho phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam. Trong chỉ thị của Thủ tướng về tháo gỡ khó khăn cho DN cũng lưu ý về việc thúc đẩy phát triển TMĐT. Đây là xu thế của công cuộc chuyển đổi số." - Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành