Tiềm năng và dư địa của xuất khẩu qua thương mại điện tử là rất lớn
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội (Hanoisme), hiện nay, trên địa bàn thành phố có 50% doanh nghiệp đã tìm hiểu về Thương mại điện tử (TMĐT) và nhiều doanh nghiệp trong số đó sử dụng kênh phân phối hàng hóa là các sàn giao dịch điện tử. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp khai thác tốt kênh phân phối hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới trên các nền tảng số chưa nhiều.
Trong 5 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của thành phố Hà Nội đạt 6,781 tỷ USD và nhập khẩu đạt 14,4 tỷ USD. Để đạt được kết quả trên có sự đóng góp một phần không nhỏ của TMĐT.
Theo Báo cáo Chỉ số TMĐT Việt Nam năm 2022 do Hiệp hội TMĐT Việt Nam công bố, chỉ số TMĐT (EBI) của thành phố Hà Nội đứng thứ 2 cả nước, đạt 85,9 điểm; doanh số TMĐT B2C ước chiếm 11% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn. Tỷ lệ dân số Hà Nội tham gia mua sắm trực tuyến ước đạt 50%; tỷ lệ doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn TMĐT ước đạt 45%.
Điều này cho thấy tiềm năng và dư địa của xuất khẩu qua TMĐT cho doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp Hà Nội còn rất lớn.
Công ty cổ phần Tập đoàn Sunhouse đã tìm tới các giải pháp phát triển mảng bán hàng trực tuyến trên các nền tảng TMĐT quốc tế. Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Tập đoàn Sunhouse Vũ Thanh Hải chia sẻ: Để đạt hiệu quả cao khi tham gia vào các nền tảng TMĐT quốc tế rất cần nghiên cứu chi tiết thị trường nhập khẩu. Công ty hiện có hàng trăm sản phẩm, nhưng chúng tôi đã dành khoảng 5 tháng để nghiên cứu thị trường, lựa chọn ra 4 sản phẩm phù hợp nhất để đưa lên sàn Amazon và đã đạt được kết quả tích cực.
Còn ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam nhận xét: Giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp bán hàng Việt Nam trên Amazon đã tăng 45% trong năm 2022. Cũng trong năm qua, số lượng nhà bán hàng Việt Nam trên Amazon tăng 80%. Nhiều nhóm ngành hàng của Việt Nam đang có doanh số cao tại Amazon, như: Ngành hàng trang trí nhà cửa, thời trang, phụ kiện làm đẹp, nông sản chế biến…
Theo khảo sát của Access Partnership được thực hiện với 300 doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tại Việt Nam cho thấy, 86% doanh nghiệp cho rằng họ không thể thực hiện hoạt động xuất khẩu nếu không có TMĐT. Ngoài ra các doanh nghiệp cũng đang hướng tới việc mở rộng thị trường đến các quốc gia khác như Hoa Kỳ, Nhật Bản và nhiều nước châu Âu trong vòng 5 năm tới. Dự kiến xuất khẩu TMĐT của Việt Nam có thể đạt 296,3 nghìn tỷ đồng vào năm 2027 nếu như các doanh nghiệp trong nước được hỗ trợ đầy đủ và đẩy nhanh tốc độ áp dụng TMĐT.
Hóa giải thách thức
Theo ông Tạ Dũng Trí, Phó trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương Hà Nội, các doanh nghiệp tại Hà Nội đã bắt kịp xu hướng sử dụng các nền tảng TMĐT để tiếp cận khách hàng trong nước và quốc tế để mở rộng thị trường xuất khẩu. Điều này đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy sự phát triển của địa phương.
Theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội (Hanoisme) nhận định: Có 50% doanh nghiệp đã tìm hiểu về TMĐT và nhiều doanh nghiệp trong số đó sử dụng kênh phân phối hàng hóa là các sàn giao dịch điện tử. TMĐT xuyên biên giới không những tạo cơ hội cho doanh nghiệp nâng cao doanh số bán hàng, mà qua đó còn tìm kiếm mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt, tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn lực để tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời có thể chủ động xây dựng thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn về nguồn lực nhân sự có trình độ kỹ năng về lĩnh vực này. Nhân sự có kỹ năng bán hàng hay tiếp thị trên các nền tảng số, có hiểu biết về các quy định tham gia sàn TMĐT chưa nhiều. Về hạ tầng dịch vụ hỗ trợ cho TMĐT như hạ tầng hóa đơn và chứng từ điện tử, hạ tầng thanh toán, hạ tầng logistics hiện thiếu sự đồng bộ và thiếu tính kết nối.
Các chuyên gia xây dựng thương hiệu bán hàng trên mạng điện tử cho biết kinh nghiệm cho việc kinh doanh TMĐT. Bước đầu việc chọn sản phẩm phù hơp quyết định tới 40% sự thành công khi kinh doanh thương mại điện tử. Để kinh doanh trên sàn TMĐT, nhiều người chọn sản phẩm theo sở thích cá nhân. Đó là sai lầm nghiêm trọng.
Chất lượng sản phẩm là yếu tố đi đầu. Sản phẩm tốt bạn mới tự tin bán chạy và không bị chùng chân mỗi khi chạy chiến dịch marketing để thu hút khách hàng. Sản phẩm tốt còn giúp xây dựng thương hiệu, tạo niềm tin và tăng tỷ lệ quay trở lại gian hàng. Ngoài ra, đây cũng là yếu tố thu hút lượng đánh giá sản phẩm và gian hàng tốt hơn. Sản phẩm tốt là sản phẩm sinh ra tiền và mang lại lợi nhuận.
Một gian hàng, nên có sản phẩm thuộc 3 phân khúc: giá trị thấp, giá trị trung bình và giá trị cao.
Sản phẩm giá trị thấp là nhóm hàng dễ được chấp nhận nên thường được dùng với vai trò "sản phẩm mồi". Hàng giá trị thấp thường sẽ có nhiều đơn nhưng lợi nhuận lại không cao thậm chí là hòa hoặc lỗ tùy chiến lược kinh doanh. Do đó, mẹo nhỏ là nhà bán hàng nên chọn những sản phẩm gọn nhẹ, dễ đóng gói dễ vận chuyển để giảm tối đa chi phí vận hành. Những gian hàng mới thành lập nên tập trung vào nhóm sản phẩm này trước để tạo lượng đánh giá ổn định. Ngoài ra, trong các chiến dịch siêu sale của Lazada luôn có những cổng "Deal đồng giá 1k 6k, 9k... ", nhóm sản phẩm "mồi" này nên được đăng ký tham gia để kéo lượng truy cập lớn từ các cổng về gian hàng.
Sản phẩm giá trị trung bình thường là nhóm sản phẩm chủ lực, mang lại nguồn tiền chính. Đây là nhóm sản phẩm nên được tập trung và cần liên tục mở rộng. Tuy nhiên, nhà bán hàng cũng cần chú ý đến vòng đời sản phẩm và không nên lệ thuộc vào một mặt hàng.
Sản phẩm giá trị cao là nhóm sản phẩm có thể ít đơn nhưng lợi nhuận cao. Đây nên là những sản phẩm có chất lượng cao cấp hoặc sản phẩm độc quyền chỉ gian hàng mới có. Nhóm sản phẩm này cần được cập nhật liên tục và mở rộng để tăng lợi nhuận. Ngoài ra, nếu sản phẩm có tỷ lệ rủi ro càng cao, hoặc thuộc hàng cồng kềnh, người bán nên đánh mạnh vào giá để có lợi nhuận bù lại rủi ro, và chi phí vận hành.