Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thương mại điện tử tăng trưởng nhanh nhưng bộc lộ yếu tố không bền vững

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 21/7, tại Hà Nội, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức Diễn đàn Hoàn tất đơn hàng 2023 - Hướng tới Thương mại điện tử xanh.

Diễn đàn có sự tham gia của hơn 300 đại biểu từ các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức trong nước và quốc tế, các cơ sở nghiên cứu và đào tạo và các doanh nghiệp thương mại điện tử, logistics.

Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: Khắc Kiên
Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: Khắc Kiên

Thương mại điện tử trên thế giới cũng như ở nước ta tăng trưởng nhanh chóng đã đặt ra nhiều thách thức to lớn đối với môi trường, đặc biệt là loại hình bán lẻ trực tuyến.

Nhiều giải pháp sáng tạo đã và đang được nhiều bên liên quan đề xuất và triển khai, mở ra những cơ hội lớn để thương mại điện tử thân thiện hơn với môi trường, tiến tới mục tiêu trung hoà khí thải carbon và giảm thiểu rác thải nhựa.

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, 6 tháng năm 2023, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam ước đạt 10,3 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ, chiếm 7,7% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Còn  Báo cáo logistics Việt Nam cho thấy, chi phí logistics tại các doanh nghiệp bán lẻ chiếm tỷ trọng khá lớn trong giá thành, giao động từ 10 - 20%. Đối với logistics, chi phí vận chuyển có tỷ lệ đóng góp cao nhất khoảng từ 60% đến 80%.

Theo Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Lê Hoàng Oanh, tuy thương mại điện tử tăng trưởng nhanh nhưng đang bộc lộ nhiều yếu tố không bền vững, đặc biệt là những tác động xấu tới môi trường. Cụ thể, trong lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, có 2 khâu tác động xấu tới môi trường, bao gồm: Khâu giao hàng (liên quan đến xe cộ chạy trên đường thải lượng lớn khí carbon) và khâu đóng gói: Hộp carton, bao bì ni lông, màng xốp hơi, hộp xốp, đồ nhựa dùng một lần. Những tác động xấu này còn ở mức độ cao hơn trong trường hợp giao hàng siêu tốc. “Việc tối ưu hoá chi phí vận chuyển giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí, cũng như đóng góp đáng kể vào việc giảm lượng phát thải từ hoạt động vận chuyển”- bà Oanh nhấn mạnh.

Theo Hội đồng tư vấn cấp cao về thương mại điện tử (Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam) Nguyễn Thanh Hưng, hiện nay các chính sách về kinh tế số và thương mại điện tử hiện tại tập trung phần lớn vào các giải pháp phát triển nhanh.

Trong bối cảnh đó, cần thiết phải có các chính sách thúc đẩy phát triển bền kinh tế số và thương mại điện tử một cách bền vững, thân thiện môi trường. Trong đó, người tiêu dùng trực tuyến và các doanh nghiệp thương mại điện tử và logistics là những đối tượng nòng cốt thực thi các giải pháp thúc đẩy sự bền vững.

Nghiên cứu của Google, Temasek và Bain & Company cũng chỉ ra, việc tối ưu hóa hoạt động vận chuyển trong thương mại điện tử như giảm quãng đường di chuyển của các phương tiện giao nhận, sử dụng các vật liệu tái chế, thân thiện để đóng gói hàng hóa… sẽ góp phần cắt giảm được 30-40% lượng khí phát thải trong lĩnh vực này.

Tại Việt Nam, một số doanh nghiệp thương mại điện tử và bưu chính, chuyển phát đã triển khai nhiều giải pháp sáng tạo nhằm giảm tác động tiêu cực tới môi trường, điển hình như: Lazada, Grab hay Bưu điện Việt Nam. Các biện pháp bao gồm: tiết giảm số lượng thùng carton và chuyển sang dùng 100% bao bì có thể tái chế được hay giảm thải rác thải nhựa; khuyến khích khách hàng chờ giao hàng chậm nhưng ít hại môi trường, thay vì đẩy mạnh quảng bá hình thức giao hàng ngay và luôn để cạnh tranh với nhau…