Thương mại điện tử Việt: Không dành cho kẻ ít tiền

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 5 website thương mại điện tử dẫn đầu thị trường này đều được tiếp sức từ số tiền "khổng lồ" của những nhà đầu tư có tiềm lực kinh tế đứng sau.

Trung tuần tháng 3 vừa rồi đã đánh dấu thời điểm tròn 3 năm Lazada chính thức đặt chân vào thị trường thương mại điện tử Việt Nam. Chính vào thời điểm mừng sinh nhật trên, Lazada cũng được thừa nhận đang ngự trị tại ngôi vị số 1 trong mảng kinh doanh đầy tiềm năng này.

Theo số liệu từ Bộ Công Thương về tình hình Thương mại điện tử 2014, hiện Lazada đang dẫn đầu khi chiếm tới 36%, nhiều hơn tổng số thị phần mà 4 sàn giao dịch xếp ngay sau cộng lại. Tính đến hết năm 2014, Lazada hiện có nửa triệu khách hàng, hơn 200 triệu lượt truy cập và doanh thu 1.600 tỷ đồng tại thị trường Việt Nam, các con số đáng mơ ước với bất kỳ website thương mại điện tử nào.

 
Lazada - Ví dụ điển hình của sự thành công đến từ "bạo vì tiền"
Lazada - Ví dụ điển hình của sự thành công đến từ "bạo vì tiền"
Có nhiều nguyên nhân có thể lý giải cho sự thành công vượt bậc của Lazada như mô hình bán hàng và hậu mãi chuyên nghiệp theo đúng chuẩn quốc tế, nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn ... Nhưng không thể phủ nhận nguồn tiền đầu tư "khổng lồ" chính là tiền đề cơ bản và quan trọng nhất để giúp website này hiện thực hóa "ngôi vương" của mình.

Được biết, đứng sau thương hiệu Lazada là Tập đoàn Rocket Internet của Đức, cùng với 5 cơ sở khách nhau tại các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Philippines.

Tính đến hết năm 2014, tổng số tiền đã được Rocket Internet rót vào các cơ sở này là xấp xỉ 500 triệu USD, trong đó Việt Nam được đánh giá như một thị trường trọng tâm. Chính vì vậy Lazada có thể thoải mái phát triển tại Việt Nam mà không hề phải lo lắng đến tiền.

Không những vậy Rocket Internet còn nổi tiếng về khoản kêu gọi đầu tư cho các dịch vụ thương mại điện tử của mình, bằng chứng tiêu biểu là trong năm 2013 đã mang về tới 212 triệu USD cho Zalora, một hệ thống website mua sắm thời trang trực tuyến đình đám tại nhiều nước Đông Nam Á. Chính vì lẽ đó, Zalora ở Việt Nam hiện là website thương mại điện tử đứng thứ 3 với hơn 7% thị phần.

Khi nhìn vào danh sách 5 website thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam, có thể dễ dàng nhận thấy bóng dáng của các đối tác hoặc nhà đầu tư chiến lược với số vốn hùng hậu đứng đằng sau.

Nếu Lazada và Zalora có Rocket Internet thì Sendo (đứng thứ 2 với 14,4%) có FPT cùng 3 tập đoàn đầu tư Nhật Bản; Tiki (đứng thứ 4 với 5,4%) nhận được sự hậu thuẫn từ các quỹ đầu tư như CyberAgent hay Sumitomo cùng của Nhật Bản; Còn Ebay Việt Nam (đứng thứ 5 với 3,6%) có Ebay quốc tế chống lưng.

Và những sự đầu tư, rót vốn này cũng đã mang lại hiệu quả kinh tế ấn tượng không kém khi doanh thu từ khối các website có nhà đầu tư ngoại đứng sau chiếm đến 59% tổng doanh thu 2.97 tỷ USD của ngành thương mại điện tử trong năm 2014 vừa qua.

Vấn đề tiền bạc này càng thể hiện rõ tầm quan trọng nếu nhìn vào những cái tên từng vang bóng một thời tại trong lĩnh vực thương mại điện tử Việt như Vatgia, Enbac, Chodientu ... Các cái tên này cũng có khá nhiều điểm trung, nếu như trong quá khứ thì họ đã cùng chia nhau thống lĩnh thị trường, thì ở thời điểm hiện tại họ cũng cùng đánh mất gần như toàn bộ thị phần vào tay các đơn vị có tiềm lực tài chính kể trên.

Chỉ trong quãng thời gian đúng 1 năm, Vatgia đã bị thu hẹp thị phần từ 15% (2013) xuống còn 3,3% (2014). Trong khi đó Chodientu còn thê thảm hơn khi tụt từ 29% (2013) xuống còn 1,2% (2014). Nguyên nhân chủ yếu được chỉ ra là bắt nguồn từ việc các đơn vị này không có đủ kinh phí để chạy đua với đối thủ trong những chiến dịch giảm giá, ưu đãi hay marketing cho dịch vụ của mình.

Nói về xu hướng "bạo vì tiền" trong lĩnh vực thương mại điện tử, ông Nguyễn Thanh Hưng- Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết, thị trường này sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn gấp nhiều lần trong những năm sắp tới, những doanh nghiệp có số vốn lớn sẽ liên tục tạo áp lực lên các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính yếu hơn.

Chính vì vậy các doanh nghiệp nhỏ cần nhanh chóng nắm bắt và đáp ứng các nhu cầu của người tiêu dùng để đưa ra các biện pháp cạnh tranh phù hợp như vậy mới có khả năng không bị tụt hậu lại phía sau, ông Hưng đưa ra lời khuyên.