Thương mại điện tử xuyên biên giới, bệ phóng đưa hàng Việt ra thế giới

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -Thương mại điện tử xuyên biên giới là bệ phóng giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu hàng Việt ra thị trường thế giới. Đó là ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị Thương mại điện tử xuyên biên giới lần thứ 5 do Amazon Global Selling Việt Nam tổ chức ngày 17/10.

Xuất khẩu trực tuyến bứt tốc mạnh mẽ

Thông tin từ Amazon Việt Nam cho thấy từ đầu năm đến ngày 31/8/2023, các đối tác bán hàng trên Amazon đã tiêu thụ 17 triệu sản phẩm Việt cho khách hàng trên khắp thế giới. Các ngành hàng đang chứng kiến tốc độ kinh doanh ấn tượng nhất trên nền tảng thương mại điện tử của Amazon là nhà bếp, chăm sóc sức khỏe,  may mặc, làm đẹp.

Đặc biệt, năm 2023 đã chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc của ngành hàng chăm sóc sức khỏe cá nhân, sản phẩm chăm sóc sắc đẹp. Hiện Việt Nam là 1 trong 3 nền thương mại điện tử hàng đầu Đông Nam Á khi duy trì tốc độ tăng trưởng 20% trong suốt  7 - 8 năm nay, bất chấp đại dịch Covid-19. Dự đoán trong năm 2023, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử tại Việt Nam sẽ lên đến 20%, với doanh thu khoảng 10 tỷ USD. 

Giám đốc khu vực miền Bắc Amazon Global Selling Việt Nam Trịnh Khắc Toàn cho hay, hiện giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam bán hàng trên Amazon tăng 50%, đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu của đất nước. Đáng chú ý, có hàng nghìn doanh nghiệp Việt nắm bắt cơ hội kinh doanh toàn cầu với Amazon. Số lượng đối tác bán hàng Việt Nam qua Amazon tăng 40%... 

Các đại biểu trao đổi cách thức đưa hàng Việt ra thế giới thông qua sàn thương mại điện tử Amazon. Ảnh: Hoài Nam
Các đại biểu trao đổi cách thức đưa hàng Việt ra thế giới thông qua sàn thương mại điện tử Amazon. Ảnh: Hoài Nam

“Sản phẩm Made in Vietnam bầy bán trên Amazon không chỉ bán cho người tiêu dùng Mỹ mà còn ở các nước châu Âu và 22 thị trường Amazon có mặt. Việt Nam đang là trung tâm sản xuất, một mắt xích cung ứng mới nổi của thương mại điện tử toàn cầu với những thế mạnh về năng lực sản xuất, tinh thần khởi nghiệp và tốc độ chuyển đổi số nhanh chóng”-ông Toàn nhận định.

Nói về những lợi ích mà thương mại điện tử mang lại cho doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa ra thế giới, Giám đốc điều hành Tập đoàn Thiên Long Trần Phương Nga chia sẻ, năm 2023, Thiên Long chính thức tham gia bán hàng toàn cầu thông qua Amazon, qua đó tiếp cận người tiêu dùng và tạo chỗ đứng cho thương hiệu văn phòng phẩm quốc gia Việt Nam.

Có thể nói thương mại điện tử xuyên biên giới đã tạo ra bệ phóng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần, quy mô bắt đầu kinh doanh và xây dựng thương hiệu toàn cầu thành công.

Vẫn còn nhiều việc phải làm

Thực tế cho thấy, mặc dù thương mại điện tử xuyên biên giới giúp doanh nghiệp đưa hàng Việt ra thị trường quốc tế nhưng trong quá trình này cũng còn không ít thách thức khi mỗi thị trường lại có những quy định, yêu cầu khác nhau về chất lượng sản phẩm, cách thức giao dịch. Bên cạnh đó việc mở rộng các kênh bán hàng trực tuyến từ Việt Nam ra toàn cầu cũng mang lại cho các nhà bán hàng quốc tế lợi thế đưa sản phẩm vào Việt Nam tiêu thụ.

Người tiêu dùng mua hàng trên sàn thương mại điện tử. Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng mua hàng trên sàn thương mại điện tử. Ảnh: Hoài Nam

Để khắc phục những thách thức này, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam Gijae Seong nêu rõ, để bán sản phẩm Việt thành công trên Amazon hay các sàn thương mại điện tử quốc tế, đòi hỏi sản phẩm phải được đóng gói đẹp mắt, chất lượng đảm bảo, đặc biệt không được vi phạm thương hiệu.

“Để tránh rủi ro trong quá trình quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, doanh nghiệp phải sáng tạo ra mẫu hoặc kiểm tra kỹ các mẫu đó có vi phạm bản quyền hay không, sản phẩm cần thiết kế gọn nhẹ, dễ tháo lắp, dễ vận chuyển”- ông Gijae Seong  khuyến cáo.

Đồng tình với ý kiến này, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Lại Việt Anh nêu rõ, để có thể đưa hàng hóa Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và xuất khẩu thành công trên các kênh thương mại điện tử xuyên biên giới, doanh nghiệp cần tìm hiểu các quy định về chất lượng, tiêu chuẩn hàng hoá cũng như các quy tắc nhập khẩu của thị trường nước sở tại.

Trong đó, doanh nghiệp phải chú trọng việc có đầy đủ các chứng từ, giấy chứng nhận phù hợp với các yêu cầu quy định về pháp lý của thị trường nhập khẩu, tiêu thụ hàng Việt.

Người tiêu dùng mua hàng trên sàn thương mại điện tử. Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng mua hàng trên sàn thương mại điện tử. Ảnh: Hoài Nam

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh đưa hàng Việt ra thế giới thông qua sàn thương mại điện tử Amazon, Phó Chủ tịch Tập đoàn Amazon, Khối Đối tác bán hàng quốc tế Eric Broussard thông tin, trong năm 2024 Amazon sẽ đẩy mạnh hợp tác với các  đối tác chiến lược đề trang bị kiến thức và cung cấp đào tạo cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước; đồng thời, thúc đẩy sự phát triển các nhà cung cấp dịch vụ trong ngành.

Đồng thời thúc đẩy kết nối chuỗi cung ứng, bao gồm kết nối các nhà bán hàng với các nhà sản xuất trong ngành hàng trên toàn quốc để tạo và mở rộng danh mục sản phẩm sản xuất từ Việt Nam.

Bên cạnh đó Amazon Global Selling Việt Nam cũng giúp nâng cao chất lượng và thành công của nhà bán hàng Việt thông qua tăng cường đầu tư và đào tạo nhà bán hàng; Tăng cường mở rộng các hỗ trợ xuyên suốt các giai đoạn xuất khảu trực tuyến của nhà bán hàng, gồm đăng ký và quản lý tài khoản, tối ưu chi phí, logistics và xây dựng thương hiệu.

Các nỗ lực này được kỳ vọng sẽ tiếp tục góp phần tăng tốc xuất khẩu trực tuyến, thúc đẩy đổi mới kinh doanh và chuyển đổi số tại Việt Nam