Theo dữ liệu chính thức được Trung Quốc công bố hôm nay (7/11), các lô hàng xuất đi bất ngờ giảm 0,3%, sau khi tăng 5,7% trong tháng 9, trong khi nhập khẩu giảm 0,7%, đảo ngược mức tăng 0,3% một tháng trước đó.
Đây là lần sụt giảm hàng tháng đồng thời đầu tiên kể từ tháng 5/2020 - thời điểm "thủ đô tài chính" Thượng Hải của Trung Quốc đang ở giữa đợt phong tỏa do Covid-19 kéo dài 2 tháng, đã ảnh hưởng đến nền kinh tế và làm rối loạn chuỗi cung ứng.
Dữ liệu điều chỉnh theo mùa cho thấy sự sụt giảm xuất khẩu trong tháng 10 của Trung Quốc rõ ràng hơn so với thời kỳ Thượng Hải bị phong tỏa - theo công ty tư vấn Capital Economics có trụ sở tại Anh.
Chuyên gia Huang Zichun của Capital Economics nói với Nikkei Asia: "Sự sụt giảm lần này không phải vì các vấn đề của chuỗi cung ứng. Mặc dù sự gián đoạn do virus gia tăng vào tháng trước, phần lớn sản xuất của Trung Quốc không còn bị hạn chế. Thay vào đó, sự sụt giảm khối lượng xuất khẩu gần đây dường như phản ánh sự thay đổi của nhu cầu toàn cầu đối với hàng hóa Trung Quốc".
Tính chung 10 tháng năm nay, xuất khẩu của Trung Quốc vẫn tăng 11,1%, vượt xa mức tăng 32,3% so với cùng kỳ năm trước, trong khi nhập khẩu tăng 3,5%, so với mức tăng 31,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Công ty dịch vụ tài chính Barclays có trụ sở tại Anh nhận định trong báo cáo mới nhất: "Xuất khẩu tháng 10 của Trung Quốc giảm lần đầu tiên kể từ tháng 5/2020, phần lớn là do lượng hàng xuất sang Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ giảm trong bối cảnh suy thoái kinh tế đang rình rập". Hãng này dự đoán xuất khẩu của Trung Quốc sẽ giảm 2-5% vào năm 2023 "do nhu cầu bên ngoài chậm lại và thị phần xuất khẩu toàn cầu của Trung Quốc đang bị thu hẹp".
Theo số liệu công bố hồi tuần trước, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã vượt kỳ vọng với mức tăng 3,9% trong quý III/2022, sau khi tránh được sự suy giảm trong 3 tháng trước đó. Tuy nhiên, các nhà kinh tế và các tổ chức tài chính đã giảm kỳ vọng của họ đối với nền kinh tế số 2 thế giới, với số ít kỳ vọng tăng trưởng cả năm của Trung Quốc sẽ đạt gần với mục tiêu chính thức khoảng 5,5%.
Dữ liệu thương mại mới nhất được đưa ra ít ngày sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 5/11 cam kết sẽ cung cấp khả năng tiếp cận rộng rãi hơn vào thị trường Trung Quốc.
"Trung Quốc sẵn sàng làm việc với tất cả các nước để thúc đẩy chủ nghĩa đa phương thực sự, xây dựng đồng thuận cởi mở hơn, cùng nhau vượt qua những khó khăn và thách thức với tăng trưởng kinh tế toàn cầu" - ông Tập nói trong bài phát biểu tại Hội chợ Nhập khẩu Quốc tế Trung Quốc ở Thượng Hải.
Theo Nikkei, nhu cầu trong nước cũng đang bị ảnh hưởng khi Trung Quốc phải đối mặt với một đợt bùng phát Covid-19 khác. Ngày 7/11, Trung Quốc ghi nhận 5.609 trường hợp nhiễm mới - nhiều nhất trong vài tháng trở lại đây tại nước này.
Quy định phòng chống dịch nghiêm ngặt của Trung Quốc được cho đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất tại nhà máy iPhone lớn nhất thế giới ở trung tâm thành phố Trịnh Châu - nơi nhà cung cấp Foxconn đã phải điều hành cơ sở này với những hạn chế khắt khe hơn, bao gồm test Covid-19 hàng ngày và hạn chế di chuyển của công nhân, sau một đợt bùng phát tại địa phương vào cuối tháng 10 vừa qua.
Apple đã cảnh báo rằng họ sẽ xuất xưởng ít iPhone cao cấp hơn và khách hàng sẽ phải đợi sản phẩm lâu hơn sau khi các quy định nghiêm ngặt làm gián đoạn hoạt động sản xuất tại nhà máy.
Chính phủ Bắc Kinh đến nay vẫn bảo vệ chính sách phòng dịch "zero-Covid" của mình, nói rằng nó đã cứu được nhiều mạng người và giảm bớt áp lực đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe của quốc gia này.